Tàu 561 là con tàu lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu lần con tàu này vượt sóng ra Trường Sa. Mỗi chuyến đi là cả một hành trình dài, có khi cả tháng, với những nhiệm vụ hết sức cao cả, thiêng liêng.

Trong gần 20 ngày (từ ngày 21/12/2019 đến ngày 8/1/2020), con tàu này lại một lần nữa chở Đoàn công tác Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và các cơ quan, đơn vị liên quan đến thăm, tặng quà, chúc Tết quân và dân Trường Sa. Trong những ngày đi trên con tàu này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt được tổ chức ngay trên bong tàu.



Tàu 561 Hải quân neo đậu ở gần đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa. 


Tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sa

Sáng 26/12/2019, sau một hành trình dài cả tuần từ quân cảng Cam Ranh ra Trường Sa, tàu 561 Hải quân quyết định neo tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú, những người con kiên trung đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay trên bong tàu, Đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương, thả hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ.

Khi nghe loa trên tàu thông báo 8 giờ, tàu sẽ làm Lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm, không ai nói với ai, cán bộ, chiến sĩ và mọi thành viên trên tàu, quần áo chỉnh tề, nghiêm túc có mặt trên bong tàu. Ai cũng hiểu, giờ khắc thiêng liêng đang đến.

Trên bong tàu, tại buổi lễ, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác đọc diễn văn: "Kính thưa các Anh hùng Liệt sỹ, hôm nay ngày 26/12/2019, Đoàn công tác thay thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cùng thủy thủ tàu 561 có mặt trên vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, vùng biển mà cách đây hơn 30 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu, hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Các anh đã ra đi cho khí phách sáng ngời, niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân xâm lược run sợ và chùn bước. Các anh đã nằm lại nơi này, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương...”.

Phía dưới bong tàu 561, sóng biển vẫn ồn ào, tàu chòng chành theo từng cơn sóng, tất cả đều lặng im nghe Thượng tá Nguyễn Đức Độ đọc diễn văn.

Trên bong tàu hôm đó có cả những cán bộ, sĩ quan Hải quân hàng chục tuổi nghề, nước da sạm đen, dày dạn sóng gió Trường Sa và cả những chiến sĩ lần đầu tiên theo tàu 561 ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa.

Giữa biển trời bao la ở Trường Sa, khi nghe giọng của Trưởng đoàn công tác cất lên, ai cũng xúc động, thành kính, tiếc thương vô hạn những chiến sĩ Hải quân, những người con của đất mẹ Anh hùng đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Người lính Trường Sa không thể quên để có biển đảo hôm nay, rất nhiều chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống, bảo vệ vùng biển đảo này đến hơi thở cuối cùng. Trong số đó có: Anh hùng, Liệt sỹ Trung tá Nguyễn Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng, Liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Từ, Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng, Liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Thương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma…

Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác cho biết, trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, đó là xương máu, là ý chí và khát vọng từ ngàn đời của tổ tiên ta. Bằng công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đông; xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền vững chắc của quốc gia, dân tộc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kế thừa truyền thống của cha ông cùng với những thành tích, chiến công vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, giải phóng quần đảo Trường Sa từ tay ngụy quyền Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc.

Đúng như lời Thượng tá Nguyễn Đức Độ nói, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính. Các lực lượng Hải quân đã và đang dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tiếp bước cha anh, từ công sức, mồ hôi và xương máu đổ xuống của các thế hệ đi trước, Trường Sa hôm nay đã thay da, đổi thịt. Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, của quân và dân cả nước, với tinh thần cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, nhiều phong trào hành động đã phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp dành cho Trường Sa để quân và dân trên quần đảo Trường Sa yên lòng hơn, ấm lòng hơn, thế trận giữ đảo ngày càng mạnh mẽ, vững chắc hơn.

Tiếng hát át tiếng sóng



Một chương trình văn nghệ được tổ chức trên tàu 561 chào đón năm mới Canh Tý 2020. 
Đêm 31/12 - đêm cuối cùng của năm 2019, trên bong tàu 561 Hải quân, một chương trình văn hóa, văn nghệ chào đón năm mới được tổ chức với sự tham gia của Đoàn công tác, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân và các thuyền viên tàu 561.

Không có những phông màn, loa to hiện đại, không có những lọ hoa thắm đượm sắc xuân, nhưng tất cả được tổ chức một cách ấm cúng.

Mở đầu chương trình, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác đã gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu 561 Hải quân và các thuyền viên, thành viên Đoàn công tác.

Tiếp đó, những bài hát, bản nhạc do chính các cán bộ, chiến sĩ, thuyền viên và những thành viên khác của đoàn công tác trên tàu 561 thể hiện.

Hòa mình trong những lời ca, giọng hát là những người lính tuổi đời còn rất trẻ, có người lần đầu tiên theo tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ, có cả những người là lãnh đạo, chỉ huy các đảo hết nhiệm kỳ công tác ở đảo theo tàu vào đất liền.

Đảo trưởng hay những người lính trẻ, thuyền viên của tàu hay thành viên của Đoàn công tác, tất cả đang đón chào năm mới 2020 trên bong tàu với phong cách, tâm thế của một người lính biển. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi biển đảo được cất lên, át cả tiếng sóng biển.

Đêm cuối cùng của năm, ở đất liền, nhà nhà đang quây quần hạnh phúc đón chào năm mới, nhưng trên bong tàu, người lính Trường Sa đón chào năm mới là như vậy. Vì bình yên cho Trường Sa, cho Tổ quốc thân yêu, người lính nơi đầu sóng ngọn gió đã gác lại những tình cảm riêng tư gia đình, hạnh phúc bên vợ con, để làm nhiệm vụ. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ, giữ bình yên biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng, bất kể đó là ngày nào của năm, ngày cuối cùng của năm cũ hay ngày đầu tiên của năm mới, người lính Trường Sa luôn hiểu rõ điều đó.

Người lính Trường Sa là vậy, hát hết mình, cháy bỏng cả con tim nhưng cũng can trường, dũng cảm nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đêm văn nghệ chào năm mới trên bong con tàu 561 Hải quân mãi sẽ là ký ức đẹp của người lính Trường Sa.

Bài 3: Ươm những "mầm xanh"


                                Theo TTXVN

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục