(HBĐT) - Năm 2020, những nỗ lực nhằm kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp tỉnh đã được Bộ NN&PTNT ghi nhận với vị trí xếp hạng cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) lĩnh vực nông nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi chất lượng ATTP là yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế, tạo thêm cơ hội cho nông sản của tỉnh tiếp cận với nhiều thị trường trong thời gian tới.

>> Bài 1 - Nâng cao giá trị nông nghiệp từ chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm



Hợp tác xã chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) là hợp tác xã kiểu mới tiêu biểu trong liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tận dụng lợi thế đất đai, nguồn lao động địa phương.

Góp phần hình thành những hợp tác xã kiểu mới

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp (SXNN) sang kinh tế nông nghiệp cho nông dân, người sản xuất là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc hình thành các HTX kiểu mới, từng bước tiến tới nền nông nghiệp hiện đại. Với vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp (DN) và các đơn vị trong liên kết, hợp tác SXNN, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả, mở rộng quy mô đào tạo dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể (KTTT), HTX; giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; vận động cán bộ, hội viên, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi chủ động trở thành sáng lập viên, thành viên của các HTX...

Đồng chí Lê Văn Thạch, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất sẽ giúp giải phóng năng lực con người từ bên trong. Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao trình độ sản xuất cho hội viên nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được 32 mô hình SXNN ứng dụng tiến bộ KHKT; hướng dẫn thành lập trên 94 HTX, tổ hợp tác (THT). Hội đã có định hướng xây dựng thế hệ nông dân mới của tỉnh có kiến thức, tay nghề, có khả năng liên kết trong sản xuất, phát triển, gắn bó với đất đai và làm giàu cho quê hương. Để làm được điều đó, các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các nông sản; đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử... tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện.

Với chủ trương đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, nhiều HTX đã, đang hoạt động ngày càng ổn định, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 312 HTX nông, lâm, thủy sản. Tại một số địa phương đã hình thành, phát triển các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, liên kết với DN từ đầu vào đến đầu ra theo hợp đồng, theo nhu cầu của thị trường, được tiêu thụ dưới nhiều hình thức và qua kênh phân phối khác nhau.

HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) là HTX kiểu mới tiêu biểu trong liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tận dụng lợi thế đất đai và nguồn lao động địa phương. Sản phẩm chuối Viba đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đã, đang có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, mang lại doanh thu ổn định, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương. Với tư duy sản xuất hiện đại, tất cả quy trình sản xuất, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến được anh Trần Trung Đức, Giám đốc HTX nghiên cứu, lựa chọn thực hiện khép kín theo tiêu chuẩn an toàn. Anh Đức cho biết: Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, một trong những yếu tố quan trọng là phải có đủ năng lực đáp ứng các đơn đặt hàng của bên tiêu thụ. Vì vậy, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu ra địa bàn một số huyện trong tỉnh; lập ra Viba Food chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến. Trước mắt, định hướng của Viba Food là sản xuất bộ sản phẩm chế biến từ mía để xuất khẩu, sau đó là các sản phẩm cấp đông như bơ, xoài. Đây sẽ là bước đột phá lớn của HTX.

Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững

Trước "tác động kép” của đại dịch Covid-19 như hiện nay, quá trình hoạt động của các chuỗi liên kết đã bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục như: Cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về công nghệ, sản lượng chưa nhiều; chất lượng sản phẩm sau sơ chế, bảo quản chưa đồng đều, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp; chất lượng của sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư phát triển tương xứng; các HTX, THT còn yếu về năng lực quản trị và kết nối cung cầu, dẫn đến việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi liên kết chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; hoạt động logistics rời rạc, chưa khép kín theo chuỗi, khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm trong toàn bộ các công đoạn; tỷ lệ nông sản chủ lực có bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm khi đưa ra thị trường rất thấp…

SXNN theo chuỗi liên kết từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó nêu rõ: Phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 120 - 140 sản phẩm được chuẩn hóa sản phẩm OCOP; tỷ trọng nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Các hình thức KTTT như HTX, THT trong nông nghiệp phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị được khuyến khích thành lập, nhân rộng…

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Để phát huy tối đa các điều kiện lợi thế, tạo ra các chuỗi liên kết bền vững trong nông nghiệp, cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Sở NN& PTNT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng đề án về sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt với 9 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực và OCOP; tập trung chế biến sâu một số nông sản. Đẩy mạnh triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm chủ động, tích cực thu hút nguồn đầu tư. Chỉ đạo các địa phương trên cơ sở điều kiện thực tế, tiềm năng, lợi thế để thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, phát triển hiệu quả mô hình liên kết "5 nhà”, đẩy mạnh các hoạt động logistics…

Thu Hằng


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục