Bệnh Raynaud được mô tả lần đầu tiên vào năm 1862 bởi bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud, là một bệnh mạn tính, biểu hiện bằng từng đợt trắng và tê cóng ở đầu chi (ngón tay, ngón chân, một số trường hợp có thể gặp ở mũi, dái tai) do co thắt những mạch máu nhỏ gây nên sự rối loạn tuần hoàn máu. Bệnh gặp nhiều ở nữ, tuổi hay gặp từ 15 - 40.

Nguyên nhân

Bệnh thường được khởi phát sau phơi nhiễm lạnh hoặc stress tâm lý. Khi trời lạnh, cơ thể phản ứng lại với nhiều phản xạ khác nhau, mục tiêu để giữ thân nhiệt ở mức cao nhất. Một trong những phản xạ này là phản xạ co mạch máu nhỏ dưới da hoặc đầu chi. Ở những bệnh nhân bị bệnh Raynaud, phản xạ co mạch trở nên quá mức vì thần kinh chi phối sự co mạch rất nhạy cảm dẫn đến giảm lưu lượng máu tới ngọn chi.

Bệnh Raynaud được chia làm hai thể: thể nguyên phát và thứ phát.

- Thể nguyên phát (bệnh Raynaud) không xác định được nguyên nhân. Thể này rất hay gặp, chiếm khoảng 90% các trường hợp và chủ yếu ở phụ nữ trẻ. Bệnh tiến triển dần dần và nặng hơn khi trời lạnh, tổn thương chủ yếu ở các ngón tay, ngón chân đối xứng hai bên nhưng ít khi gây loét hoặc hoại tử. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể giảm sau vài năm và trong thời gian có thai.

- Thể thứ phát ít gặp hơn (hội chứng Raynaud). Bệnh thường xuất hiện ở một bên, không đối xứng, tổn thương có thể ở 1 hoặc 2 ngón. Bệnh được phát triển trên nền một bệnh khác (xơ cứng bì, bệnh mô liên kết, viêm đa khớp dạng thấp, hội chứng ống cổ tay, xơ vữa động mạch, tăng áp lực động mạch phổi, bệnh lupus ban đỏ) hoặc do dùng thuốc mà những thuốc đó có tác dụng gây co mạch như thuốc ức chế giao cảm (propranolon) dùng trong những trường hợp tăng huyết áp, thuốc erotamin (dùng điều trị bệnh đau nửa đầu), thuốc tránh thai, hóa chất điều trị, thuốc ngủ hay do những hoạt động nghề nghiệp (làm bằng máy móc gây rung).

Các triệu chứng thường thấy

Sự thay đổi màu da ở nơi tổn thương: biểu hiện da chuyển từ màu hồng sang trắng (do co mạch gây thiếu máu), đôi khi xanh tái do giãn mao mạch và tĩnh mạch, tiếp theo chuyển sang màu đỏ (hiện tượng tái tưới máu).

Hiện tượng kiến bò, mạch đập và tê cóng (có thể mất cảm giác hoặc không).

Đau nơi tổn thương (hiếm).

Các triệu chứng trên có thể tồn tại trong vài phút hoặc vài giờ.

Biến chứng của bệnh

Thể Raynaud tiên phát ít có những biến chứng trầm trọng, ngược lại ở thể thứ phát có thể gây hoại thư tổ chức bị bệnh dẫn đến phải cắt bỏ (chủ yếu gặp ở bệnh nhân bị xơ cứng bì).

Yếu tố khởi phát cơn

Do lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến hiện tượng co mạch.

Cảm xúc mãnh liệt;

Stress;

Hút thuốc lá;

Do công việc phải làm bằng những máy móc gây rung (máy đập bê tông, cưa dây chuyền...)

Tiền sử điện giật hoặc cước tay.

Dự phòng

Cần mặc ấm, đi găng, tất, choàng khăn khi thời tiết lạnh;

Cần đi găng khi tiếp xúc với nước đá;

Hạn chế thay đổi đột ngột nhiệt độ khi sử dụng điều hòa nhiệt độ;

Ngừng hút thuốc lá (nicotin làm giảm tuần hoàn máu đến đầu chi);

Hạn chế stress tâm lý;

Tránh uống cafe vì gây co mạch;

Một số phương pháp khác:

Tập thể dục đều đặn để sưởi ấm cơ thể; tránh làm tổn thương ngón tay và chân để tránh loét, hoại tử; tránh sử dụng những thuốc gây co mạch ngoại biên như dẫn chất erotamin, propranolon, amphetamin; đối với thể thứ phát (hội chứng Raynaud), không dùng thuốc tránh thai vì làm tăng nguy cơ co mạch; bổ sung vitamin (A, E, C) và khoáng chất.

Các phương pháp điều trị

Thuốc chẹn kênh canxi: nifedipin, nimodipin... ngoài tác dụng hạ huyết áp còn có tác dụng làm giãn cơ và giãn những mạch máu nhỏ, do đó thuốc có tác dụng tốt với bệnh Raynaud. Nên bắt đầu điều trị với liều thấp sau đó tăng dần vì nguy cơ gây hạ đột ngột huyết áp dẫn đến giảm tưới máu động mạch vành và làm tăng nhịp tim. Chống chỉ định trong trường hợp di ứng với thành phần của thuốc, có thai và cho con bú.

Thuốc chẹn alpha giao cảm (alpha bloquants: prazosine, doxasosine). Thuốc có tác dụng hạ huyết áp nhưng đồng thời có tác dụng chống co thắt mạch trong bệnh Raynaud.

Thuốc giãn mạch (ginko biloba). Thuốc có tác dụng điều hòa tuần hoàn máu trong các mạch máu nhỏ do tác dụng giãn mạch. Liều 120 - 160mg/ngày, chia làm 2 - 3 lần.

Nitroglycerin gel bôi tại chỗ.

Châm cứu có tác dụng tốt đối với thể tiên phát.

Điều trị bệnh nguyên như xơ cứng bì, bệnh mô liên kết, viêm đa khớp dạng thấp, hội chứng ống cổ tay, xơ vữa động mạch, tăng áp lực động mạch phổi, bệnh lupus ban đỏ...

Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị, thầy thuốc có thể kê thêm thuốc chống trầm cảm để tăng thêm hiệu quả của thuốc giãn mạch.

Trong trường hợp có hoại tử ngọn chi, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi điều trị, thậm chí phải cắt cụt ngón chi.

Cắt thần kinh giao cảm (hiệu quả tạm thời, là kế sách cuối cùng).

                                                                               Theo Báo SKĐS

 

Các tin khác


Nắng nóng cao điểm, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải bệnh nhân 

Trong đợt nóng lần này, Hòa Bình là một trong những nơi thuộc vùng tâm nóng; 3 ngày qua (27 - 29/4), nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ C, có nơi xấp xỉ 43 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người dân trong tỉnh phải nhập viện cấp cứu, dẫn đến quá tải tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục