Sau khi Báo CAND và một số cơ quan báo chí khácđăng bài về việc không thống nhất trong chỉ đạo áp mã thuế nhập khẩu lúa mì (5% và 20%) của Tổng cục Hải quan, độc giả rất quan tâm đến việc, có chuyện thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế hay không.

 

Trong Công văn số 7040/VPCP-KTTH ngày 7/10 về việc xử lý vấn đề Báo CAND nêu của Văn phòng Chính phủ chỉ rõ: "Chuyển Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo quy định hiện hành và có văn bản trả lời cho Báo CAND biết". Trong khi chờ đợi phản hồi từ Bộ Tài chính, chúng tôi tiếp tục cung cấp đến bạn đọc những thông tin xung quanh vụ việc này.

Tổng cục Hải quan: Thống nhất trong cách chỉ đạo

Ngày 27/9, Tổng cục Hải quan (TCHQ) có Văn bản số 4689/TCHQ-VP về việc hướng dẫn phân loại mặt hàng hạt lúa mì của TCHQ gửi Ban Tuyên giáo Trung ương nêu: Thời gian gần đây, một số báo chí đưa tin bài về việc hướng dẫn phân loại lúa mì, trong đó có nêu việc phân loại áp mã khác nhau đối với mặt hàng hạt lúa mì đã tách vỏ trấu, còn nguyên lớp vỏ lụa bên trong, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất khác nhau (5% hoặc 20%).

Về việc này, TCHQ cho rằng: Nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào chương 11 Biểu thuế suất nhập khẩu (hướng dẫn tại Công văn 836/TCHQ-GSQL ngày 7/3/2005 do bà Đặng Thị Bình An, Phó Tổng cục trưởng (nay đã nghỉ hưu) ký - PV); nếu chưa qua sơ chế, chế biến xếp vào chương 10 của Biểu thuế suất nhập khẩu (Công văn 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006 do ông Nguyễn Ngọc Túc, Phó Tổng cục trưởng (nay là Tổng cục trưởng) ký - PV).

Năm 2001, Bộ Tài chính cũng có Văn bản số 881-TC/TCT ngày 6/2/2001 hướng dẫn áp mã mặt hàng lúa mì đã tách vỏ trấu, phân loại vào nhóm 10.01. Trên cơ sở như vậy, TCHQ đã có Văn bản số 2594/TCHQ-GSQL ngày 19/5/2005 để giải quyết dứt điểm sự khác biệt trong áp mã mặt hàng nêu trên và kịp thời giải quyết các khiếu nại của doanh nghiệp nhập khẩu thời kỳ đó (nêu rõ, nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào chương 11, nếu chưa qua sơ chế, chế biến thì xếp vào chương 10 của Biểu thuế xuất nhập khẩu). Như vậy, việc hướng dẫn của TCHQ tại 3 công văn dẫn trên là thống nhất.

Cần giám định để làm rõ mặt hàng lúa mì nhập khẩu

Thế nhưng nhiều người không bằng lòng với cách giải trình nêu trên bởi khái niệm mặt hàng lúa mì nêu trong hai công văn do ông Nguyễn Ngọc Túc và bà Đặng Thị Bình An ký có biểu hiện chưa tách bạch. Công văn số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006 do ông Túc ký định danh mặt hàng này là: "Mặt hàng lúa mì dạng hạt, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong, chưa xát vỏ hoặc sơ chế, thuộc chương 10, nhóm 1001".

Còn Công văn số 836/TCHQ-GSQL do bà An ký nêu: "Mặt hàng lúa mì đã sấy khô, đã tách phần vỏ trấu ngoài, vẫn còn vỏ lụa bên trong (đã sơ chế), đã xay xát hoặc chưa qua xay xát phân loại vào chương 11".

Để biết hai cách định danh này có phải cùng một cách gọi mặt hàng lúa mì hay không, chúng tôi xin nêu kết quả tham khảo và nhận định của Thanh tra Bộ Tài chính trong Văn bản số 169/TTr-P6 để bạn đọc rõ. Cụ thể: Qua tham khảo thông tin về các loại lúa mì tại trang điện tử "Bách khoa mở toàn thư": Lúa mì có 4 loại, chủ yếu gồm: Lúa mì Einkorn đã thuần dưỡng, lúa mì Emmer, lúa mì spenta, có vỏ bao hạt. Đặc trưng hình thái nguyên thủy này bao gồm các mày dai bao bọc chặt lấy hạt và là cuống khá giòn dễ gẫy khi đập. Kết quả là khi người ta đập các bó lúa mì thì bông lúa gẫy ra thành các bông con. Để thu được hạt nhằm có thể xử lý tiếp như xay hay nghiền, người ta cần loại bỏ các vỏ bao này (trấu). Như vậy, lúa mì không tự tách vỏ trấu một cách tự nhiên mà sau khi thu hoạch cần phải qua công đoạn sơ chế để loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài".

Như vậy là đã rõ, cùng một mặt hàng "lúa mì dạng hạt, đã tách vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong" nhưng TCHQ có các văn bản chỉ đạo việc áp mã thuế khác nhau, dẫn đến chênh lệch thuế suất 15%.

Nhiều tờ báo đăng tin về vấn đề này.

Ngày 3/10, Báo Gia đình và Xã hội đăng: "Ngày 29/9, trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng TCHQ cho biết, theo thống kê của hải quan các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2010, lượng lúa mì nhập khẩu về là 453.000 tấn. Với mức thuế suất là 5%, số tiền thuế thu về trên 801 tỷ đồng, còn nếu áp mức 20% thì số tiền thuế sẽ lên mức hơn 3.200 tỷ đồng…". Điều này khiến nhiều người nghi ngại có thể xảy ra thất thu thuế với số tiền không nhỏ.

Vấn đề dư luận mong muốn là Bộ Tài chính cần làm rõ việc TCHQ chỉ đạo áp dụng thuế suất nhập khẩu lúa mì nêu trên là đúng, hay sai. Nếu đúng, sẽ giải tỏa được nghi ngờ Nhà nước bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế. Nếu sai, cần có biện pháp truy thu cũng như xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Chúng tôi được biết, TCHQ ngày 12/7/2010 có văn bản trình Bộ Tài chính đề nghị: "...nên có văn bản báo cáo Thủ tướng xử lý theo hướng không truy thu, truy hoàn…".

Tiếp đó, ngày 27/8/2010, TCHQ có văn bản trình Bộ Tài chính, trong đó nêu: "…tại tờ trình ngày 12/7/2010, TCHQ về việc tham gia ý kiến vào văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo, phân loại, áp mã đối với mặt hàng lúa mì nhập khẩu; theo đó, lãnh đạo Bộ chỉ đạo TCHQ "thực hiện theo quy định". Vì lãnh đạo Bộ không phê duyệt cụ thể thực hiện theo quy định nào, TCHQ dự thảo 2 phương án.

Một là: Trình Bộ ký công văn hướng dẫn phân loại, áp mã số thuế đối với mặt hàng lúa mì dạng hạt, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong thuộc chương 11, nhóm 11.04. Đồng thời, yêu cầu hải quan địa phương rà soát, kiểm tra các trường hợp nhập khẩu trước đây và thực hiện truy thu đủ số tiền thuế nhập khẩu theo quy định.

Hai là: Trình Bộ ký công văn hướng dẫn phân loại mặt hàng lúa mì dạng hạt, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong thuộc chương 11, nhóm 11.04, mã số chỉ tiết và mức thuế suất thực hiện theo Biểu thuế hiện hành; Trình Bộ ký công văn trình Thủ tướng Chính phủ xin xử lý theo hướng không truy thu, truy hoàn để không xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp". Văn bản này thể hiện rõ yêu cầu khẩn thiết của TCHQ mong muốn lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt cụ thể phương án thực hiện chứ không thể chỉ đạo "thực hiện theo quy định".

Ngày 3/10, ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng TCHQ trả lời trên Báo Gia đình và Xã hội rằng: "Các văn bản của TCHQ không thể vượt qua các văn bản của Bộ Tài chính ban hành. Bộ Tài chính quy định: "…lúa mì đã tách vỏ trấu thuộc nhóm 1001", thuế suất là 0%, sau này là 5%... Riêng việc có chuyện thất thu hay không thì tôi trả lời là không". Dư luận cũng mong trả lời của ông Tổng cục trưởng TCHQ là đúng. Tuy nhiên, để khẳng định điều này Bộ Tài chính cần phải đưa ra kết luận rõ ràng, trong đó có cả việc đưa ra kết quả giám định mẫu lúa mì đã nhập khẩu.

 

                                                                       Theo Báo CAND

 

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục