Di tích lịch sử bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng.

Di tích lịch sử bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng.

Suốt 15 năm (từ năm 1961 – 1975), bằng tất cả tâm huyết, trí tuệ, các cán bộ, chiến sĩ an ninh ta đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu thu thập tình báo của địch về nơi xuất phát của những con tàu không số…

Bí mật, bất ngờ là yếu tố quyết định thành công của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong rất nhiều trang tư liệu về bến tàu huyền thoại K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), có những chiến công thầm lặng chưa từng được nhắc tới của các lực lượng Công an thành phố Cảng.

Một trong những sĩ quan an ninh được giao trọng trách trên là Đại tá Hoàng Xuân Lâm, nguyên Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Ở tuổi 86, ông vẫn tráng kiện, sôi nổi như những ngày còn gánh vác nhiệm vụ nặng nề - trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ các bí mật quân sự tại Hải Phòng và Kiến An - trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở số 10, phố Lê Đại Hành, Hải Phòng, Đại tá Hoàng Xuân Lâm bồi hồi kể lại. Ngày đó, khi Quân ủy Trung ương thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về mở 2 tuyến đồng vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Công an và UBHC TP Hải Phòng và tỉnh Kiến An (sau này hợp nhất là TP Hải Phòng) giao cho Công an 2 địa phương một nhiệm vụ cực kỳ bí mật và quan trọng. Đó là phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, lập kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn việc vận chuyển con người, vũ khí, hàng hóa từ Hà Nội, Hải Phòng ra khu vực Pagodon (Km0 - Bến tàu không số K15) thuộc bán đảo Đồ Sơn.

Kế hoạch rất ngắn gọn nhưng theo đó là hàng “núi” công việc, trong đó nặng nề nhất là phải bằng mọi cách bóc các nội gián, phát hiện, đánh lạc hướng tình báo địch và phải lập một hàng rào thật vững chắc không cho đối phương đánh hơi việc ta mở bến tàu, tập kết hàng, vũ khí vào Nam, từ vùng biển Đồ Sơn…

Vào một buổi sáng cuối đông năm 1960, Chủ tịch UBHC tỉnh Kiến An lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Bá Thành giới thiệu với ông Lâm một cán bộ cũng tên Thành, hơn ông khoảng dăm tuổi - là cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân. Buổi gặp diễn ra trong nửa giờ. Ông Lâm với tư cách là Trưởng ty Công an địa phương được thông báo: Hiện có khoảng chục con tàu đặc biệt của Quân đội, kiểu cách “đặc sệt” phương tiện đánh bắt cá của người dân Nam Bộ, người trên tàu cũng toàn là người miền Tây đang neo đậu tại các ngóc ngách các tuyến sông Ruột Lợn, Lạch Tray và sông Cấm. Một số lần, các chiến sỹ tàu không số đã “đụng” các chiến sĩ Cảnh sát trên sông và Công an vũ trang ta và bị xử lý rất… căng do nghi là tàu của biệt kích ngụy.

Không thể giải thích mọi việc với anh em và để bảo đảm tuyệt đối bí mật, nhất là tránh sự phát hiện của tình báo, gián điệp địch, Đại tá Hoàng Xuân Lâm đã trực tiếp ký, đóng dấu những “giấy phép đặc biệt” cho từng con tàu, từng thủy thủ với ký hiệu cụ thể có giá trị đi qua tất cả các tỉnh duyên hải Bắc Bộ đến vĩ tuyến 17. Đây chính là những con tàu không số tập kết bí mật tại các điểm hẻo lánh ở Hải Phòng, đợi ngày tập kết bến K15, xuống hàng và xuất phát vào Nam.

Bắt đầu từ năm 1962, Hải Phòng - Kiến An hợp nhất. Giai đoạn này lượng hàng hóa, vũ khí và tàu tập kết về Hải Phòng ngày một nhiều. Được sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hải Phòng đã thành lập “Ban chỉ đạo bảo vệ bí mật quân sự”. Thành viên chủ chốt là: Sở Công an, Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu III, Sư đoàn 350, Sư đoàn 363.

Đồng chí Trần Đông - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - lúc đó là Giám đốc Sở Công an Hải Phòng, xúc động nhớ lại, vào thời điểm này, các lực lượng Công an Hải Phòng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; trong đó đã tham mưu cho Đảng, chính quyền địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho Công an xã, phát động nhiều phong trào quần chúng có hiệu quả - đặc biệt là phong trào “bảo mật, phòng gian”, đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân, luôn che chở, đùm bọc cho lực lượng Công an, Quân đội.

Rất nhiều lần, đồng chí Trần Đông lên Hà Nội, trực tiếp báo cáo với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về công tác bảo vệ bí mật quân sự tại Cảng Hải Phòng và khu bán đảo Đồ Sơn. Đích thân Bộ trưởng cũng thường xuyên về Hải Phòng kiểm tra và chỉ đạo công tác này, trong đó có bảo vệ bến tàu “không số” (K15) và những con tàu đang tập kết tại các khu rừng ngập mặn thuộc Hải Phòng, Kiến An và cửa sông Bạch Đằng (giáp thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Có thể nói, chưa bao giờ công tác bảo vệ ANTT suốt từ km21/QL5 cho đến tận Đồ Sơn được xiết chặt như thế này. Tại Sở Công an, luôn có mặt hai cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu III, thường xuyên làm nhiệm vụ thông báo mỗi khi có chuyển quân hay vận tải vũ khí, để các lực lượng phối hợp bảo vệ. Tuy nhiên, công tác giữ gìn tuyệt đối bí mật quân sự là hết sức khó khăn bởi những đoàn xe chuyên chở vũ khí, mỗi chiếc cách nhau chỉ 20 mét, nối dài hàng hai, ba cây số đi trên đường.

Còn tại bến K15, xe vận tải lớn chở hàng vào tận nơi, rất khó ngụy trang. Song để làm tốt nhiệm vụ, Công an Hải Phòng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp khai thác những đặc điểm tình hình, đánh lạc hướng tìm kiếm, theo dõi của lực lượng tình báo, gián điệp địch. Toàn bộ khu 2 và 3 Đồ Sơn được kiểm soát rất chặt chẽ, các tập thể hay cá nhân ra vào đều phải được cơ quan an ninh cấp giấy phép.

Các đơn vị chức năng do đồng chí Hoàng Trừ - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị; Trần Thế Dân - Trưởng phòng Cảnh sát; Trần Tiếp - Trưởng đồn Cảng hiệp đồng rất nhịp nhàng cùng một số cán bộ biệt phái đi các ngành như các đồng chí Đào An, Chủ nhiệm Công ty Cung ứng tàu biển (sau này là Bí thư Thành ủy Hải Phòng); Doãn Duyên, Chủ nhiệm Công ty Cung ứng tàu biển (thay đồng chí Đào An); Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Công ty Du lịch khu 3 Đồ Sơn; Ngô Ngọc Du, Giám đốc Sở Ngoại thương; Lê Ngọc Bảng, Giám đốc Hải quan... Sự phối hợp ấy đã tạo thế trận vững chắc và địch đã không thể phát hiện được bến tàu không số nằm ngay tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Chính thời gian này, Công an Hải Phòng đã xác lập Chuyên án ED69, phát hiện và “cất vó” một tổ chức hoạt động gián điệp chuyên thu thập, chuyển các thông tin về tình hình vận tải chi viện chiến trường miền Nam của chúng ta cho Trung tâm chỉ huy địch ở Hồng Kông. Kết quả, ta đã thu giữ nhiều tài liệu tình báo, vô hiệu hoá và trục xuất đầu mối chính Lam Ping Nam (quốc tịch nước ngoài) ra khỏi Việt Nam, bắt đối tượng chủ chốt Âu Trạch Niên cùng vợ là Âu Nguyệt Mi và con gái y là Âu Cần Tiên - liên lạc viên của tổ chức gián điệp trên.

Cùng thời gian này, Công an Hải Phòng còn bảo vệ và tiễn đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an), đi công tác tại chiến trường miền Nam bằng tàu “không số” theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Khi tàu nhổ neo rời bến bí mật, an toàn, anh em mới quay trở về.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CAND Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí Nguyễn Tài cùng một số cán bộ cao cấp của Bộ Công an và Công an Hải Phòng đã trở về thăm Di tích lịch sử K15 và ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, của lực lượng CAND, trong đó đã góp phần bảo vệ bí mật, an toàn bến xuất phát của tuyến đường huyền thoại trên biển

 

                                                                Theo Báo CAND

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục