(HBĐT) - Cùng cán bộ UBND xã Hợp Châu (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thiên ở thôn Nghĩa Kếp, hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi trang trại. Với việc phát triển mô hình nuôi gà thả vườn và lợn thương phẩm, gia đình anh đã thoát nghèo thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, anh Thiên chia sẻ: “Năm 2006, tận dụng diện tích đất vườn của gia đình, tôi vay vốn ngân hàng và người thân để phát triển mô hình gà thả vườn nhằm tìm hướng thoát nghèo. Tuy nhiên tại thời điểm đó, tôi không có kinh nghiệm và kỹ thuật, đầu ra cho sản không ổn định nên hiệu quả kinh tế thấp. Khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch bệnh hoành hành, nhiều đàn gà bị chết vì chưa được phòng bệnh đúng cách. Có thời điểm như năm 2010, đàn gà của gia đình chết gần 200 con cùng với giá gà xuống thấp, gia đình tưởng chừng phải bỏ cuộc. Đến đầu năm 2013, sau nhiều lần được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nhận thấy mô hình nuôi gà mái đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi sử dụng nguồn vốn tiết kiệm của gia đình để phát triển song song hai mô hình nuôi gà thương phẩm và gà đẻ trứng”.

 

 

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Thiên ở thôn Nghĩa Kếp, xã Hợp Châu (Lương Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Đến nay, trang trại của gia đình anh Thiên được mở rộng lên 7.000 m2, gồm diện tích vườn và hệ thống chuồng trại đáp ứng nhu cầu chăn nuôi. Hiệu quả nhất phải kể đến mô hình nuôi gà đẻ trứng. Lúc cao điểm, đàn gà mái của gia đình có hơn 3.000 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 375.000 quả trứng. Với mức giá trung bình 3.200 đồng /quả, gia đình anh thu về 1, 2 tỷ đồng. Trừ chi phí, lãi khoảng 300 triệu đồng. Sau chu kỳ sinh sản 5 tháng, đàn gà mái được bán ra thị trường với mức giá trung bình 64.000 đồng /kg, anh Thiên cũng thu thêm 400 triệu đồng.

 

Ngoài nuôi gà đẻ trứng, mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng 3 tấn thịt gà thương phẩm. Với giá 75.000 đồng /kg, gia đình anh thu về 210 triệu đồng.

 

Nhạy bén trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc của thị trường, đầu năm 2016, gia đình anh Thiên tiếp tục đầu tư xây dựng 200 m2 chuồng trại kiên cố đáp ứng nhu cầu chăn nuôi 100 con lợn. Với quy trình chăn nuôi áp dụng tiến bộ KH -KT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tháng 11 vừa qua, gia đình anh xuất lứa lợn đầu tiên ra thị trường với hơn 4 tấn thịt. Mức giá trung bình 42.000 đồng /kg, gia đình anh thu về 160 triệu đồng (chưa trừ chi phí). 

 

Ngoài phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, anh Thiên luôn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với người dân trên địa bàn xã cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, với nguồn lực tài chính dồi dào, anh Thiên hỗ trợ người dân bằng cách cho vay vốn lãi suất thấp. Một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gia đình anh giúp không lấy lãi.

 

Ghi nhận đóng góp của anh Nguyễn Văn Thiên vào phát triển kinh tế chung của xã, năm 2015, anh vinh dự được nhận giấy khen của UBND huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước huyện Lương Sơn giai đoạn 2010- 2014. Bên cạnh đó, UBND xã Hợp Châu cũng trao tặng anh giấy khen “Hộ gia đình nông dân sản xuất giỏi trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2014”.              

 

                                                                           Đức Anh

 

 

Các tin khác


Gương sáng phong trào thanh niên khởi nghiệp

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Bùi Hải Nguyên ở thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nữ Đại úy Công an xã nhiệt huyết, gần gũi với người dân

"Nhiệt huyết trong công việc, gắn bó với địa bàn, gần gũi với người dân” - đó là những lời nhận xét và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân dành cho Đại úy Lê Thị Thanh Xuân Nhung, cán bộ Công an xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi sau nhiều năm gắn bó, cống hiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nuôi cá trên lòng hồ

Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, anh Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1993 ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn.

Gương sáng phát triển kinh tế ở xã Phú Lai

Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nguyễn Văn Việt, hội viên nông dân xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Từ khi xóm chưa có hộ nào nuôi dê, anh đã đi đầu cùng 3 hộ tham gia mô hình nuôi dê thương phẩm. "Tôi đã đi tham quan học tập các mô hình ở trong và ngoài huyện, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi dê", anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục