Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo bên chiếc chiêng gắn bó với ông từ nhiều năm nay.

Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo bên chiếc chiêng gắn bó với ông từ nhiều năm nay.

(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Nếu ví những ông mo là người “giữ lửa” cho dân tộc Mường thì những nghệ nhân cồng chiêng cũng được ví như những người “giữ hồn” chiêng Mường. Gắn bó với “nghiệp” cồng chiêng gần 40 năm, nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo, xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong (Cao Phong) là một trong ít những người có kiến thức sâu rộng và ý thức giữ gìn, phát triển loại nhạc cụ độc đáo này trong đời sống hiện đại.

 

Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo kể: “Hồi nhỏ, tôi thường theo bố, mế tham gia vào các đội chiêng. Âm sắc của tiếng chiêng Mường thấm vào tôi tự lúc nào không hay...”. Kiến thức mà ông tích lũy được qua thời gian về chiêng Mường không hề nhỏ. Bên cạnh đó, bằng tài cảm thụ âm nhạc dân tộc vốn có, ông đã có nhiều cách pha, cách nhấn riêng tạo bản sắc đặc trưng của vùng đất Mường Thàng. Cầm trên tay chiếc chiêng, ông phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về giá trị văn hóa tinh thần của chiêng Mường: Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc gắn bó với người Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ: chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, 12 chiếc chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm...  Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Người Mường dùng chiêng trong các dịp lễ, Tết, trong đám cưới, tang ma...  Chiêng được dùng trong các phường xắc bùa đi chúc tụng các gia đình vào dịp đầu năm mới, mừng nhà mới, cho các đoàn đi săn, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản Mường...  Những dịp như vậy, khắp núi rừng vang tiếng chiêng rộn rã...

 

Đến Dũng Phong, tên ông Mẻo không xa lạ với bất kỳ ai. Ông đã từng tham gia tập luyện cho nhiều chương trình trình tấu cồng chiêng có tầm quy mô lớn cả ở huyện và tỉnh như: Lễ công bố quyết định thành lập huyện Cao Phong năm 2002 có sự tham gia của 300 tay chiêng, kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Hòa Bình (đoàn Cao Phong tham gia có 500 tay chiêng) và gần đây nhất là sự tập hợp của 450 tay chiêng trong Đại hội TD -TT huyện năm 2013...  Tất cả những chương trình trình tấu cồng chiêng lớn, nhỏ ở Cao Phong đều do ông huy động nhân lực, dàn dựng và luyện tập cùng mọi người. Tính đến nay, ông còn tham gia truyền bá văn hóa cồng chiêng cho hơn 3.000 lượt người (bao gồm cả học sinh các trường học và nhân dân trong và ngoài địa bàn). Ông luôn ý thức rất rõ việc nâng tầm giá trị văn hóa cồng chiêng trong đời sống hiện đại. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu và cái tâm với “nghiệp” cồng chiêng. Hiện, toàn xã Dũng Phong có khoảng hơn 200 chiếc chiêng, trong đó, xóm Bãi Bệ  1, nơi ông sinh sống có số lượng chiêng chiếm gần một nửa. ông nung nấu ý tưởng xây dựng mỗi một xóm có từ 100 chiêng trở lên. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thanh Bịnh, Trưởng Ban Văn hóa xã chia sẻ: Đây là nguyện vọng của không chỉ ông Mẻo mà của đa số người dân trong xã. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, cần vận động mọi người cùng tham gia, gìn giữ và phát triển. Ông Mẻo đã làm được điều này với số lượng chiêng và nghệ nhân đánh chiêng tăng sau mỗi năm.

 

Hơn 60 năm tuổi đời, 30 năm tuổi Đảng và gần 40 năm tuổi “nghề”, tình yêu với nhạc cụ cồng chiêng trong con người ông không bao giờ tắt. Được thưởng thức những tiếng chiêng rộn ràng do ông và các thành viên của CLB cồng chiêng chi hội NCT xóm Bãi Bệ 1 thể hiện, chúng tôi như được hòa mình trong không gian của những ngày lễ hội khi tiếng chiêng vang lên trầm bổng cùng những cuộc vui hội ngộ của mọi người. 

 

                                                Phạm Minh Tuấn (Đài TT -TH Cao Phong)

 

Các tin khác


Gương sáng phong trào thanh niên khởi nghiệp

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Bùi Hải Nguyên ở thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nữ Đại úy Công an xã nhiệt huyết, gần gũi với người dân

"Nhiệt huyết trong công việc, gắn bó với địa bàn, gần gũi với người dân” - đó là những lời nhận xét và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân dành cho Đại úy Lê Thị Thanh Xuân Nhung, cán bộ Công an xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi sau nhiều năm gắn bó, cống hiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nuôi cá trên lòng hồ

Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, anh Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1993 ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn.

Gương sáng phát triển kinh tế ở xã Phú Lai

Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nguyễn Văn Việt, hội viên nông dân xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Từ khi xóm chưa có hộ nào nuôi dê, anh đã đi đầu cùng 3 hộ tham gia mô hình nuôi dê thương phẩm. "Tôi đã đi tham quan học tập các mô hình ở trong và ngoài huyện, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi dê", anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục