Vợ chồng anh Trung - chị Liên.

Vợ chồng anh Trung - chị Liên.

Giống như chồng, Đại úy Hằng cũng thường xuyên phải đi làm đêm. Những lúc ấy, chị lại phải gửi con cho đồng đội hoặc hàng xóm. Khó khăn là thế, nên nhiều năm qua, vợ chồng chị Hằng đều phải chọn nơi có nhiều chiến sĩ Công an cùng thuê nhà để ở cho tiện gửi con.

 

Cứ tưởng chỉ trong thời chiến, những người vợ, người mẹ mới phải xa chồng và đảm đang cả phần nuôi dạy, chăm sóc con cái. Vậy nhưng, ngay thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều người vợ, người mẹ làm được như thế hệ các bà, các cụ khi một tay quán xuyến gia đình, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm đi làm nhiệm vụ giữ bình yên cho đất nước. Trong số này có những nữ Công an tỉnh Bắc Kạn. Các chị còn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ở một tỉnh miền núi như Bắc Kạn, tuy giá cả chi tiêu cuộc sống hằng ngày không đắt đỏ nhưng vẫn có nhiều đôi vợ chồng sống với nhau nhiều năm, có nguồn thu ổn định mà vẫn đang phải đi thuê nhà để ở, và cũng chưa biết đến khi nào mới có tiền để mua nhà. Tiếp xúc với họ, điều khiến tôi rất trân trọng là họ luôn lạc quan và tự tin trong cuộc sống. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, tôi xin nêu ba ví dụ điển hình về những gia đình như thế.  

1.Người phụ nữ đầu tiên mà chúng tôi nhắc tới, đó là Đại úy Lý Thị Bắc, Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Bắc Kạn. Chồng chị là Đại úy Đỗ Anh Tuấn, Đội phó Đội Truy bắt tội phạm truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Bắc Kạn.

Kết hôn năm 2000, đến nay hai vợ chồng chị Bắc, anh Tuấn đã có một cháu trai 11 tuổi. Khi chúng tôi tới nhà, anh Tuấn đi công tác vẫn chưa về. Trong căn phòng tập thể còn chật chội, nhưng ấm áp, chị Bắc vừa thổi cơm chiều vừa dạy con học. "Ngần ấy năm vợ chồng chung sống, nhưng thời gian anh Tuấn chăm sóc cho vợ, con thì rất khiêm tốn. Nói vậy không có nghĩa là anh ấy không yêu gia đình, bởi do đặc thù công việc nên anh thường xuyên có những chuyến đi cả tháng dài để truy bắt tội phạm truy nã các anh ạ" - chị Bắc nói.

15 năm công tác trong lực lượng Công an, là cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm bắt truy nã, anh Tuấn luôn là điểm dựa tinh thần và kinh nghiệm cho đồng nghiệp trong đơn vị. Đợt vừa rồi, anh Tuấn đi truy bắt tội phạm gần một tháng ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam. Chỉ riêng chuyến đi này, anh và đồng đội đã bắt được 4 đối tượng truy nã, trong đó có đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm.

Đang say sưa kể về chiến công của chồng thì có chuông điện thoại, chị Bắc cầm máy: "Alô… Con ngoan anh ạ... Em vẫn bình thường… Vâng, em hiểu rồi mà, anh yên tâm đi, không phải lo nhiều cho em và con. Anh nhớ giữ sức khỏe và hết sức tỉnh táo nhé…".

Nghe xong điện thoại, chị Bắc tiếp tục câu chuyện với chúng tôi nhưng giọng chùng xuống: "Phụ nữ Công an vốn đã vất vả, lại lấy chồng Công an hoạt động trực tiếp ở đơn vị chiến đấu thì còn vất vả hơn anh ạ. Nhưng bằng tình yêu thương và sự cảm thông thì bất luận trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn có thể vượt qua để giúp chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Rồi chị Bắc kể một câu chuyện thực sự khiến chúng tôi xúc động. "Hôm ấy là ngày cuối năm, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch về hai bên nội, ngoại để chúc Tết ông bà, bố mẹ. Khi vợ chồng tôi và con đã khóa cửa bước ra khỏi nhà thì anh Tuấn nhận được tin từ cơ sở báo, đối tượng truy nã đang xuất hiện. Dù không phải ngày trực, cũng không phải thời điểm đang làm nhiệm vụ, nhưng sau nhận tin, tôi thấy nét mặt anh thần ra. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt của người sắp nói lời xin lỗi. 11 năm làm vợ anh, tôi rất hiểu những cuộc điện thoại bất ngờ kiểu này. Dù trong lòng không muốn chút nào, nhưng tôi vẫn động viên anh hãy đi ngay kẻo đối tượng lại di chuyển mất. Anh ôm tôi và cả hai cùng khóc. "Em xin lỗi ông bà, bố mẹ cho anh nhé. Để lọt đối tượng, nó lại tiếp tục gây án thì xã hội thêm bao người lại phải khổ". Nghe anh nói, tôi gật đầu mà thấy mắt mình nhòe đi. Anh ôm ghì con vào lòng và lại khóc. Những lúc như thế này, tôi thấy thương chồng vô hạn".

Biết chồng vất vả và nguy hiểm mỗi lần đi bắt nã, nhưng chị Bắc luôn động viên chồng hãy vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Sau ba năm thuê nhà ở ngoài, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn, vợ chồng anh Tuấn, chị Bắc được phân một căn hộ tập thể của Công an tỉnh và hằng tháng chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ.

2.Người phụ nữ thứ hai chúng tôi nhắc tới là Thượng úy Triệu Thị Mai Liên, Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an thị xã Bắc Kạn. Chồng chị là Đại úy Hà Kiên Trung, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy - Công an thị xã Bắc Kạn.

Kết hôn năm 2005, đến nay vợ chồng chị Liên đã có một con gái 5 tuổi. Tiếp chúng tôi vào ngày nghỉ cuối tuần trong căn nhà thuê ở ngay thị xã, chị Liên cho biết: "Hôm nay là một trong những ngày hiếm hoi, vợ chồng tôi được ở bên nhau anh ạ. Bởi thường thì vào ngày nghỉ, một trong hai vợ chồng chúng tôi đều có ca trực, và để thuận tiện cho việc trông con thì một trong hai người sẽ đi làm lệch ca".

Chị Liên quê ở Bắc Kạn. Anh Trung quê ở Thái Nguyên. Hai bên nội, ngoại đều ở xa nên vợ chồng chị rất khó gửi con trong những ngày khi đi làm. Cũng vì hai vợ chồng cùng làm ở đơn vị trực tiếp chiến đấu nên ngoài phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, họ còn rất vất vả bởi mỗi khi có vụ án xảy ra là họ lập tức phải nhận nhiệm vụ bất kể thời gian đó là đêm hay ngày, nhất là trong các đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm, cả hai vợ chồng đều phải đi theo chuyên án.

"Những lúc đó, chị xử lý thế nào để vừa chấp hành mệnh lệnh, vừa chăm được con nhỏ?", tôi hỏi. Chị Liên nói rằng: "Đã là chiến sĩ Công an thì phải chấp nhận vất vả. Đặc biệt ở đơn vị trực tiếp chiến đấu như vợ chồng tôi thì điều này càng phải chấp hành nghiêm túc. Có hôm tôi nhận nhiệm vụ lúc nửa đêm đi, thời gian có thể từ một đến hai ngày. Lúc đó ông xã lại đang đi đánh án ở xa. Không còn cách nào khác, tôi phải đưa con gái sang nhờ các cô, các bác hàng xóm trông cháu giúp. Còn vào những thời điểm cả hai vợ chồng đi làm nhiệm vụ dài ngày, chúng tôi phải đưa cháu về quê gửi ông bà cho đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới về quê đón con lên".

Rồi Liên cười, chiêm nghiệm: "Chúng tôi có thời gian yêu nhau khá dài nên hiểu và thông cảm cho nhau. Là chiến sĩ Công an làm ở đơn vị trực tiếp chiến đấu nên chúng tôi đều hiểu những khó khăn mà cả hai sẽ phải đối diện khi chung sống dưới một mái nhà. Và thực tế đến thời điểm này, chúng tôi đang trải qua những khó khăn nhất định".

Cũng giống như chị Lý Thị Bắc, chị Liên cũng thường ở nhà trông con một mình, dành nhiều thời gian cho chồng đi đánh án. Lãnh đạo đơn vị cũng hiểu điều này nên cũng tạo điều kiện để chị Liên ít phải đi làm nhiệm vụ đêm hoặc dài ngày, để chị có nhiều thời gian chăm sóc con nhỏ.

Dẫu vất vả và khó khăn, đặc biệt vẫn đang phải thuê nhà trọ để sống tạm, nhưng bằng tình yêu của người phụ nữ dành trọn vẹn cho chồng con, chị Liên không quản ngại khó khăn để tiếp tục hoàn thành xuất sắc cả nhiệm vụ gia đình và xã hội.

3. Người phụ nữ thứ ba chúng tôi nói tới là Đại úy Nguyễn Thị Ái Hằng, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Bắc Kạn. Chồng chị là đồng chí Nguyễn Trường Quân, Đội trinh sát, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bắc Kạn.

Chị Hằng quê ở Bắc Kạn. Anh Quân quê ở Thái Nguyên. Kết hôn năm 2007, họ đã có một đứa con 4 tuổi. Chị Hằng cho biết, tội phạm ma túy ở Bắc Kạn so với các địa phương khác tuy không nhiều, nhưng đặc thù của tội phạm ma túy thì ở đâu cũng rất nguy hiểm và phức tạp. Biết vợ hay lo nên mỗi lần đi đánh án, anh Quân thường không nói thật mà chỉ nói đi giải quyết công việc đơn vị.

Gia đình anh Quân - chị Hằng.

Có hôm chị Hằng có niềm vui nên điện thoại hỏi chồng "Chiều có bận gì không để về nhà ăn cơm với vợ?". Thấy chồng nói không bận việc gì, nên hết giờ làm, chị Hằng về đi chợ, đón con rồi nấu cơm chờ chồng về cùng ăn trong tâm trạng phấn khởi. Thế nhưng, hai mẹ con ngồi chờ bên mâm cơm đến khi đồ ăn đã nguội mà vẫn chưa thấy chồng về. Nghĩ chồng lại mải vui mấy chén rượu với anh em mà quên lời hứa với vợ nên chị Hằng giận, đã định ăn trước rồi nhưng nghĩ thế nào nên lại lấy điện thoại ra gọi.

Gọi vài lần mà không thấy máy điện thoại của chồng có tín hiệu, chị gọi đến đơn vị chồng thì mới hay, anh và đồng đội nhận nhiệm vụ đột xuất phải đi ngay và không kịp thông báo với vợ. Từ giận, chị chuyển sang thương và lo lắng cho chồng: "Tội phạm ma túy rất nguy hiểm, điện thoại của anh lại mất sóng thì nhiều khả năng đang ở khu vực đồi núi rồi. Đêm tối thế này, nhỡ chẳng may bọn buôn bán ma túy có súng thì nguy hiểm biết chừng nào…". 

Có những lần anh Quân phải âm thầm theo chân đối tượng để phá chuyên án trong thời gian dài. Khi anh Quân đang đi làm nhiệm vụ, thì chị Hằng ở nhà cũng nhận lệnh phải lên đường đi đánh án ở xa. Hỏi vì sao chị làm ở Đội Tham mưu tổng hợp mà lại phải đi đánh án, chị nói: "Công an ở các tỉnh vùng xa như Bắc Kạn hạn chế quân số, nhất là nữ giới ở các đơn vị chiến đấu. Vậy nên khi có vụ án nào liên quan đến việc khám xét, hoặc lấy cung đối tượng là nữ đều cần có nữ Công an làm nhiệm vụ".

Giống như chồng, chị Hằng cũng thường xuyên phải đi làm đêm. Những lúc ấy, chị lại phải gửi con cho đồng đội hoặc hàng xóm ở gần nơi thuê nhà. Khó khăn và hạn chế là thế, nên nhiều năm qua, vợ chồng chị Hằng đều phải chọn nơi có nhiều chiến sĩ Công an cùng thuê nhà để ở cho tiện gửi con. Cũng nhiều lần, do hai vợ chồng đều phải đi đánh án trong thời gian dài nên đành đưa con về gửi ông bà ngoại.

Thượng tá Dương Văn Tính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn:

Hiện nay, lực lượng Công an toàn tỉnh hiện có 40,3% đang thuê nhà ở, trong đó các đôi vợ chồng đang thuê nhà ở có tới 179 đôi và nhiều đôi vợ chồng đã đi thuê nhà ở lâu năm. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh luôn mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ có nơi ở. Tuy nhiên, do điều kiện nên dù rất muốn nhưng lãnh đạo Công an tỉnh cũng chưa thể lo hết chỗ ở cho cán bộ, chiến sỹ được.

Theo quan điểm của tôi, khó khăn về nơi ở cho cán bộ, chiến sỹ không phải là vấn đề không có quỹ đất, mà quan trọng là chưa có văn bản hướng dẫn các tỉnh thực hiện vấn đề này. Nên chăng các ban, ngành chức năng của Trung ương sớm có cơ chế, chính sách để tháo gỡ vấn đề nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ. Chẳng hạn có thể xây nhà thu nhập thấp dành cho cán bộ, chiến sỹ để anh em trả góp. Đối với cán bộ, chiến sỹ công tác ở vùng sâu, vùng xa, Chính phủ nên có chính sách cấp đất cho họ để anh em yên tâm hơn trong việc ổn định cuộc sống.

 

                                                                             Theo Báo CAND

 

 

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục