Đoàn cán bộ Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị liên quan thị sát tuyến đường sắp mở. ảnh: V.L

Đoàn cán bộ Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị liên quan thị sát tuyến đường sắp mở. ảnh: V.L

(HBĐT) - Đồng Nghê, nơi được coi là nơi “rừng thiêng, nước độc” - một trong những địa danh vùng cao, xa nhất của huyện Đà Bắc. Khi nhắc tới nơi này, nhiều người đã phải “ớn lạnh” bởi cái cảm giác xa xôi, cách trở, vất vả khi đến đây.

 

Con đường học chữ 

 

Ban Dân tộc tỉnh được UBND tỉnh giao thực hiện đầu tư công trình đường xóm Nghê - xóm Đăm, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc. Theo   lịch trình đã định, vượt qua hơn 100 km từ TP Hoà Bình, chúng tôi đến với Đồng Nghê. Năm 2003,  trung tâm xã Đồng Nghê mới có được con đường độc đạo  nối thông với xã Suối Nánh để đi đến trung tâm huyện lỵ: “Như vậy đã là tốt lắm rồi, ngày trước, chúng tôi đi xuống  huyện công tác phải đi bộ men theo sườn dốc ven suối mất nửa ngày mới đến được chỗ bắt xe ca hoặc chậm chân thì phải đi xe ôm cho kịp giờ họp” - ông Xa Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê tâm sự.

Con đường rải nhựa đưa chúng tôi qua địa phận xã Suối Nánh thì gặp một công trường đang thi công rải bê tông từ xã Suối Nánh đến ngã ba đường rẽ đi vào UBND xã. Do công trường đang thi công nên xe của chúng tôi không thể tiếp tục hành trình như đã định. Đang loay hoay thì có một chiếc xe chở vật liệu từ phía trong chạy ra, chúng tôi thương lượng và được đơn vị thi công đồng ý cho đi nhờ trên thùng xe ben để vào xóm Nghê. Trên đường đi, có một số em nhỏ vừa được nghỉ học cũng xin đi nhờ và thế là cả đoàn hơn chục người tay bám chắc thành thùng xe, chân xoạc ra chống đỡ những cái rung lắc, gập ghềnh của đoạn đường mới mở.

 

Tranh thủ hỏi chuyện các em được biết, đoạn đường tới trường của các em mới được hoàn thành cách đây 1 năm. Với chiều dài 5-6 km, hàng ngày, các em tới trường từ 5 giờ sáng và sau khi tan học trở về với gia đình sớm nhất cũng đã 13h30’, ăn cơm nguội một mình rồi lại đi nương giúp bố mẹ thu hoạch ngô hoặc chăn trâu, bò… Thời gian còn lại cho việc học chỉ một vài tiếng buổi tối.

 

Vậy mà các em vẫn còn là người sung sướng vì gần trường hơn các bạn ở xóm Đăm và đặc biệt là ở xóm Lài. Những ai tận mắt chứng kiến cảnh các em vất vả leo dốc, bám vách đá mà đi học hàng ngày hoặc ở xa như xóm Lài thì phải từ 3-5 ngày mới về một lần mới thấy được sức mạnh, nghị lực của người dân vùng cao nơi đây. Phải có ý chí sắt đá, quyết tâm lắm các em mới theo nổi hết cấp phổ thông cơ sở. Do vậy, trình độ dân trí nơi đây còn thấp, việc tăng cường đầu tư góp phần nâng cao đời sống người dân về mọi mặt quả thực là vấn đề cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

 

Tại các xóm, bản nơi đây đều đã có chi trường tiểu học, vì thế, các cháu nhỏ cũng có điều kiện thuận lợi hơn, tuy nhiên, các cháu còn phải học lớp ghép 2-3 trình độ. Trong môi trường làm quen với tiếng phổ thông, vừa học, vừa ảnh hưởng của các trình độ khác thì chúng ta cũng không nên yêu cầu cao quá về chất lượng dạy và học chữ nơi đây.

 

Nhọc nhằn cuộc sống mưu sinh

 

Cũng đến ngày đã lựa chọn để giao tuyến và khởi công xây dựng công trình đường xóm Nghê - xóm Đăm, xã Đồng Nghê, hôm nay, chúng tôi xuất phát từ rất sớm để còn kịp tổ chức hội nghị với địa phương. Thời tiết không đẹp lắm vì hôm qua trời mưa to, cũng là một lý do sợ đường sạt lở bị tắc. Trời bắt đầu mưa nặng hạt, cứ lên đường với những tình huống giả định không thuận lợi tại vì vùng chưa có sóng điện thoại mà điện thoại cố định lại chập chờn thời gian thông tuyến ít hơn thời gian hỏng.

 

Mưa mấy hôm thế mà lại may, bên đơn vị thi công đường bê tông đang tạm dừng, vì thế, xe chúng tôi có thể đi qua chỗ công trường để vào tới xã. Sau khi đi xem tuyến, quay trở lại nhà Chủ tịch UBND xã (được xã chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị), nhìn đồng hồ cũng đã là 10h, mọi người bắt tay ngay vào nội dung chính của chuyến công tác là khởi công công trình đường đi xóm Đăm.

 

Ngoài kia, mấy đứa trẻ con đứng dưới mái hiên của nhà sàn mắt tròn, chỉ vào những chiếc xe lấm đầy bùn đất, chắc trong đầu chúng đang tưởng tượng sau này mình sẽ được lái xe đi khắp nơi…

 

“Mong mãi, bây giờ các eng (anh) đã đến, mừng quá!…” - ông trưởng xóm Đăm không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt trình bày bằng tiếng phổ thông hơi lơ lớ tiếng Dao “mìng (mình) cứ tưởng các eng khôông làm chứ, ba năm rồi còn gì…”. Không phải nêu lại chắc cũng thấy niềm ao ước mong mỏi bấy lâu nay đã thành hiện thực. Trẻ con có đường để đi học, không sợ ngã, trượt chân, người già những lúc ốm đau có thể nhanh chóng được cứu chữa và quan trọng hơn cả là từ nay, cuộc sống mưu sinh ở nơi vốn đã vô cùng khó khăn này không phải thêm những ngày lận    đận cõng hàng hóa đi “bán rẻ, mua đắt” nữa.

 

Người dân nơi đây vốn đã vất vả từ khi chuyển vén, để lại đất đai canh tác chìm ngập dưới lòng hồ sông Đà. Ngày nay, với diện tích canh tác ruộng nước ít ỏi còn sót lại bên suối, vì mưu sinh bắt buộc họ phải phát dọn ven bìa rừng để trồng cây ngô, thứ cây được coi là cây XĐ-GN của vùng cao. Với năng suất khoảng 5 tấn/ha, mỗi hộ gia đình nơi đây làm nương rẫy với diện tích từ 1-5 ha mỗi năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Biết rằng làm ảnh hưởng đến khu vực rừng đầu nguồn nhưng bà con cũng phải tặc lưỡi, vì mưu sinh nên một phần diện tích ven rừng từ chỗ màu xanh của lá rừng, nay chuyển sang màu vàng úa của những vạt ngô đã thu hoạch. Năm nay được mùa ngô, bà con rất phấn khởi, ngô ở đây chỉ cần mang từ nương về là có thể bán ngay cho các chủ đầu mối đại lý gom hàng rồi chuyển về xuôi. Sang năm, con đường được mở đến xóm Đăm, người dân có điều kiện thông thương hàng hóa chắc kinh tế sẽ khá hơn mọi năm.

 

“Sang năm, chúng ta sẽ tổ chức buổi nghiệm thu tại xóm Đăm mà phải đi bằng ô tô lên đó uống rượu mới được” - câu nói của ông Xa Hồng Diên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh như thay cho câu kết và ngầm hứa với mọi người là công trình chắc chắn sẽ hoàn thành vào năm sau. Hội nghị kết thúc với những lời cảm ơn, niềm hân hoan của đại diện chính quyền và nhân dân địa phương. Ngập ngừng một lúc, ông chủ tịch UBND xã đề xuất: “Xã em còn một tuyến đường từ Đăm sang Lài khoảng 3,5km, nối tiếp với đường này, khi nào xong công trình này, các bác xem xét đầu tư tiếp nhé”. Nỗi lòng đã bày tỏ, niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ở nơi đây được khắc họa đậm nét hơn mọi lúc, mọi nơi.

 

Đoàn tổ chức sinh hoạt ăn trưa tại gia đình ông Chủ tịch UBND xã. Chúng tôi được giao lưu, chìm ngập trong không khí phấn khởi bởi khung cảnh giống như những đêm lửa trại với tiếng hát mời rượu của người Tày, cái bắt tay nghẹn ngào của người Dao và nụ cười duyên của người con gái Mường...

 

 

                                                                        Đỗ Duy Sâm

                                                                   (Ban dân tộc tỉnh)

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục