(HBĐT) - Trong những năm gần đây, làm nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, không ít người phải trắng tay, thậm chí phá sản sau một vụ bị dịch bệnh, thời tiết, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi. Nhưng với anh Nguyễn Văn Năm, xóm Hồng Dương, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không những trụ vững mà còn làm giàu cho gia đình.


Nghề trồng đào cảnh phù hợp thị trường cho anh Nguyễn Văn Năm, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Đến xóm Hồng Dương hỏi nhà anh Năm ai cũng biết. Chị chỉ đường bảo: Chú cứ đến nhà gần cuối ngõ kia kìa. Cứ nhà nào to đẹp, khang trang nhất là nhà anh Năm. Quả thật, khi đến tôi cũng ngỡ ngàng trước cơ ngơi của anh nông dân năm nay mới 43 tuổi. Các cụ ngày xưa có câu "một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng với anh Năm lại không như vậy. "Ôm” cả đống nghề, từ nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng đào cảnh, buôn bán chè, thuốc lào, làm chổi chít mà mỗi năm anh thu hàng trăm triệu đồng.

Sau tuần trà thơm, đậm ngon, anh đưa chúng tôi đi thăm quan cơ ngơi của gia đình. Ngoài khuôn viên nhà, gia đình anh có hơn 4.000 m2 đất vườn. Khu chuồng trại nuôi lợn choán giữa khu đất được đầu tư bài bản, từ khu chế biến cám, kho dự trữ đến hệ thống cho ăn, xử lý phân. Anh chia sẻ: Giờ chuồng chỉ còn 3 con lợn nái. Năm ngoái, khi cả nước bị dịch trên đàn lợn tôi xử lý dịch tốt nên bán được giá cao. Ngoài chi phí cũng bỏ ra vài trăm triệu đồng. Quan trọng là chăm sóc đàn lợn tốt, cách ly được với môi trường dịch bệnh. Nhiều người khi nghe tin có dịch thấy hoảng bán tháo giá rẻ. Tôi vẫn kiên trì bám trụ phòng bệnh nên thắng. Từ đầu năm đến giờ giá giống cao, lợn thịt không ổn định nên tôi chưa vào đàn.

Ngoài diện tích nhà, chuồng trại là cả vườn đào cảnh. Các luống cây trồng ngăn nắp, làm cỏ sạch sẽ, từ cây to đến cây nhỏ không bị chồng tán nhau. Tuy mới nảy lộc nhưng anh đã uốn tán theo ý mình. Nghề trồng đào cảnh là anh học được từ những người làm đào ở Nhật Tân. Cách đây 20 năm, anh đi làm ăn ở Hà Nội. Thấy người Nhật Tân làm đào cho thu nhập cao, anh nghĩ ở Hòa Bình người chơi đào nhiều mà người trồng thì ít. Giá thành cây đào mang lên đây cao, khó đáp ứng được túi tiền người miền núi. Nghĩ vậy anh tự đến nhiều nhà trồng đào mày mò học hỏi, tìm nguồn mua giống. 20 năm nay, năm nào anh cũng cung cấp ra thị trường Tân Lạc, TP Hòa Bình và các huyện xung quanh gần 1.000 gốc đào thế. Anh cho biết, do mình tự trồng nên khách đến tận vườn mua, giá phù hợp bán cũng được.

Sau khi thăm vườn đào, anh dẫn chúng tôi ra một khu vườn cách đó gần 1 km. Khu vườn này có diện tích gần 1 ha đã trồng bưởi năm thứ 3. Anh coi đây là "của để dành và dưỡng già”. Vườn bưởi được đầu tư bài bản từ trồng đúng cự ly, phân bón hữu cơ, hệ thống tưới. Năm 2021 vườn sẽ bắt đầu vào kinh doanh. Để lấy vốn ngắn nuôi vườn bưởi, đầu tư nuôi lợn, vợ chồng anh nhập chè từ Lương Sơn, thuốc Lào từ Thanh Hóa để đi các chợ lân cận bán. Vợ anh nhiều năm nay duy trì nghề làm chổi chít bán chợ, vừa trông nhà, vừa lo nuôi dạy các con.

Khi tôi thắc mắc anh làm nghề như này có lúc nào rối không? Anh Năm chia sẻ: Do mình sắp xếp thôi, điều quan trọng nhất là phải chịu khó. Nhưng không làm thế không được. Như mấy năm trước, tôi "gãy” vụ nuôi lợn mất hàng trăm triệu đồng, nếu không có nghề đi buôn, chổi chít, trồng đào thì phá sản mất.

Với cách làm kinh tế tổng hợp, anh Năm đã đa dạng được nguồn thu và đi lên làm giàu, được nhiều người ở Tân Lạc học hỏi.

Việt Lâm


Các tin khác


Gương sáng phong trào thanh niên khởi nghiệp

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Bùi Hải Nguyên ở thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nữ Đại úy Công an xã nhiệt huyết, gần gũi với người dân

"Nhiệt huyết trong công việc, gắn bó với địa bàn, gần gũi với người dân” - đó là những lời nhận xét và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân dành cho Đại úy Lê Thị Thanh Xuân Nhung, cán bộ Công an xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi sau nhiều năm gắn bó, cống hiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nuôi cá trên lòng hồ

Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, anh Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1993 ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn.

Gương sáng phát triển kinh tế ở xã Phú Lai

Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nguyễn Văn Việt, hội viên nông dân xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Từ khi xóm chưa có hộ nào nuôi dê, anh đã đi đầu cùng 3 hộ tham gia mô hình nuôi dê thương phẩm. "Tôi đã đi tham quan học tập các mô hình ở trong và ngoài huyện, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi dê", anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục