Trước thông tin cúm H1N1 đã bị thổi phồng thành đại dịch và việc tiêm văcxin là không cần thiết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chiều nay cho biết: "Việt Nam sẽ tiếp tục nhận văcxin viện trợ từ WHO nhưng sẽ kiểm nghiệm chặt chẽ".

Theo dự kiến, Việt Nam sẽ được WHO viện trợ khoảng 1,2 triệu liều (đợt đầu). Đối tượng được ưu tiên sử dụng là các thai phụ trên 3 tháng ở 63 tỉnh, thành. Ngoài ra, Việt Nam cũng dự định mua thêm khoảng 500.000 liều nữa.

Tuy nhiên, trước thông tin trái chiều về tính chất của dịch cúm này, ông Huấn cho rằng, việc tiêm phòng cúm vẫn là cần thiết bởi bản chất tiêm là để bảo vệ. "Trong trường hợp không thành dịch lớn nữa, việc sử dụng văcxin sẽ như văcxin cúm mùa thông thường", thứ trưởng Huấn nói.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ kiểm nghiệm số văcxin nói trên một cách nghiêm ngặt, tuân thủ các quy trình cần thiết giống như với một văcxin mới (mà không "đi tắt" như đề xuất trước kia). Việc kiểm nghiệm này nhằm kiểm tra khả năng đáp ứng miễn dịch của người Việt Nam và những phản ứng phụ, xem văcxin có đủ để phòng cúm H1N1 không.

Về thông tin Chủ tịch Ủy ban y tế Hội đồng châu Âu nhận định có sự vận động của các công ty dược lớn khiến WHO đưa ra khuyến cáo về một đại dịch giả, thứ trưởng Huấn cho biết, Bộ Y tế sẽ có thư gửi Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đề nghị xác nhận lại thông tin này và sớm đưa ra khuyến cáo để Việt Nam tiếp tục các hoạt động phòng chống dịch cúm H1N1.

Trong lúc này, chính các chuyên gia y tế Việt Nam cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc liệu WHO có thổi phồng quá mức về dịch cúm H1N1 hay không.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho rằng, để kết luận "có thổi phồng" hay không, cần phải có đầy đủ luận chứng cụ thể. "Tại một số quốc gia có tỷ lệ tử vong vì cúm A/H1N1 cao như Mỹ, thì việc cảnh báo đại dịch là hợp lý. Còn tình hình ở Việt Nam thì độ lây lan dịch nhìn chung được kiểm soát ổn định hơn", vị bác sĩ này nhận xét.

Song ông cũng nhìn nhận, chỉ trong thời gian ngắn mà bệnh này lây lan nhanh trên toàn cầu thì không thể không quan ngại.

Năm ngoái vào thời điểm dịch bùng phát, trong nhiều buổi hội thảo về tình hình cúm A/H1N1 tại TP HCM, các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm từng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Một số ít cho rằng: “Liệu H1N1 có đang bị làm lớn chuyện hơn sự thật hay không, khi mà tỷ lệ tử vong vẫn không cao…”; hoặc "việc cảnh báo dịch lan rộng và công tác phòng chống đã gây tổn thất lớn về kinh phí trong việc điều trị, chăm sóc người bệnh".

Tuy nhiên, căn cứ vào hiện tượng lây lan quá nhanh của H1N1 trên toàn cầu, nhiều chuyên gia lại đồng tình với mức cảnh báo đại dịch của WHO.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, việc phải huy động cả sức lực và ngân sách cho việc phòng và chữa cho các bệnh nhân H1N1 như vậy là thỏa đáng.

"H1N1 là một loại virus mới, người dân chưa có miễn dịch với nó nên khả năng nhiễm bệnh rất lớn. Nếu chúng ta không dồn sức để phòng và điều trị bệnh thì sẽ có thêm bao nhiêu người mắc bệnh, và trong số đó, không ít người sẽ biến chứng nặng, tử vong", ông Hà nói.

Tuy nhiên, ông cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng phí tổn dùng cho việc phòng, chống H1N1 là không nhỏ. "Cụ thể, với các ca nhẹ, việc điều trị rất đơn giản, thường chỉ một tuần, cũng tốn kém khoảng 5 triệu đồng cho các chi phí như mua tamiflu, thuốc bổ, phục vụ ăn uống và ít nhất 2 lần xét nghiệm. Với các bệnh nhân đã bị biến chứng nặng như viêm phổi... thì việc chữa trị phức tạp hơn nhiều, chi phí đội lên tới hằng trăm triệu đồng", ông cho biết

Đại diện một bệnh viện tại TP HCM được phân công là một trong những điểm tiếp nhận bệnh nhân H1N1 khi tình hình dịch "nóng" nhất, khẳng định đơn vị này đã phải chi một số tiền rất lớn để nuôi, cách ly và chăm sóc bệnh nhân cúm. Sở Y tế TP HCM mặc dù không công bố kinh phí cụ thể nhưng cũng thừa nhận phải chi ngân sách lớn cho công tác phòng chống dịch H1N1.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 10/2009, Bộ này đã hỗ trợ trên 790 tỷ đồng cho 52 tỉnh, thành phố và 8 bộ ngành để phòng chống dịch H1N1.

Hiện tại, theo Bộ Y tế, dịch cúm tại Việt Nam đang giảm cả về số ca mắc và tử vong, không rầm rộ như tháng 7 và 8. "Tại 15 điểm giám sát cúm trọng điểm trên cả nước hầu hết đều ghi nhận xu hướng giảm cả về số ca dương tính với cúm H1N1 lẫn cúm thường", thứ trưởng Huấn cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho hay, hơn một tuần nay không có trường hợp nào nhập viện. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng không có bé nào nằm viện do nhiễm H1N1.

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa, những lo ngại cúm H1N1 bùng phát vào mùa lạnh đã không xảy ra. "Với tình hình hiện nay, H1N1 được xem như một loại cúm thông thường, giống các bệnh cúm khác", một bác sĩ chuyên khoa nhi nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia, thì đánh giá mức độ nguy hiểm của cúm H1N1 "chỉ như cúm thường, tuy vẫn có các ca tử vong".

 

                                                                Theo VnExpress

Các tin khác


Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục