Cuộc sống của người dân xã Tự Do còn nhiều gian khó. Ảnh: Văn Tưởng.

Cuộc sống của người dân xã Tự Do còn nhiều gian khó. Ảnh: Văn Tưởng.

(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn chúng tôi cũng có dịp đến với Tự Do, một xã vùng cao của huyện Lạc Sơn vào một ngày đầu thu. Dẫu đã chuẩn bị sẵn tinh thần bởi biết Tự Do xa lắm, khó khăn lắm vậy mà chúng tôi vẫn ngỡ ngàng, bùi ngùi với cuộc sống nơi đây.

 

Xa lắm Tự Do

 

“Vào Tự Do à, không đi đâu, đường khó đi toàn đá với ổ trâu, ổ voi thôi”. Sau mấy cái lắc đầu từ chối, cuối cùng nài nỉ mãi mới có người đồng ý chở tôi vào Tự Do. Từ xã Ngọc Lâu đến Tự Do đường rừng núi quanh co, hiểm trở, gập ghềnh đất, đá, chiếc xe máy chồm lên, chồm xuống, nhiều lần như muốn hất tung người ngồi phía sau. Ghì chặt tay lái, anh xe ôm vui chuyện: May mà mấy hôm nay nắng ráo mới đi được thế này đấy chứ vào ngày mưa thì chịu, đi bộ còn chả nổi chứ đừng nói chạy xe. Trời mà mưa lâu, hầu như con đường này không có người vào, ra. Bà con trong ấy vất vả lắm. Đoạn đường chưa đầy 5 km mà mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào đến UBND xã. Nhìn quang cảnh và cuộc sống của người dân mới thấy Tự Do thực sự còn xa lắm.

Xã có 10 xóm nằm men các triền núi. Xóm xa nhất cách trung tâm cả chục km. Đường liên xóm, liên xã dài trên 20 km toàn bộ là đất, đá mấp mô. Tự Do vẫn còn 3 xóm Trên, Chen, Trơ chưa có điện thắp sáng. 3 xóm Mù, Sát, Rì chưa có công trình nước sạch, các hộ dân phải sống nhờ vào nguồn nước suối. Cuộc sống của trên 2.400 nhân khẩu toàn xã phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất ít lại manh mún, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thấp. Công trình thủy lợi xuống cấp, không phát huy hiệu quả, nhiều diện tích phải trông chờ vào tự nhiên. Cuối tháng 7 mà nhiều nơi chưa có nước để cấy lúa. Trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bùi Văn Thuận được biết, cũng vì điều kiện sản xuất không thuận lợi, đường xá đi lại khó khăn nên sự trao đổi, giao lưu, cơ hội tiếp xúc với bên ngoài hạn chế đã ảnh hưởng đến nếp nghĩ, cách làm của người dân. Do vậy, tập quán canh tác của người dân trong xã còn lạc hậu, việc đầu tư thâm canh, xen canh, gối vụ chưa thực sự hiệu quả. Năm 2011, năng suất lúa bình quân của xã chỉ đạt 33,4 tạ/ha, năng suất ngô chưa đầy 36 tạ/ha. Những năm gần đây, xã đã tập trung chỉ đạo các xóm đưa cây lạc, đậu các loại vào trồng đại trà. Đồng thời, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, nuôi lợn tạo nguồn hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho các gia đình. Tuy nhiên, một mặt do thiếu vốn, kiến thức làm ăn, mặt khác, do giao thông bất lợi, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, có tiêu thụ thì giá cả rẻ mạt đã không khuyến khích được người dân. Từ năm 2011 đến nay, diện tích một số cây trồng cũng như đàn gia súc, gia cầm của xã đều giảm so với trước. Điều kiện tự nhiên khó khăn, kinh tế chậm phát triển, khiến thu nhập bình quân mới đạt 6,5 triệu đồng/người/năm. Tự Do hiện còn tới 75 % hộ nghèo. Xã có trên 500 hộ thì 113 hộ đang ở nhà tạm cần được hỗ trợ làm nhà ở.  

Tiếp chúng tôi với nụ cười buồn, chị Quách Thị Ngân, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã tâm tình: Mong muốn lớn nhất của bà con trong xã là có một con đường thuận lợi, từ đó sẽ tạo cơ hội để phát triển. Cuộc sống khó khăn rồi sẽ có ngày được cải thiện nhưng thương xót nhất là các em học sinh. Học hết lớp 9, nhiều em phải nghỉ học bởi trường THPT tận dưới huyện cách xã tới 20 km, trường không có nội trú. Đi, về trong ngày không thể được mà thuê nhà ở trọ thì gia đình không có đủ điều kiện để nuôi. Học sinh ở Tự Do mà được quan tâm đến học hành cũng sẽ không thua kém gì những vùng thuận lợi đâu. Năm học vừa qua, cả xã có 6 em đi thi đại học, cao đẳng thì có 4 em đỗ. Nhưng khi được đi học rồi bố mẹ lại lo không biết làm thế nào để nuôi con ăn học. Thương lắm.  

Bền bỉ niềm tin  

Khó khăn là vậy nhưng lòng người dân Tự Do luôn ổn định, bền bỉ  niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Phó Bí thư TT Đảng ủy Bùi Văn Thuận chia sẻ: Với nhận thức càng khó khăn càng cần đến sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, chính quyền và sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể CT-XH. Đảng ủy xã Tự Do đã thực hiện nghiêm túc việc phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nắm bắt tình hình nhân dân, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, hàng tháng, Đảng ủy duy trì đều đặn chế độ giao ban định kỳ với các ngành, MTTQ, đoàn thể và đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng xóm trong toàn xã để nắm bắt cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai công việc theo đúng chủ trương, định hướng. Chính từ cách làm này, cấp ủy, chính quyền biết được những cái thiếu, cái yếu trong nhân dân để từng bước có hướng giải quyết. Về thực trạng 75% hộ nghèo trong xã, qua tìm hiểu, phân loại được biết, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đất canh tác, nhất là thiếu kiến thức KHKT và vốn đầu tư sản xuất, Đảng ủy đã chỉ đạo tăng cường mở các lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn xã mở được 16 lớp KNKL. Xây dựng tại mỗi xóm một mô hình dịch vụ cung cấp phân bón, từng bước tạo sự chuyển biến trong đầu tư, thâm canh. Cùng với đó, Đảng ủy, chính quyền đã giao trách nhiệm cho các đoàn thể làm cầu nối giúp người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Hiện, toàn xã có gần 300 hộ được vay vốn với tổng dư nợ trên 2,5 tỷ đồng.

Với tinh thần chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới, các đoàn thể trong xã luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình là giúp đỡ hội viên nghèo. Chính vì vậy, tuy thu nhập của hội viên không cao, song các chi hội, đoàn thể đã chú trọng hoạt động gây quỹ để giúp nhau vay vốn, tổ chức lao động sản xuất và giúp đỡ nhau về giống cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã huy động được gần 4.000 công giúp nhau phát triển sản xuất, hỗ trợ trên 100 kg gạo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Những việc làm nghĩa tình này đã góp phần động viên, khuyến khích nhiều gia đình nỗ lực vươn lên cũng như thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm cùng chung sức vượt qua khó khăn.

 

Một ngày ở Tự Do ấm áp tình cảm mà vấn vương nhiều trăn trở. Chia tay với Tự Do, chúng tôi thầm mong ước nguyện của người dân trong xã về một con đường thuận lợi và được quan tâm nâng cao trình độ dân trí sớm trở thành hiện thực để Tự Do không còn xa xôi.

 

 

                                                                             Hoàng Nga

 

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục