(HBĐT) - Những năm đầu tách tỉnh, các địa phương khác khó khăn một thì Hòa Bình khó khăn mười và được xem là địa phương mờ nhạt  trên "bản đồ” của tư duy, ít được biết đến. Cơ sở vật chất hầu nhưng chưa có gì; dân trí, đời sống cán bộ, Nhân dân thấp. Người dân thiếu ăn và "đói” cả hưởng thụ những  giá trị tinh thần.

Bài 1 - Những "lát cắt” giã từ khó khăn





Một góc trung tâm thương mại bờ trái Sông Đà (TP Hòa Bình) ngày càng đổi mới.

Vì  lẽ đó, trong Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh và đại hội các Đảng bộ cơ sở đều có 1 chỉ tiêu bắt buộc là bình quân lương thực/đầu người. Tức là vấn đề lo "cái ăn” cho dân là bức thiết. Rồi báo cáo kết quả KT-XH, báo cáo thành tích các địa phương luôn có những số liệu về số hộ dân có đài, có ti vi… Hầu hết các vùng quê đều chìm trong khó khăn triền miên.

Ngày tái lập tỉnh, thị xã Hòa Bình - trung tâm tỉnh lỵ là nơi ít khó khăn nhất nhưng nhỏ và buồn. Quốc lộ 6 nối từ Hà Đông đến với thị xã Hòa Bình ngoằn nghèo, cả ngày mới có một chuyến xe kiểu "chuồng gà", lỏng lẻo và chật trội. Mỗi lần đi đâu đó ở xa, cơ quan nào có chiếc u oát của Liên Xô phải "nhồi” đến cả chục người. Đường về huyện là những xe cuốn đỏ bụi đường, chưa nói lên đến các xã vùng cao, vùng xa của huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn… Đến được nơi đây, đến với bà con phải tính bằng nhiều ngày. Đà Bắc là huyện vùng cao, rộng nhưng lại khó khăn bậc nhất tỉnh, sau nhiều năm thủy điện đi vào phát điện vẫn còn chồng chất khó khăn, xa cách, nhiều nơi vẫn là "quầng tối” nơi chân đèn. Cả huyện chỉ có một tuyến đường độc đạo từ trung tâm tỉnh đi các xã vùng cao, từ trung tâm huyện đến các xã vùng hồ phải chèo thuyền, leo dốc mất cả ngày trời, đến các xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng đi xe khách xóc "long óc” mất cả buổi sáng. Cán bộ, giáo viên cắm bản đi làm đằng đẵng cả năm mới về quê vài lần. Bây giờ, người ta vẫn nhớ có những cán bộ xã vùng cao xin trả lại con dấu cho Nhà nước vì quá khó khăn. Rồi câu chuyện người dân vay vốn sản xuất cất ở gác bếp, đến kỳ cán bộ tín dụng nhắc nhở lại mang đến trả. Khó khăn ở vùng cao Đà Bắc cũng tương tự như nhiều xóm, bản vùng sâu, xa của huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc… Đường dốc Chồng Mâm quanh co khuất nẻo, dài hun hút đến nhọc lòng. Nuông Dăm, Cuối Hạ đi mãi chẳng tới, cất được ngôi nhà, lo cái ăn, người dân phải làm lụng vất vả, nuôi trồng, làm than đằng đẵng. Bản người Dao Đằng Long xa lắc xa lơ...

Trăn trở cải thiện cuộc sống người dân, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch như: Phủ xanh đất trống, trồng rừng PAM, dự án trồng rừng 327, đưa vào trồng cây mơ, mai, hồng không hạt, phát triển ngô nương, nâng cao năng suất cây trồng, lúa, ngô; phát triển chăn nuôi; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đầu tư cơ sở vật chất… Theo đó, cuộc sống người dân có những đổi thay, song còn rất nhiều khó khăn.

Khoảng những năm 2000, Hòa Bình mơ ước về 3 con số 1.000 đó là: 1.000 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, 1.000 tỷ đồng thu ngân sách Nhà nước, 1.000 doanh nghiệp, HTX. Hồi bấy giờ, sản xuất công nghiệp của tỉnh chủ yếu trông vào mấy nhà máy xi măng lò đứng ở huyện Lương Sơn, thị xã Hòa Bình, Yên Thủy (sau này đã phá sản); cùng với vài chục cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá và những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khác. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp của tỉnh còn rất cao, tới 70 - 80% cơ cấu kinh tế, hộ nghèo ở mức cao, nhiều nơi cao tới 70 - 80%.  

Mỗi kỳ đại hội ghi nhận sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và có được những kết quả ngày càng tích cực. Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, hạ tầng yếu, đời sống Nhân dân rất khó khăn, tỉnh có sự phát triển đáng kể. Nhiệm kỳ đại hội XVI được xem là nhiệm kỳ thành công, đạt hầu hết các chỉ tiêu KT - XH quan trọng. Nguồn lực đầu tư toàn xã hội được nâng lên. Quy mô nền kinh tế mở rộng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đã chiếm tới 80% cơ cấu kinh tế. GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, gần bằng GRDP bình quân đầu người của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với 6 tỉnh vùng Tây Bắc. Gần một nửa số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đứng thứ 3 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nông thôn. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị bền vững. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tại các huyện: Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc, Cao Phong đã hình thành, phát triển theo chuỗi giá trị. Tỉnh có những nông sản có lợi thế như: Cam, bưởi, nhãn, su su, lợn bản địa, gà đồi, cá lòng hồ đã tiếp cận được với các thị trường ngoại tỉnh, thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng đánh giá cao.

 Tỉnh đã tập trung các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, từng bước phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa thu hút đầu tư. Các công trình phúc lợi vươn tới vùng khó khăn, khỏa lấp khó khăn cách trở, mở ra những cơ hội tiếp cận với chủ trương, chính sách của Đảng cho người dân. Các xóm, bản vùng sâu, xa đã chuyển mình thức giấc, người dân được hỗ trợ tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, BHYT, giáo dục. Nhiều công trình, dự án quan trọng được triển khai, hoàn thành như đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; đường 435 từ TP Hòa Bình lên khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, các cầu qua sông Đà, mở ra lợi thế cạnh tranh, phát triển không gian đô thị, thương mại, nông nghiệp, cải thiện dân sinh. Tỉnh bước đầu hình thành các sản phẩm du lịch, nông nghiệp đặc sắc trên địa bàn các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Mai Châu. Tất cả các địa phương đang có sự chuyển động trong tư duy, hành động và đạt được kết quả ấn tượng. Huyện vùng cao Đà Bắc, từ chỗ người dân vén nhà theo con nước, tỷ lệ đói nghèo cao nhất tỉnh, hạ tầng thấp kém, sóng điện phập phù, chất lượng cuộc sống có bước tiến dài. Đà Bắc đã thoát khỏi huyện "trắng” về xây dựng NTM. Người dân có ý thức sử dụng đồng vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tiềm năng vùng hồ được đánh thức, ngành nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cộng đồng mở ra hướng đi mới. Các xã vùng cao Tân Lạc có điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thể phát triển cây su su, các loại rau ôn đới, khai thác tiềm năng du lịch. Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) khí hậu mát lành, đang được nhiều tập đoàn lớn nghiên cứu, khảo sát triển khai các khu đô thị sinh thái phức hợp chất lượng cao. Kim Bôi - Mường Động là tâm điểm của nhiều dự án về du lịch, đô thị, hướng tới mục tiêu khai thác nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng”, tới đây kỳ vọng là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh và của vùng. Huyện Lương Sơn lãnh đạo hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng là xây dựng NTM, xây dựng thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV, về trước nghị quyết của Tỉnh ủy 1 năm. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát triển. Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; mo Mường đang trên hành trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di văn hóa phi vật thể nhân loại… Những kết quả quan trọng này tạo hành trang để tỉnh vững bước vào công cuộc đổi mới, vì chất lượng cuộc sống người dân ngày một tốt hơn. 

(Còn nữa)

Lê Chung

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục