(HBĐT) - “Chúng tôi chẳng hiểu tại sao khi các đơn vị thi công đổ bê tông cứng hoá trên tuyến đường đi xóm Mu - Chiềng (Thung Nai) thì bị cấm không cho thi công nữa. Đường thì càng ngày càng xuống cấp, trời nắng thì còn đi được chứ khi mưa xuống thì đường thành rãnh. Chẳng biết đến khi nào tuyến đường mới được cải tạo, nâng cấp”, chị Nguyễn Thị Nhân, người dân xóm Mu nhìn về phía con đường lởm chởm đá trước mắt ngán ngẩm.

 

Đường xuống cấp...

 

Hơn 300 hộ dân các xóm Mu, Chiềng và Đoàn Kết, xã Thung Nai (Cao Phong) mong cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn đầu tư để cứng hoá hơn 1km đường để giảm bớt những khó khăn cho người dân.

 

Qua tìm hiểu được biết, tuyến đường 435 bắt nối từ tuyến đường Bình Thanh - Thung Nai vào các xóm Mu, Chiềng và Đoàn Kết của xã do Đoạn quản lý đường bộ I - Sở GTVT quản lý. Đây là tuyến đường cụt, tính từ điểm nối vào đến xóm Chiềng có chiều dài khoảng 1,7 km nhưng lại là tuyến đường đi lại chủ yếu của trên 300 hộ dân ở 3 xóm. Ngoài ra, ở xóm Mu còn có trường bán trú THCS xã và chi trường mầm non của xã. Hiện nay phần lớn chiều dài của tuyến đường là cấp phối, chưa được nâng cấp nên việc đi lại của nhân dân, cán bộ, giáo viên và các em học sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Văn Quyền, cán bộ Địa chính xã Thung Nai cho biết: Năm 2015, khi thấy tuyến đường vào xóm Mu - Chiềng bị xuống cấp. Căn cứ vào nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân và nhu cầu thực tế, UBND xã Thung Nai đã đề nghị UBND huyện nghiên cứu, xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cứng hoá tuyến đường với tổng chiều dài 1,7 km. Sau khi tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của cơ sở, UBND huyện Cao Phong đã giao cho phòng phòng Dân tộc huyện tổ chức khảo sát, nghiên cứu và bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp. Sau đó năm 2015, phòng Dân tộc đã trình UBND huyện phương án, kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường đi xóm Mu - Chiềng bằng nguồn vốn 135. Đến tháng 7/2015, tuyến đường được cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, khi đang triển khai thi công đổ bê tông mặt đường thì bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công. Ngoài đoạn đường 400 m đã đổ bê tông,  hiện nay tổng số 1.300 m còn lại vẫn là đường cấp phối chưa được cải tạo nâng cấp nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của nhân dân và cán bộ, giáo viên trên tuyến đường này.

 

Chị Phạm Thị Hương Thu, Chủ tịch công đoàn trường bán trú THCS xã Thung Nai chia sẻ: Nhà trường có 19 cán bộ giáo viên thì hầu hết là người ở địa phương khác. Nằm ở địa bàn khó khăn. Vì vậy, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong đó khó khăn nhất là đường giao thông. Tuy chỉ có một đoạn ngắn hơn 1km nhưng mỗi lần đi trên con đường này, chúng tôi cũng cảm thấy sợ vì đã từng có nhiều người bị trượt ngã, nhất là những khi trời mưa bão, có những chỗ rất trơn và lởm chởm đá. Ai đi không vững rất dễ bị trượt ngã như trong cơn bão số 3 vừa rồi, nước mưa từ trên đồi chảy xuống thành dòng, tiếng là đường nhưng cũng không có chỗ mà đi. Khi đó, chúng tôi phải xuống mà dắt bộ thế nhưng vẫn có người bị ngã. Còn cô giáo Bùi Mỹ Trinh, giáo viên nhà trường kể: Năm nay là năm đầu tiên em được chuyển về công tác tại trường. Những hôm đầu chưa quen, đi đường sợ đến phát khóc. Buổi đầu tiên lên trường nhận công tác chưa quen đường nên em cũng đã bị ngã và phải đến trường trong tình trạng quần áo lấm lem bùn đất.

 

Theo đồng chí Bùi Văn Quyền: Trước thực trạng trên, xã đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến đường theo nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp tuyến đường từ phía các cơ quan chức năng.   

 

Vì sao lại bị cấm, cản không cho cải tạo, nâng cấp đường?       

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đại diện lãnh đạo phòng Dân tộc huyện Cao Phong cho biết: Năm 2015, thực hiện kế hoạch của UBND huyện giao cho đơn vị nghiên cứu, xem xét để cải tạo, nâng cấp tuyến đường Mu - Chiềng bằng nguồn vốn 135. Trong quá trình triển khai thì Đoạn quản lý đường bộ I - Sở GTVT yêu cầu dừng thi công. Từ đó đến nay, tuyến đường vẫn chưa được cải tạo, nâng cấp trở lại. Nguyên nhân của việc này là do quá trình khảo sát lập phương án thiết kế phê duyệt đầu tư, cơ quan chuyên môn của huyện đã có sự nhầm lẫn. Bởi theo phân cấp quản lý thì tuyến đường này thuộc sự quản lý của Đoạn quản lý đường bộ I. Tuy nhiên, chúng tôi thấy việc đầu tư nâng cấp tuyến đường này cũng là một yêu cầu cấp thiết phù hợp với thực tế và nguyện vọng của nhân dân bởi cứ để như tình trạng hiện nay,  việc đi lại của người dân cũng còn gặp rất nhiều khó khăn khi đây là tuyến đường cụt, chỉ vào 3 xóm vùng trên của xã Thung Nai.

 

Vấn đề này, ông Lê Xuân Cử, Giám đốc Đoạn quản lý đường bộ I cho biết: Theo phân cấp quản lý thì tuyến đường Mu - Chiềng, xã Thung Nai là tuyến tỉnh lộ 435 với tổng chiều dài hơn 1 km do đơn vị quản lý duy tu, bảo trì. Năm 2015, huyện Cao Phong đã thực hiện việc cải tạo, nâng cấp nhưng  không thông qua Sở GTVT và đơn vị quản lý. Do vậy, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công, cải tạo, nâng cấp. Trên nguyên tắc, tuyến đường này do tỉnh quản lý thì việc đầu tư, nâng cấp thì phải do các đơn vị chức năng của tỉnh triển khai thực hiện. Nó không thuộc thẩm quyền quản lý của huyện thì huyện không được đầu tư, nâng cấp. Nếu địa phương muốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp thì phải thực hiện theo đúng lộ trình từ xã đề nghị lên UBND huyện rồi UBND huyện có văn bản đề nghị lên Sở GTVT, sau đó căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế, Sở GTVT sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét để bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cải tạo. Do vậy, việc UBND huyện Cao Phong đầu tư cải tạo, nâng cấp là không phù hợp.

 

Huyện không có thẩm quyền để đầu tư, vậy khi nào tuyến tỉnh lộ 435 đi xóm Mu - Chiềng với chiều dài 1,7 km mới được cải tạo, nâng cấp để giảm bớt khó khăn cho người dân xã?! Trả lời câu hỏi này, ông Lê Xuân Cử cho biết: Vừa rồi, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Sở GTVT xây dựng kế hoạch vốn để đầu tư, nâng cấp nhưng do có chủ trương tới đây sẽ đưa tuyến đường này về cho huyện quản lý theo hướng nâng cấp xây dựng hạ tầng nông thôn nên không đưa vào kế hoạch đầu tư. Còn nếu như UBND huyện Cao Phong muốn đầu tư nâng cấp cũng không có khó khăn gì nhưng việc tổ chức thực hiện phải được thực hiện theo đúng quy trình như đã phân cấp quản lý.

                                                                             

 

 

                                                                  Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục