(HBĐT) - Không chỉ trao tặng những món quà về vật chất, đoàn tình nguyện của đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan tỉnh (ĐTN KCCQ tỉnh) còn đem đến món quà tinh thần, những sự sẻ chia ấm áp. Giữa giá lạnh vùng cao, sau hơn 1 tháng chuyển về nơi ở tạm, người dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã nở nụ cười. Nụ cười khi được sẻ chia, của sự tin tưởng về một tương lai an cư, lạc nghiệp. Chúng tôi gọi nụ cười đó là những "mầm xuân” đang nảy ở vùng lũ dữ…


Về Lau Bai trong những ngày tiết trời lạnh giá, hơn 30 thành viên của đoàn tình nguyện ai cũng "kín cổ cao tường” để chống chọi với cái rét thấu xương ở vùng cao, nhất là khi điểm đến là một xóm đang sống tạm trong lều bạt. "Không lo đâu, từ khi bị thiên tai, chúng tôi được hỗ trợ nhiều chăn, màn rồi. Chắc chắn sẽ không để ai trong đoàn bị lạnh đâu”, Phó trưởng xóm Lau Bai Lý Văn Thanh trao đổi qua điện thoại với chúng tôi. Chăn ấm, màn và các suất quà chuẩn bị từ trước đã chất đầy ô tô, đoàn tình nguyện lên đường về Lau Bai. Con đường tỉnh 433 gập gềnh, bụi bặm, rồi cung đường về Lau Bai cũng ngoằn ngoèo không kém, thế nhưng, các thành viên trong đoàn không ai than phiền một câu. Sau hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển, đoàn đã có mặt ở Lau Bai trong sự chào đón niềm nở của bà con.

Đã lâu lắm rồi xóm mới lại được vui thế này!

"Xóm dã chiến” cách đây hơn 2 tháng bộn bề khó khăn nhưng bù lại, cả xóm được di dời về nơi ở mới để tránh thiên tai. Đặc biệt, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các mạnh thường quân ở mọi miền đất nước nên bà con luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ để vượt qua khó khăn. Lần thứ hai về thăm Lau Bai, chúng tôi được nếm trải cái lạnh thấu xương nơi vùng cao. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên càng tô thêm hình ảnh kiên cường của người dân Lau Bai. Khu tái định cư đang được san lấp mặt bằng, trên nền đất đỏ vàng bằng phẳng, bà con kẻ sân, căng lưới chơi bóng chuyền. "Giờ san phẳng mặt bằng thấy vị trí khá đẹp, có khi sau này có thể phát triển được du lịch ấy chứ”, ông Phúc, một vị cao niên trong xóm vẻ mặt trầm ngâm.


Đoàn tình nguyện tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc).

Những đứa trẻ bản Dao ngày nào còn bẽn lẽn khi thấy người lạ, nay dạn dĩ hơn hẳn. Chúng chơi đùa, cùng các thành viên đoàn tình nguyện dựng sân khấu để buổi tối giao lưu văn nghệ cũng như nhận quà hỗ trợ. Gần 17 giờ, mặt trời đã xuống núi. Hôm nay, Lau Bai không chìm trong bóng tối với khung cảnh tĩnh lặng như mọi ngày. Sân khấu "dã chiến” dựng lên, âm vang tiếng nhạc khiến núi rừng ngập tràn âm sắc hứng khởi. Bữa cơm tối do người dân và đoàn cùng chuẩn bị được dọn ra. "Cỗ” thật đơn giản với những món ăn dân dã của bà con người Dao nhưng ai cũng thấy ngon đến lạ. Trong mâm cơm, chủ và khách cùng quây quần trong sự đầm ấm với những cái bắt tay, lời hỏi thăm ân cần và cả những câu chuyện mà đã lâu lắm rồi, bà con Lau Bai mới có dịp bày tỏ.

Cơm nước xong, theo sự phân công từ trước, đoàn tình nguyện chuyển các suất quà ra sân khấu (30 suất quà gồm: chăn, màn và 500.000 đồng tiền mặt). Sau khi trao quà, đoàn tình nguyện và bà con Lau Bai tổ chức giao lưu văn nghệ. Trong khi đoàn tình nguyện gửi đến những tiết mục sôi động thì đội văn nghệ xóm Lau Bai cũng trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. "Từ khi phải di dời vào trong này, đến hôm nay chúng tôi mới được vui như thế này”, cụ Lý Văn Xuyên, 76 tuổi xúc động chia sẻ.

22 giờ, cuộc vui tạm dừng, đoàn tình nguyện về nghỉ ngơi tại các lều bạt do bà con bố trí để chuẩn bị cho những hoạt động trong buổi sáng hôm sau.

Ấm áp sự sẻ chia

Mùa đông mây mù giăng khắp xóm, theo sự phân công từ trước, hơn 4 giờ sáng, một số thành viên đoàn tình nguyện thức dậy để nấu những nồi cháo tình thương cho các cụ già và em nhỏ ở Lau Bai. Mặt trời ló rạng, sương trên các dãy núi phía xa tan dần, sau khi ăn sáng và tổ chức phát cháo, các thành viên đoàn bắt tay vào hai hoạt động chính. Một là, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Hai là, chôn lấp hơn 1 km đường ống nước sinh hoạt mà xóm vừa được hỗ trợ trước đó vài ngày.

Theo chia sẻ của bà con, từ khi chuyển vào nơi ở mới, có nhiều người già bị đau ốm nên hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe hết sức thiết thực. Ví như trường hợp của bà Đặng Thị Hòa, năm ngoái bị đau bụng phải đi bệnh viện điều trị, thế nhưng, suốt 1 năm qua, do hoàn cảnh khó khăn nên bà chưa có điều kiện đi kiểm tra lại nên đây là dịp rất tốt để bà kiểm tra tình hình sức khỏe. Hay trường hợp của bà Bàn Thị Toàn nhiều năm chịu đựng với tật đau lưng. "Tôi thường xuyên bị đau lưng, do điều kiện kinh tế khó khăn, đường xa nên chưa đi khám được. Hôm nay có bác sỹ đến khám, tư vấn và phát thuốc, tôi rất cảm ơn”, bà Bàn Thị Toàn chia sẻ.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hảo, Khoa Nội - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Do thay đổi thời tiết nên nhiều em nhỏ, người già ở Lau Bai bị viêm phế quản và một số bệnh về đường hô hấp. Nhiều trường hợp bị cao huyết áp đã được bác sỹ tư vấn, phát thuốc miễn phí. "Đối với bà con ở vùng khó khăn, đặc biệt nơi bị thiên tai thì bà con rất cần những hoạt động như thế này. Có nhiều bà con mong muốn được chúng tôi tư vấn để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình”, bác sỹ Hảo - thành viên của đoàn tình nguyện chia sẻ.

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, ngay trong buổi sáng, đoàn thiện nguyện đã tổ chức phun khử trùng, tiêu độc trong các lán trại. "Đây là những hoạt động rất ý nghĩa đối với người dân Lau Bai. Những sự sẻ chia đó là nguồn động lực để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Phó trưởng xóm Lý Văn Thanh xúc động chia sẻ.

Trong thời gian qua, ĐTN KCCQ tỉnh đã huy động hỗ trợ trên 60 triệu đồng. Tổ chức các chuyến đi tình nguyện về các điểm nóng như: Suối Nánh, Đồng Nghê, Giáp Đắt, Vầy Nưa (Đà Bắc). "Thông qua các chuyến đi, chúng tôi thấy được những khó khăn chồng chất mà thiên tai gây ra, đồng thời cũng cảm nhận được nỗ lực vươn lên, tình cảm, tình đoàn kết của người dân trong hoạn nạn. Chúng tôi sẽ nỗ lực để tổ chức chuyến tình nguyện về những khu vực khó khăn như thế này”, đồng chí Vương Thị Huyền, Bí thư ĐTN KCCQ tỉnh cho biết.

Kết thúc chuyến tình nguyện, chúng tôi rời Lau Bai trong sự quyến luyến, bịn rịn. "Được cấp trên quan tâm, chắc trước Tết là chúng tôi chuyển được ra nơi ở này rồi. Sau này, xóm sẽ làm nhà văn hóa, rồi sân chơi thể thao…”, lời tâm sự của ông Lý Văn Phúc cứ phảng phất mãi trong suy nghĩ của chúng tôi. Mong rằng, nụ cười của bà con sẽ là những "mầm xuân” để một mai Lau Bai an cư, lạc nghiệp.


Viết Đào

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục