(HBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Đề án số 03, ngày 14/1/2010 của Tỉnh ủy "Về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”, các mục tiêu, yêu cầu của đề án đã trở thành hiện thực. Kết quả đó khẳng định việc xây dựng, triển khai thực hiện đề án của Tỉnh ủy vừa trúng, vừa đúng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; cấp uỷ, chính quyền địa phương đã kết nối được tổ chức Đảng với Nhân dân, Nhân dân đặt niềm tin vào tổ chức Đảng, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những lời nói, việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bài 1 - Hệ lụy từ ma túy và những hủ tục lạc hậu




Công an huyện Mai Châu và đội ngũ Công an viên xã Hang Kia bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình đảm bảo chủ động trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt so với các địa phương trong tỉnh, từ xưa, Hang Kia, Pà Cò đã nổi tiếng là vùng cây anh túc. Bởi vậy, trước Cách mạng Tháng Tám, thuốc phiện là một trong những phẩm vật mà người Mông ở Hang Kia, Pà Cò thường xuyên phải cống nạp cho bọn Thống Lý, Phìa Tạo trong vùng. Từ năm 1993 trở về trước, nhựa anh túc là dược liệu được Nhà nước thu mua, theo đó, 2 xã Hang Kia, Pà Cò duy trì diện tích 940 ha cây anh túc (Hang Kia 640 ha, Pà Cò 300 ha), với sản lượng khoảng 1.500 kg nhựa/năm. Ngày 29/1/1993, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/CP "Về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy”. Một trong những mục tiêu của nghị quyết là "Vận động, thuyết phục đồng bào miền núi dứt khoát thôi trồng cây anh túc, chuyển sang trồng các loại cây khác”. Tuy nhiên, tình trạng tái trồng cây anh túc ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Năm 1995, người dân xã Pà Cò đã tái trồng tới 30 ha. Giai đoạn 1996 - 2000, Công an 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã phát hiện, triệt phá hơn 3.000 m2 cây anh túc.

Ông Sùng A Sa ở xóm Pà Cò Con, nguyên là lãnh đạo UBND xã Pà Cò và là một trong những nhân chứng sống của thời kỳ vùng đất Hang Kia, Pà Cò còn là "lãnh địa” của cây anh túc nhớ lại: Từ năm 1993 trở về trước, Hang Kia, Pà Cò là vùng trồng anh túc lớn nhất tỉnh, cái lợi đem lại thì ít, cái xấu đem lại thì nhiều. Thuốc phiện đã đẩy nhiều thanh niên, trai tráng vào vòng nghiện ngập, nương rẫy bị bỏ bê, nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà. Tệ hại hơn, sau khi xóa bỏ cây anh túc, Hang Kia, Pà Cò lại trở thành điểm "nóng” về tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy, khiến hàng chục đối tượng mang án tử hình và chung thân. Trên vùng đất này, máu của các chiến sỹ phòng, chống ma túy đã phải đổ. Đó là khi lực lượng chức năng tổ chức vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua, tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia vào ngày 5/2/2010. Trong quá trình bị vây bắt, biết là không thể trốn thoát, Vàng A Khua đã xả súng làm 3 cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh, một số chiến sĩ khác bị thương.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), từ năm 1997, ở Hang Kia, Pà Cò bắt đầu xuất hiện hoạt động mua, bán trái phép chất ma tuý. Với địa thế gần đường biên, ma tuý được vận chuyển từ nước ngoài vào để đưa vào sâu trong nội địa. Theo đó, có đến 8/13 bản của Hang Kia, Pà Cò là điểm nóng về tội phạm ma túy. Chỉ tính từ tháng 1/1998 - 3/2009, địa bàn 2 xã đã có 10 đối tượng bị kết án tử hình, 24 đối tượng bị kết án tù chung thân, 58 đối tượng bị kết án tù có thời hạn từ 20 năm trở xuống về tội ma tuý.

Theo đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, sau khi rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò, Thường trực Tỉnh ủy nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy ở 2 xã còn diễn biến phức tạp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn là do công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa sâu, chưa toàn diện; năng lực lãnh đạo, nề nếp, chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy Đảng, nhất là ở chi bộ còn thiếu toàn diện, chưa xác định được nội dung, chương trình trọng tâm, trọng điểm để khắc phục khâu yếu, mặt yếu và những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Công tác quản lý, tạo nguồn cán bộ, đảng viên chưa sâu sát, toàn diện. Năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, công tác cải cách hành chính và tiếp dân còn yếu. Trình độ đội ngũ cán bộ không đồng đều. Một bộ phận cán bộ trình độ năng lực yếu, phương pháp, tác phong chưa đáp ứng yêu cầu. Việc quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng hẫng hụt cán bộ cả về số lượng, chất lượng. Chất lượng hoạt động của các tổ chức CT-XH thấp, chưa sát với thực tiễn ở cơ sở. Do điều kiện địa lý tự nhiên, kết cấu hạ tầng KT-XH yếu, nên đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Đội ngũ cán bộ còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý và hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức CT-XH. Những vấn đề đó rất dễ trở thành những yếu tố để các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng chống phá từ cơ sở, làm cho ANCT - TTATXH ở 2 xã chứa đựng những yếu tố gây mất ổn định, trở thành lực cản trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án số 03 là hết sức cần thiết và cấp bách.

Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia Khà A Váu chia sẻ: Vì ma tuý mà có thời kỳ người dân đã mất niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Bởi lẽ, không chỉ con em, người thân mà ngay cả một số cán bộ, đảng viên ở 2 xã cũng tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Thời điểm năm 2009, 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn nhiều khó khăn về kinh tế so với mặt bằng chung của tỉnh. Thu nhập bình quân mới chỉ đạt 3,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao (xã Pà Cò 39%, xã Hang Kia 38%). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có bước chuyển biến, song hiệu quả vẫn thấp. Đặc biệt, năm 2009 có 36 hộ tái trồng cây anh túc với diện tích 1.594 m2. Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp đất đai giữa một số xóm của 2 xã với xã Lóng Luông - huyện Vân Hồ, xã Mường Ẳng, huyện Mộc Châu (Sơn La) nhiều năm chưa được giải quyết. Kết cấu hạ tầng KT-XH còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ phủ sóng PT-TH và viễn thông thấp. Nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng hạn chế. Số người tái mù chữ, nhất là phụ nữ có xu hướng tăng. Tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, 2 xã có tới 92 đối tượng truy nã, 65 người nghiện ma túy. Nạn tảo hôn, một số hoạt động mê tín, dị đoan mang màu sắc tà đạo không phù hợp với phong tục, tập quán của người Mông vẫn diễn ra (cả 2 xã có 26 cặp tảo hôn)… Thực trạng đó dẫn đến tình hình ANCT - TTATXH trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.

(Còn nữa) 

Đức Phượng


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục