Nhờ nguồn lực từ chương trình 135, đường làng được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc Dao ở xóm Đồng Bưởi , xã Trường Sơn (Lương Sơn) từng bước ổn định cuộc sống.

Nhờ nguồn lực từ chương trình 135, đường làng được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc Dao ở xóm Đồng Bưởi , xã Trường Sơn (Lương Sơn) từng bước ổn định cuộc sống.

(HBĐT) - Tập tục di canh, di cư từ lâu đã tồn tại trong cách sống của đồng bào dân tộc Dao, thế nên mới có chuyện 10 năm họ chuyển đến dăm vài chỗ. Người Dao ở xóm Đồng Bưởi, xã Trường Sơn (Lương Sơn) sau nhiều lận đận, gập gềnh, cuối cùng họ đã tìm được “bến đỗ” để an cư, lạc nghiệp. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là hiệu quả thiết thực mà chương trình 135 đem lại.

 

Dẫn chúng tôi đi trên con đường nhựa được hoàn thiện từ năm 2008 chạy từ trung tâm xã Trường Sơn đến Đồng Bưởi, anh Nguyễn Văn Đặng, Công an viên giới thiệu khái quát: “Trước đây bà con người Dao ở Đồng Bưởi đời sống khó khăn, quanh năm đầu tắt, mặt tối mà vẫn nghèo nhưng bây giờ thì khác lắm, nhà nào cũng có gần chục ha rừng và làm được nhà xây kiên cố”. Quả đúng như vậy, vừa đặt chân đến Đồng Bưởi, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay da, đổi thịt trong đời sống của bà con ở nơi này. Đó là những ngôi nhà mái bằng mới được xây dựng vẫn còn thơm mùi vôi vữa; điện, nước sạch đã về khắp bản và chỉ còn 2 hộ chưa có đường bê tông đến tận cổng.

Theo chia sẻ của Trưởng xóm Dương Chí Công: Đồng Bưởi là nơi sinh sống của bà con dân tộc Dao chuyển từ xóm Suối Bến, xã Tiến Sơn (Lương Sơn) lên khai hoang, định cư từ năm 1988; từ 4 hộ ban đầu, hiện xóm có 16 hộ, 74 nhân khẩu. Thời gian đầu, do giao thông cách trở và tập quán di canh, di cư vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ nên bà con Đồng Bưởi gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của họ phụ thuộc vào cây nứa, bó củi trong rừng, kiếm từng đồng đong gạo qua ngày. Đến năm 2008, khi có đường giao thông thuận lợi đến tận xóm, bà con được tiếp xúc, giao lưu với xã hội bên ngoài nên nhận thức từng ngày thay đổi; cùng với đó, năm 2010, xóm được hưởng lợi từ chương trình 135 và từ đây Đồng Bưởi thực sự lột xác.

Cụ Lý Kim Thắng, năm nay đã gần 80 tuổi vẫn nhớ như in 7 lần di cư về miền đất mới, mỗi lần rời đi là một lần tay trắng, sống cảnh tạm bợ nhà tranh, vách nứa. Thế nhưng, phải khi quyết định dừng chân ở Đồng Bưởi thì bà con mới an cư, lạc nghiệp, cụ tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người Dao chúng tôi giờ thay đổi nhiều lắm. Trước đây thiếu thốn đủ thứ, giờ nhà văn hóa được xây dựng khang trang, có điện, có nước và đường giao thông thuận lợi rồi nên mọi cái cũng tiến bộ hơn”. Điều cụ phấn khởi nhất là bà con đều nắm vững kỹ thuật trồng rừng nên thu nhập được cải thiện đáng kể; những lúc đau ốm cũng được hưởng chế độ ưu tiên của khu vực 135.

   

Cụ Triệu Thị Thao đang thêu thùa trong ngôi nhà mái bằng được xây dựng khang trang. Giờ cụ không còn lo cảnh nay ở mai đi như trước đây.

Đồng chí Bạch Chí Điển, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn khẳng định, chính nguồn lực từ chương trình 135 đã giúp Đồng Bưởi có được những bước tiến đổi đời như ngày hôm nay. Nói về bí quyết để đạt được những thành quả này, ông cho biết: “Nếu trước đây, các dự án hay các nguồn hỗ trợ từ trên xuống thường áp đặt nên xảy ra tình trạng cái cần không có, cái cho không phù hợp. Do vậy, từ năm 2008, chúng tôi luôn lập kế hoạch trước, họp bàn với người dân rồi tổng kết lại ý kiến, mong muốn của họ để báo cáo, đề xuất lên cấp trên đầu tư cho phù hợp với nguyện vọng của người dân. Chính điều đó đã giúp các dự án phát huy hiệu quả”.

 

                Viết Đào

   

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục