(HBĐT) - Nhà nghèo, hoàn cảnh éo le, tưởng chừng chạm đến tận cùng của sự đau khổ, nước mắt chàng trai đã rơi. Thậm chí, có lúc em định tạm dừng việc học nhưng với ý chí, nghị lực và sự hỗ trợ, động viên của thầy cô, bạn bè, cộng đồng, Bùi Mạnh Dũng, dân tộc Mường, học sinh lớp 12A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) THPT tỉnh đã rắn rỏi vươn lên. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em đỗ thủ khoa khối B của trường.


Em Bùi Mạnh Dũng chăm sóc bố bị bệnh tâm thần phân liệt.

Nghịch cảnh

Sinh ra ở vùng sâu - xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc), gia cảnh em Bùi Mạnh Dũng khiến bao người phải xót xa. Căn nhà sàn ọp ẹp là nơi sinh sống của gia đình em. Tai ương dồn dập đến. Bố bị bệnh tâm thần phân liệt, mấy năm nay trở nặng, phải xích chân để không bỏ nhà đi. Mẹ là lao động chính phải lam lũ làm phụ hồ, rửa bát thuê… Ông nội đến ở cùng hỗ trợ trông nom bố. Gia đình là hộ nghèo, em đã nỗ lực thi vào Trường PT DTNT THCS&THPT huyện, PT DTNT THPT tỉnh để không phải lo học phí. Số tiền học bổng 300 nghìn đồng/tháng em dùng để ăn sáng, mua đồ thiết yếu và dành dụm chút ít phụ giúp mẹ.

Vậy nhưng, năm 2022, lúc học lớp 11, mẹ em mắc bệnh ung thư gan. "Có hôm em khóc cả đêm vì thương mẹ. Là con một, đi học xa từ lâu, khi biết mẹ bệnh, em xin thầy cô tạm dừng việc học để về chăm sóc. Thầy cô, bạn bè đã động viên em không bỏ dở học tập. Căn bệnh quái ác đã cướp mẹ đi xa sau đó không lâu. Em hụt hẫng, suy sụp nhưng nghĩ về bố và ông nội già yếu 85 tuổi ở quê, cùng sự giúp đỡ của mọi người, em dần lấy lại tinh thần. Em tự nhủ, phải cố gắng học tập để sau này lập nghiệp, làm chỗ dựa cho ông và bố” - Bùi Mạnh Dũng tâm sự. Từ khi mẹ Dũng ốm, mất, họ hàng mỗi tháng góp vài cân gạo nuôi bố và ông.

Vượt khó

Trong ngôi nhà sàn trống hoác, không giường, nhìn thấu cả nền đất, có lẽ tài sản giá trị nhất là những tấm giấy khen của em. Ba năm THPT, em đều đạt học sinh giỏi. Năm lớp 12, em đoạt giải nhì môn Hóa cấp tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em xuất sắc đạt thủ khoa khối B của trường với tổng điểm 26,35 (Toán 8,6, Hóa 9, Sinh 8,75). 

Chia sẻ việc học, Mạnh Dũng cho rằng môi trường DTNT giúp em tự lập. Nhà nghèo, không phải lo bữa ăn, chỗ ngủ là tốt lắm rồi, chứ ở nhà rau đậu qua ngày nên em cố gắng học. Trong giờ học, chú ý nghe thầy cô giảng, nắm kiến thức ngay trên lớp, tối tiếp tục lên giảng đường ôn bài. Không đi học thêm, em đến thư viện trường và tìm hiểu thêm trên internet, bài khó nhờ thầy cô chỉ giúp. Thời điểm ôn thi tốt nghiệp, nhiều lúc em học đến 1 giờ sáng. Mỗi lần về nhà nhìn bữa cơm chay của bố và ông càng thôi thúc em học tập vì tương lai. Biết gia cảnh, cộng đồng giúp đỡ, động viên nhiều cũng là động lực giúp em vươn lên. 

Mạnh Dũng học lớp chuyên Toán nhưng em thấy đề thi Ngữ Văn năm nay ý nghĩa với câu nghị luận về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Không ai muốn gặp "bão giông” nhưng cuộc đời vẫn vậy, quan trọng là cách mình đối diện và em đã đạt 8,25 điểm môn Văn.

Thầy Bùi Tuấn Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường PT DTNT THPT tỉnh nhận xét: Mạnh Dũng là học sinh ngoan, nghị lực vượt lên nghịch cảnh, là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, vươn lên.

Xây ước mơ

Cảnh nghèo nên Mạnh Dũng trăn trở rất nhiều khi đăng ký chọn trường đại học. Em nghĩ nên tiếp tục chọn trường không phải lo học phí, đầu ra và ước mơ đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Song lại éo le khi sơ tuyển không được vì lý do sức khoẻ. Một cánh cổng được coi như cứu cánh với em đã đóng lại, nhưng em không nhụt chí, tin rằng vẫn có cánh cửa khác mở ra. Bởi em tin vào nghị lực của mình như chính tên được đặt và còn nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ em. Em đăng ký nguyện vọng 1 ngành trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, theo đuổi đam mê kỹ sư công nghệ. Con đường phía trước còn lắm gian nan, nhất là lo học phí. Em dự định sẽ làm gia sư để kiếm thêm tiền trang trải. 

Nhiều người thương đã kêu gọi giúp đỡ để em tiếp tục xây ước mơ lập nghiệp, thay đổi cuộc sống. Mạnh Dũng chia sẻ: Em biết ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ. Số tiền nhận được, em sẽ dành dụm để đi học. Mong các bạn khó khăn khác cũng được giúp đỡ. Sau này, nếu có điều kiện, em sẽ giúp những mảnh đời éo le, có trải qua mới thấu hiểu. 

Lau tay cho bố bằng miếng giẻ tận dụng từ quần áo cũ, Mạnh Dũng không dám mở lời nhưng thẳm sâu trong tâm em mong có căn nhà xây nhỏ, có phòng để đưa bố vào, không còn bị xích. Cậu học trò mảnh dẻ với nghị lực phi thường và lòng hiếu thuận đã chạm đến trái tim của nhiều tấm lòng hảo tâm.


Cẩm Lệ



Các tin khác


Người giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

(HBĐT)-Bằng tình yêu và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông để lại, bà Bùi Thị Hương ở xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) đã gắn bó gần 50 năm với công việc dệt may các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mường.

Hướng đi mới của anh Nguyễn Thế Bình

(HBĐT) - Tuy nhiều năm gắn bó với trồng cam, song nhận thấy cây cam đã hết chu kỳ và không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Thế Bình ở khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đã tìm tòi, trở thành người tiên phong trong việc trồng và phát triển cây hoàng lan, ngọc lan.

Nữ chiến sỹ Công an đứng trên bục giảng

(HBĐT) - Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, hiện công tác tại Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Yên Thủy, thời gian qua, Trung úy Bùi Thị Thi đã gắn mình với bục giảng. Chị chia sẻ, tuy không phải là giáo viên nhưng thời gian "lên lớp”, đứng trên bục giảng của tôi cũng nhiều không kém các thầy, cô giáo đứng lớp.

Phó bí thư chi bộ noi gương Bác

(HBĐT) - Nhắc đến anh Phạm Văn Toàn, Phó bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thung Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy), nhiều người bày tỏ sự quý mến và cảm phục. Anh là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác được huyện Lạc Thủy tôn vinh.

Bí thư chi đoàn quyết chí làm giàu

(HBĐT) - Năm 2018, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, anh Nguyễn Lê Duy, xóm Đồng Phú, xã Cao Dương (Lương Sơn) lựa chọn công việc làm huấn luyện viên thể hình tại một số trung tâm thể dục thể hình ở Hà Nội. Năm 2021, do đại dịch Covid-19, các cơ sở tập luyện phải đóng cửa để phòng dịch, công việc của anh cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, anh Duy quyết định trở về làm kinh tế ở nơi mình sinh ra và lớn lên, bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà thả đồi.

Lương y Bùi Văn Phượng tuổi cao, gương sáng

(HBĐT) - Lương y Bùi Văn Phượng, xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm nghề bốc thuốc nam gia truyền, đến đời ông là đời thứ 5. Ngoài việc tiếp tục lưu giữ những bí quyết của bài thuốc cha ông để lại, ông còn sưu tầm và bổ sung thêm các vị thuốc mới có giá trị chữa bệnh cao như xạ đen, chân chim, đinh lăng… điều trị các bệnh: viêm gan, xơ gan, viêm cầu thận và các bệnh về đường tiêu hóa, chữa rắn cắn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục