Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giữ ổn định về phương thức như năm 2021 với chủ trương tăng trách nhiệm của người làm thi. Đề thi được đánh giá có sự phân hoá cao, phổ điểm và điểm chuẩn các trường đại học được dự đoán có sự thay đổi.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn động viên thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đặng Huy Trứ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Những vi phạm "quen" và nghi vấn lộ đề thi  

Để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra theo hướng an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.  

Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định trong tổ chức kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả.

Trong những ngày thi, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo và của Bộ GD&ĐT đã đi kiểm tra tại các địa phương: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh, Bình Phước, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Mặc dù trong báo cáo của Bộ GD&ĐT, các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong việc bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh  đảm bảo an toàn, cách biệt phòng thi ít nhất 25m nhưng theo phản ánh của phóng viên, tại điểm thi ở Phúc Thọ (Hà Nội) không có điểm giữ đồ cho thí sinh. Các em ở điểm thi này vẫn mang điện thoại vào phòng thi. Khi phóng viên hỏi điểm trưởng điểm thi này thì được biết điểm thi không có nhân sự cho công việc này.  

Bất ngờ trước thông tin này, ông Lê Mỹ Phong cho biết: "Các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đến địa phương và thấy rằng, dù có khó khăn khi triển khai nhưng địa phương vẫn quyết tâm thực hiện. Bởi công việc này đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Chúng tôi sẽ liên hệ với hội đồng thi này để có thông tin cụ thể".  

"Nếu không có chỗ trông đồ cho thí sinh mà để các em mang điện thoại vào phòng thi là lý do không chấp nhận được", ông Lê Mỹ Phong nói.  

Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 50 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Ông Lê Mỹ Phong cũng cho biết: "Đối với thông tin phản ánh lộ đề thi môn Ngữ văn được đăng trên báo chí và mạng xã hội trước giờ thi, Bộ GD&ĐT khẳng định đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi; đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã chuyển thông tin tới đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ.

 "Đối với nghi vấn đề thi môn Toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi: Ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin… Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành”, ông Lê Mỹ Phong khẳng định.

Đề thi phân hoá tốt, phổ điểm sẽ thay đổi?  

Ghi nhận của báo Tin tức, các giáo viên đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã bám sát với đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Đa số các đề thi đều có tính phân loại tốt. Tuy nhiên, ở một số môn thi thành phần của tổ hợp, đề thi khó hơn hẳn những năm ngoái. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu đề thi có phù hợp với việc học sinh học tập bị ảnh hưởng bởi 3 năm dịch COVID-19.  

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: "Năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn. Nếu làm đề thi phù hợp với đối tượng thí sinh khó khăn thì sẽ không bảo đảm công bằng cho thí sinh ở nơi có điều kiện đi học trực tiếp nhiều hơn. Vì vậy đề thi vẫn phải bảo đảm các cấp độ nhận thức theo quy định, bao gồm các mức độ câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Nếu nhìn trên diện rộng, mức độ đề thi như vậy là bảo đảm phân hóa”.

 Đánh giá chung về đề thi, ông Lê Mỹ Phong cho biết: "Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ” .  

Còn theo các giáo viên có kinh nghiệm, với mức độ đề thi như năm nay thì sẽ điểm cao sẽ rất ít ở các môn Toán, Ngữ văn và các môn thành phần của bài thi tổ hợp. Riêng môn Giáo dục công dân sẽ có thể có "mưa điểm 10".

 Các thầy cô thuộc tổ Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: "Đề toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có tới 38/50 câu ở mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh học chắc kiến thức cơ bản đều có thể cầm chắc số điểm tối đa ở quãng câu hỏi này.  Trong số 12 câu hỏi thuộc nhóm phân hóa, chỉ có 5 câu ở mức vận dụng cao thuộc chương trình lớp 12, ở các chuyên đề quen thuộc. Do độ phân hóa của đề thi năm nay tốt hơn năm trước nên phổ điểm có thể sẽ ở quãng 7-8 điểm”.  

Với hai bài thi tổ hợp, các giáo viên Hệ thống Giáo dục HOMAI cho rằng, đề thi đã có sự phân hoá cao hơn. Nội dung của phần thi rơi vào học kỳ 2, lớp 12 nhiều hơn học kỳ 1. Phần nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu chiếm 75 - 80% trong tổng bài thi và ở phần này nội dung tương đối căn bản, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Nhưng do đề thi đã tăng độ khó ở nhóm câu hỏi phân hóa nên dự đoán điểm giỏi ở các môn thuộc hai bài thi tổ hợp cũng sẽ giảm so với năm trước.  

Với mức độ đề như năm nay, một số giáo viên có kinh nghiệ đánh giá, phổ điểm thay đổi chắc chắn điểm chuẩn của các trường đại học sẽ phải thay đổi.  

Thành công của kỳ thi là sự phối hợp nhịp nhàng 

Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự kiện quan trọng đối với xã hội, đặc biệt là với ngành giáo dục. Chính phủ có văn bản chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thi. Hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã khá vất vả trong khâu đề thi. Năm nay, kỳ thi còn một đợt thi đã thuận lợi hơn rất nhiều. Lúc này, ngành giáo dục chờ vào kết quả chấm thi, đề thi, đánh giá chất lượng kỳ thi. Một trong những mục tiêu trong chỉ đạo là sự phối hợp nhịp nhàng các ngành, các cấp. Qua việc tổ chức coi thi, mục đích kỳ thi đặt ra đã đặt được, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, công bằng, khách quan và có chất lượng”.

Công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh được tăng cường, bảo đảm tổ chức kỳ  thi an toàn, chất lượng. Theo đề nghị và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường chỉ đạo sở GD&ĐT và các sở, ban ngành liên quan của địa phương nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh để triển khai tổ chức kỳ thi trên địa bàn phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.  

Theo đó, tăng cường tuyên truyền về chủ trương tổ chức Kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh để tạo sự đồng thuận của xã hội; quán triệt đầy đủ để thí sinh, người tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và hạn chế tối đa việc đi đến những nơi không thật cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng trong quá trình tham gia Kỳ thi; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cập nhật thường xuyên tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đặc biệt, bố trí điểm thi dự phòng để chủ động xử lý các tình huống phát sinh do thiên tai, dịch bệnh; bố trí các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để tổ chức thi cho các đối tượng thí sinh thuộc diện F0 hoặc thuộc diện ca bệnh nghi ngờ.  

Kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời, đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.  

"Chúng tôi quán triệt cố gắng giảm tới mức tối đa vi phạm bằng cách tăng kỷ cương, giảm vi phạm. Vi phạm với học sinh vẫn còn, có nguyên nhân là hiện nay học sinh học trực tuyến rất nhiều nên nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ cao. Thậm chí, có những  phần mềm gia sư hỗ trợ. Vì thế vấn đề công nghệ cao tiếp tục được quan tâm trong khâu chấm thi sắp tới. Trách nhiệm của từng thành viên đặt chất lượng lên hàng đầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.  


                           TheoBaotintuc

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục