Đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 100% thao tác có thể được thực hiện trên kênh số như: thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay,… Việc thực hiện giao dịch trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2022, số lượng giao dịch qua hệ thống Napas đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm.

Năm 2022, số lượng giao dịch qua hệ thống Napas đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, tình hình an toàn thanh toán, nhất là trong thanh toán điện tử có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo với nhiều mối đe dọa đang xuất hiện và có những tác động tiêu cực đối với các tổ chức tài chính cũng như khách hàng. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch điện tử, nhu cầu về các biện pháp bảo mật mạnh mẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

"Phủ sóng” thanh toán trực tuyến

Vài năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, chị Thanh Hương (Hà Nội) chỉ còn để rất ít tiền mặt trong ví. "Bây giờ khi đi mua sắm ở bất kỳ cửa hàng nào, từ thời trang, tạp hóa bán lẻ, siêu thị hay vào quán ăn, quán cà-phê, tôi đều có thể thanh toán bằng mã QR trên điện thoại. Họ để mã ngay tại quầy thu ngân hoặc dán trên mặt tủ kính, rất thuận tiện.

Cơ quan tôi chuyển lương vào tài khoản, đến khi chi tiêu, tôi thường dùng thanh toán qua chuyển khoản, mã QR, ví điện tử,… nên tôi đã giảm hẳn việc phải ra ATM rút tiền mặt,” chị Hương chia sẻ. Việc lựa chọn các hình thức thanh toán điện tử (hay còn gọi là thanh toán trực tuyến) đang dần trở thành thói quen của rất nhiều người tiêu dùng hiện nay, nhất là giới trẻ.

Đề cập tới câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành "ví” của người dân.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2022, trong 5 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng, qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị. Đối với hình thức thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức mã QR tăng tương ứng 151,14% và 30,41%.

Một nghiên cứu từ Mastercard vào năm 2022 cũng cho thấy, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%. "Mastercard đánh giá Việt Nam đang dẫn đầu trong việc nắm bắt kỹ thuật và chuyển đổi số. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục và các ngân hàng sẽ tiếp tục cập nhật, sử dụng, phát triển hơn nữa để nâng cao các dịch vụ ngân hàng cũng như phục vụ tốt hơn cho khách hàng Việt Nam”, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào - bà Winnie Wong nhận định.

Song hành giải bài toán rủi ro

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhưng đi cùng với sự "bùng nổ” của khoa học-công nghệ trong kỷ nguyên số, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cũng phải đối diện với vấn đề an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.

"Cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi số, không chỉ các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính”, bà Winnie Wong nhấn mạnh.

Hiện nay, để ngăn chặn rủi ro, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại đang tích cực đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhằm cung ứng dịch vụ đa tiện ích, an toàn và bảo mật hơn cho khách hàng.
Có thể thấy, ngân sách 13% dành cho đầu tư công nghệ được xem là con số không nhỏ. Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng thông tin, trong giai đoạn vừa qua, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Cùng với đó, ngành ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.

Giám đốc cao cấp An ninh thông tin (Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam- Techcombank) Văn Anh Tuấn chia sẻ, riêng Techcombank đã đầu tư 300 triệu USD cho lĩnh vực này. Khoản đầu tư trên Techcombank tập trung cho công nghệ và con người. Đây là hai yếu tố không chỉ Techcombank, mà các ngân hàng khác cũng đặc biệt quan tâm và luôn sẵn sàng đầu tư.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đang hợp lực cùng với công ty thanh toán thẻ toàn cầu như Mastercard để xây dựng các giao dịch an toàn và bảo mật. Trong 5 năm vừa qua, Mastercard đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào việc tự phát triển công nghệ, mua các công nghệ mới hoặc đầu tư vào các công ty công nghệ để có thể tạo ra sự đổi mới giúp ngăn chặn tấn công và củng cố an ninh mạng. 3 năm gần đây, tổ chức này đã ngăn chặn được 35 tỷ USD từ các cuộc tấn công mạng nhờ các công nghệ và các quan hệ đối tác.

Theo nhìn nhận của tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, trong quá trình chuyển đổi số, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo đặt chỉ số an toàn lên trên hết. Các ngân hàng thương mại khi triển khai hệ thống phần mềm công nghệ đều ưu tiên bảo đảm an toàn một cách tối đa.

"Vấn đề về lừa đảo sẽ luôn luôn tồn tại. Khi chúng ta có hình thức mới, kẻ gian sẽ tìm cách để thực hiện hành vi gian lận. Vì thế, ngân hàng cũng phải liên tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho khách hành, luôn đồng hành với khách hàng trong việc giải quyết các bài toán về bảo mật. Khi nhận thức của khách hàng được nâng cao, kể cả hình thức lừa đảo mới cũng rất khó để thực hiện trót lọt”, lãnh đạo Techcombank cho hay.

Trên góc độ quản lý nhà nước, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn cũng nhìn nhận, làm thế nào để vừa bảo đảm hoạt động thanh toán điện tử được liên thông thuận lợi nhưng vẫn phải an toàn và ổn định - là một trong những vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất trăn trở.

Do đó, để góp phần giảm dần các hành vi lừa đảo, gian lận, Ngân hàng Nhà nước xác định có 5 nhiệm vụ chính, đó là: hoàn thiện hành lang pháp lý; bảo đảm các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia hoạt động thông suốt, liên tục 24/7; tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào trong quá trình chuyển đổi số; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận; tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực đôn đốc các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, bảo mật theo đúng như các bước đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng mà Thống đốc đã ban hành.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Xã Thạch Yên: Xây dựng “cán bộ số” để xây dựng “chính quyền số”

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xã Thạch Yên (Cao Phong) từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tạo ra xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). CĐS đã mở ra cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và cấu trúc lại DN. Song, để CĐS trong DN đạt hiệu quả, thành công, đòi hỏi cần có tư duy mới cùng những năng lực mới trong tổ chức, vận hành theo hướng kết hợp người và máy móc dựa trên nền tảng các công nghệ số và dữ liệu số. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp thúc đẩy CĐS trong DN.

Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân

(HBĐT) - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, đến nay, huyện Cao Phong đã đạt được một số kết quả bước đầu. Qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ Nhân dân.

Trên 400 học viên được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế số, xã hội số

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho trên 400 học viên đến từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức KT-XH và người dân tại khu vực nông thôn.

Trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số cho cán bộ Đoàn, Hội

(HBĐT) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số năm 2023 cho 150 cán bộ Đoàn, Hội phụ trách công tác khởi nghiệp, chuyển đổi số các cấp trong tỉnh.

Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của mỗi địa phương, quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS”. Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục