Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND.

Cách đây trên hai chục năm tôi được chuyển công tác từ Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây về Nhà xuất bản Công an nhân dân. Từ dân sự sang làm việc ở một đơn vị vũ trang trong công tác sáng tác xuất bản tôi có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng cũng thật vui khi thủ trưởng trực tiếp của mình lúc ấy là Giám đốc Phan Văn Thẩm. Cấp trên của anh Thẩm là đồng chí Phạm Văn Dần, người thầy giáo cũ của tôi.

Anh Thẩm có bút danh là Văn Phan. Tôi  được về công tác ở Nhà xuất bản Công an nhân dân là nhờ ở sự giúp đỡ của nhà văn Văn Phan nhiều. Giữa hai chúng tôi có một mối thân tình bắt nguồn từ văn chương bởi hai người đều là học viên của Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ Khóa V do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 1972.

Cũng nhờ cái duyên này để tôi có cái duyên may ngẫu nhiên nữa được gặp lại thầy Phạm Văn Dần. Sở dĩ tôi phải dài dòng kể lể như vậy bởi mọi chuyện, dù là ngẫu nhiên nhưng vẫn có cái nhân duyên riêng của nó. Ký ức chẳng bao giờ có thể già khi mình luôn luôn nhớ…

Thầy Dần của tôi nay tuy đã nghỉ hưu nhưng anh em trong cơ quan  vẫn nhớ mãi “sếp” Dần, bác Dần, anh Dần. Còn tôi luôn một lời trang trọng thầy Dần khi thưa gửi. Ông với cấp dưới gần gũi thân tình. Ngay cả lúc nghỉ công tác rồi ông vẫn chu đáo trong việc thăm hỏi.

Với tôi, lần đầu tiên, được gặp lại ông sau nhiều năm xa cách vào một buổi sáng. Hôm ấy là một cuộc gặp mặt hay cuộc họp gì đó của lãnh đạo Tổng cục với các cán bộ và chiến sĩ thuộc các cơ quan cấp dưới. Tôi được đi họp ở Tổng cục trong tư cách một biên tập viên của Nhà xuất bản Công an nhân dân. Tại cuộc gặp mặt ấy tôi đã trông thấy ông. Giữa nhiều người đang trò chuyện với ông tôi mạnh dạn đến và cất lời:

- Em chào thầy!

Ông nhìn tôi, mắt mở to và cười hiền. Ánh mắt thầy giáo cũ của mình có vẻ như đang tìm lại, nhớ lại. Còn nụ cười của ông thì vẫn như xưa, đôn hậu và tình cảm. Tôi chủ động giơ hai tay nắm lấy tay thầy giáo, tự giới thiệu tên, chỗ công tác và kể lý lịch học trò để ông nghe:

- Em là học sinh của Trường cấp III Sơn Tây khóa... thầy dạy toán chúng em ở lớp 8C…

Ông à vui một tiếng. Chỉ cần chi tiết ấy thôi là thầy trò đã nhận ra nhau. Tất nhiên tên tôi lúc ấy ông có thể chưa nhớ, bởi một đời dạy học của một thầy giáo có biết bao học sinh đã ngồi trong lớp học làm sao mà ghi nhận tên tuổi cho xuể. Còn tôi nhớ ông là chuyện tất nhiên. Sau đó tôi kể chuyện cho một số bạn đồng môn cùng lứa rằng mình đã gặp thầy Dần thì ai cũng ngạc nhiên hỏi:

- Thế thầy Dần làm Công an à?

Tôi nghiêm trang trả lời:

- Chính xác. Thầy còn làm lãnh đạo ở một Tổng cục nữa. Tổng cục này có tên là Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân thường gọi là Tổng cục III...

Phải dẫn giải như vậy bạn bè mới tin hẳn. Ai cũng nghĩ ông làm việc khác kia. Hồi dạy toán chúng tôi ông còn rất trẻ, dáng cao cao gầy gầy. Nhiều người nhớ cảnh ông đứng trên bục giảng, tay cầm phấn viết những con số thoăn thoắt trên chiếc bảng gỗ sơn đen. Nhớ nhất là tấm áo bông tàu ông mặc trên người vào mùa rét. Áo ông mặc đã hơi bạc màu và vương bụi phấn. Ai cũng bảo ông hiền và ít nói. Chắc vì quan niệm ấy mà họ không nghĩ ông sẽ công tác trong lực lượng Công an sau này.

Tôi kể lại chuyện gặp bạn bè cũ, học sinh Sơn Tây của những năm đầu sáu mươi thế kỷ hai mươi cho thầy Dần nghe, ông cười vui, không nói gì. Sau này được tiếp xúc với ông nhiều, chủ yếu là việc chung, cũng có việc riêng, tôi thường thấy ông là người kiệm lời, điều gì cần mới nói, nói nhẹ nhàng, từ tốn, cẩn trọng. Nhiều người nhận xét ông là người dịu tính trong ứng xử, mực thước trong lối sống. Có lúc nghe thầy nói chuyện ở thời hiện tại mà như được nghe ông giảng bài ở mái Trường cấp III Sơn Tây thuở cả tỉnh vùng xứ Đoài quê tôi mới có một trường trung học phổ thông.

Tôi được biết thầy giáo của mình là con trai của cụ giáo Phạm Văn Nghi. Cụ Nghi đi tham gia kháng chiến chống Pháp khi ông còn nhỏ. Năm ông ngoài mười tuổi được cử đi học ở Khu học xá Việt Nam có địa điểm ở bên Trung Quốc, sau đó về nước học Đại học Sư phạm. Ông dạy học ở quê tôi một số năm. Ông từng đi làm chuyên gia giáo dục ở châu Phi. Ngày ông về nước, Trường Công an Trung ương cần tuyển giáo viên dạy văn hóa, có lý lịch gia đình tốt. Ông đã được tổ chức chọn.

Lúc này thân phụ ông, cụ giáo Phạm Văn Nghi đang là Hiệu trưởng của Trường Công an Trung ương. Được biết cụ giữ ý không muốn cha làm hiệu trưởng con lại là giáo viên. Nhưng tổ chức đã quyết. Ông được chuyển về giảng dạy ở Trường Công an Trung ương. Ngôi trường còn có tên gọi là C500.

Khi tôi về công tác ở Nhà xuất bản Công an nhân dân, ông đã chuyển lên công tác ở Tổng cục III. Những ngày đầu khi Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an được thành lập, ông là lãnh đạo Tổng cục kiêm chức Tổng Biên tập và Phó Tổng biên tập trực tiếp điều hành công việc Tạp chí thời điểm đó là nhà văn Hữu Ước…

Tôi nhớ trước đó, có lần khi xuống họp ở Nhà xuất bản Công an nhân dân, ông có nói với tôi về việc có ý định chuyển tôi về làm biên tập ở Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an. Và sau đấy, được sự đồng ý của lãnh đạo Nhà xuất bản Công an nhân dân tôi được chuyển lên công tác ở Tạp chí, tiền thân của tờ Chuyên đề Văn nghệ Công an bây giờ.

Mặc dù bận nhiều công việc ở Tổng cục nhưng với trách nhiệm của một Tổng Biên tập, ông đã trực tiếp đọc bài vở của anh em biên tập chuyển lên. Tôi nhớ bên lề nhiều bản thảo chuyển lên Tổng Biên tập đọc duyệt có nét chữ chân phương, cẩn thận của ông ghi nhận xét. Vẫn nét chữ chân chất, lời lẽ nhã nhặn như ngày nào ông còn trên bục giảng. Rồi những lần Tổng Biên tập từ Tổng cục xuống họp trực tiếp với Tạp chí, từ dáng đi đến lời nói trong chỉ đạo, trong góp ý của ông luôn mang phong thái một thầy giáo.

Công việc văn hóa - văn nghệ của lực lượng Công an được phát triển như hiện nay và có được như hiện nay một Chi hội Nhà văn Công an với số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đông đảo là nhờ sự quan tâm thiết thực của các thế hệ lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng, các nhà văn Công an, đồng đội, các cơ quan, đoàn thể ngoài lực lượng… ở Trung ương và địa phương với những tập thể và cá nhân cụ thể trong đó có sự góp phần và ủng hộ nhiệt tình của Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và nhà văn Hữu Ước (nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III, Tổng Biên tập Báo CAND).

Đến bây giờ trong ký ức của nhiều cây bút trong lực lượng, nhất là các cây bút ngoài lực lượng, khi nhắc tới những kỷ niệm về ông qua các cuộc hội thảo văn hóa - văn nghệ, các trại trại sáng tác văn học… luôn luôn thấy ở ông tư chất hiền hậu, lịch lãm của một nhà giáo.

Tôi nhớ sâu, nhớ bền ba điều tâm huyết của cụ giáo Phạm Văn Nghi, nguyên Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương- Học viện An ninh nhân dân bây giờ, về nghề thầy giáo trong phẩm cách nhà giáo của người thầy mà tôi đã đọc được trong một bài báo ở tờ Công an nhân dân số ra gần đây viết về cụ và gia đình.

Ba điều cụ đúc kết trong nghề thầy giáo nên có là: “Ngôn giáo” trong sự mô phạm khi nói năng, cư xử; “Thân giáo” trong nhân cách gương mẫu của người làm nghề dạy học và “Văn giáo” trong phẩm chất văn hóa của người thầy có tri thức và giàu tâm đức. Thật sâu sắc cho những tâm niệm này của cụ giáo Phạm Văn Nghi. Lời dạy này của cụ không chỉ ý nghĩa với người thân trong gia đình và người con trai Phạm Văn Dần khi lĩnh trọng trách làm thầy mà còn ý nghĩa đối với nhiều người khác nữa.

Tôi chưa có vinh hạnh được gặp cụ nhưng đã được làm học trò của thầy Dần, người con trai của cụ. Cho dù sau này do nhu cầu công tác ông đã rời bục giảng nhưng trong tình cảm của tôi và nhiều người, thầy Dần luôn luôn là một người thầy kính mến

 

                                                                           Theo Báo CAND


 

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục