(HBĐT) - Năm hết, Tết đến, gia đình Thạch phò mã cùng con đàn, cháu đống dắt díu nhau tạm rời xa nhà tranh, vách đất nơi rừng xanh, núi đỏ để về đón một cái Tết đoàn viên bên vua cha. Những câu chuyện khóc giở, mếu giở cũng bắt đầu từ đấy.

 

Bữa đó, vua cha tổ chức yến tiệc linh đình để thiết đãi rể quý và những đứa cháu vàng, cháu bạc nơi rừng xanh, núi đỏ trở về. Khỏi phải nói gia đình nhà Thạch được đánh chén một bữa no say tưởng chưa bao giờ được ăn nhiều đến thế. Có lẽ, nhiều ngày không được ăn uống đầy đủ nên miệng đứa nào đứa nấy cứ nhồm nhoàm, bóng nhẫy những mỡ, bụng căng tròn, những chiếc cúc áo do Quỳnh Nga công chúa gắn vội vì thế mà bung ra hết. Từ ông quan lớn đại thần đến anh quan cửu phẩm, từ cung tần, mỹ nữ đến tỳ thiếp, nô tài của tam cung lục viện được một phen mắt tròn, mắt dẹt nhìn gia đình nhà Thạch như nhìn những sinh vật lạ lắm, tưởng như từ cõi trên hạ giáng. Khổ nhất là mấy vị thái y phải huy động hết quân số để tìm cách hóa giải những triệu chứng chướng bụng, đầy hơi mà lạ thay là nhà Thạch ai cũng có một triệu chứng giống nhau như một. Cũng vì thế, việc cứu chữa những ca khó hôm đó được đưa vào y văn của hoàng gia như một bài thuốc kinh điển và là nội dung bắt buộc trong đào tạo thái y.

 

Người ta nói là họa vô đơn chí. Câu nói này đúng là để nói về câu chuyện của Thạch Sanh năm ấy. Hôm sau, nhà vua thiết triều để lì xì chúc phúc, cầu tài lộc, mong cho mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Đương nhiên, gia đình Thạch phò mã cũng được tham dự với một vị trí trang trọng nhất có thể. Vốn dĩ lần đầu cha cho về kinh thành, lại được gặp ông ngoại là đương kim hoàng đế mấy đứa con của Thạch đứa nào cũng háo hức, chờ đón lắm. Sau khi được lì xì, mấy đứa tranh nhau xé phong bao. Có lẽ, do quá kỳ vọng hoặc quá ảo tưởng nên khi bóc phong bao ra năm đứa như một, miệng méo xệch rồi khóc rống lên:

 

- ông lì xì cho cháu thế này thà đừng có thì hơn. Mấy đồng bạc trắng này không đủ để uống một cốc trà nóng, mua một gói  bim bim.

 

Vua cha giận lắm. Mặt Thạch đỏ quạch như cua rang, vội vội vàng vàng bái biệt vua cha, dắt díu vợ con trở lại nơi thâm sơn cùng cốc. Nghe đâu ngay khi trở về, vợ chồng Thạch quyết định đầu tư cho mấy đứa con đi học trở lại và bài học đầu tiên mà lũ trẻ được học là “ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm mới”.

 

 

                                                                                  Lam Hồng

 

Các tin khác


Đánh tráo mã QR

Sau khi bị buộc thôi việc vì quá nhiều lỗi lầm, trở về vùng rừng sâu núi thẳm, chàng tiều phu suốt ngày lẫm lũi với cung, rìu, búa, nỏ săn bắt chim muông để kiếm kế sinh nhai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục