(HBĐT) - Không phải là hiện tượng mới, tuy nhiên, thời gian gần đây nạn bạo lực học đường (BLHĐ) liên tiếp xảy ra trong trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như học sinh va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội...
Tháng 5/2023, Đoàn thanh niên xã Hưng Thi (Lạc Thủy) phối hợp cùng Trường TH&THCS Hưng Thi, Công an xã tổ chức chương trình truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực học đường, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho các em học sinh.
Đầu tháng 5 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip 40 giây học sinh đánh nhau trong lớp họ. Sự việc được xác định là xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhóm học sinh trong clip học lớp 8A trường TH&THCS An Bình (Lạc Thủy). Theo nội dung clip, 1 học sinh áo đen và 1 học sinh áo xanh (còn đeo khăn quảng đỏ) đang giằng co nhau trong lớp nhưng không ai can ngăn. Ngược lại, các học sinh khác còn kích động, hò reo. Sau đó, học sinh áo xanh bị nhiều bạn nhảy vào đánh tới tấp.
Tại thời điểm đó, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với Thượng tá Quách Đình Thi, Trưởng Công an huyện Lạc Thủy được biết, sự việc xảy ra từ tháng 8/2022, nguyên nhân xuất phát từ việc học sinh D (mặc áo xanh trong clip) và học sinh Y (mặc áo đen trong clip) khi đi học đã nô đùa, vỗ vào lưng, vai nhau. Đồng thời các bạn trong lớp hò reo, cổ vũ nên xảy ra sự việc như trong clip. Cô giáo chủ nhiệm đã nắm bắt được sự việc tuy nhiên không báo cáo cho Ban giám hiệu nhà trường cũng như thông báo cho phụ huynh học sinh biết mà chỉ giải quyết nội bộ giữa các học sinh. Đến ngày 6/5/2023, tức là khoảng 9 tháng sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh học sinh D vô tình phát hiện clip con mình bị đánh và đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm nhưng không được. Sau đó, phụ huynh đã chia sẻ clip lên mạng xã hội và được cộng đồng mạng lan truyền mạnh mẽ.
Trước đó, ngày 23/7/2022, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại sư việc xảy ra tại thôn Gò Mu, xã Thanh Cao (Lương Sơn), cháu N.T.T (12 tuổi) bị 6 bạn nữ (từ 12 - 13 tuổi), cùng trú tại xã Thanh Cao đánh. Trong khi đánh bạn, nhóm này đã quay clip và đăng lên mạng xã hội (MXH) khiến nạn nhân càng thêm tổn thương, gia đình, xã hội bức xúc. Sau khi bị đánh và quay clip đăng lên MXH, nạn nhân rất lo lắng, sợ hãi. Công an xã Thanh Cao đã tiến hành xác minh, lấy lời khai bị hại, làm rõ các đối tượng liên quan. Đồng thời giáo dục, răn đe các cháu để không có thêm hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), 6 tháng năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 10 vụ với 24 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chủ yếu là trộm cắp tài sản. Mặc dù hành vi "cố ý gây thương tích” chỉ chiếm 3/10 vụ nhưng lại chiếm tới 16/24 đối tượng. Điều này cho thấy thực tế đáng lo ngại về vấn đề bạo lực trong lứa tuổi vị thành niên.
Thực tế các vụ bạo lực học đường thời gian cho thấy hiện tượng không đơn giản là 2 học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn mà đa số là một nhóm học sinh xông vào, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo. Nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng. Đáng lưu ý, bạo lực không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Khi xem những clip này, nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ. Bên cạnh đó, điểm chung vô cùng nguy hiểm trong phần lớn các vụ bạo lực học đường, nhiều em không tìm đến bố mẹ, thầy cô để chia sẻ mà tìm đến không gian mạng để giãi bày tâm sự. Có nhiều hội nhóm kín như "CLB phòng chống bạo lực học đường”; "Chia sẻ - tẩy chay bạo lực học đường” hay "Hội những người bị bạo lực học đường cô lập Body shaming”, trong đó "Hội những người bị bạo lực học đường cô lập Body shaming” có tới hơn 11 nghìn thành viên tham gia. Tại đây, rất nhiều thành viên đã chia sẻ câu chuyện mà bản thân họ đã và đang trải qua. Đa số đều cảm thấy mệt mỏi và bất lực với việc phải đến trường mỗi ngày.
Theo số liệu khảo sát của Công an tỉnh, đối tượng tham gia đánh nhau trên địa bàn tỉnh hầu hết là học sinh ở bậc THCS và THPT. Đây là lứa tuổi mà tâm sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, không kiểm soát được hành vi. Ngoài ra, môi trường sống của các em tại gia đình cũng ảnh hưởng tới hành vi. Không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách chửi mắng, đánh đập thô bạo khi con mắc sai lầm, dần dần hình thành trong con tính hung hăng, bạo lực. Việc con tiếp xúc với phim ảnh, sách, báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực... cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ. Mặt khác, có thời điểm, công tác giáo dục trong nhà trường, do còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người, chưa thực sự chú trọng làm tốt vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay cổng trường nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên MXH xuất hiện clip mới xác minh, xử lý.
Trước thực tế đó, thời gian gần đây, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh hoạt động của các nhà trường, theo đó yêu cầu, các nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để kịp thời nắm bắt tình hình; chú trọng giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường; tạo thêm nhiều sân chơi, tạo cơ hội giao lưu lớp, khối, nhóm, giới tính… để các em được yêu thương và chia sẻ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp cũng đẩy mạnh phối hợp cùng các nhà trường tổ chức các chương trình ngoại khóa phòng- chống bạo lực học đường, cung cấp kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, trong việc hình thành nhân cách của con người, giáo dục của gia đình quan trọng hơn giáo dục của nhà trường. Giáo dục trong gia đình nếu làm tốt, xây dựng tốt văn hóa gia đình sẽ góp phần quan trọng giải quyết nạn bạo lực học đường.
Minh Vũ
(HBĐT) - Ngày 28/9, đoàn công tác của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em tại Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Thu Phương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 27/9, Agribank chi nhánh huyện Tân Lạc phối hợp với Huyện Đoàn Tân Lạc tổ chức chương trình tặng quà Tết Trung Thu cho các cháu thiếu nhi tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Tân Lạc và trường TH&THCS Ngọc Mỹ - chi xóm Cóc với tổng số 160 suất quà, trị giá 13 triệu đồng.
(HBĐT) - Thực tế trên địa bàn huyện Tân Lạc, sau khi được đầu tư xây dựng, các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên hiện nay, sau một thời gian hoạt động, nhiều công trình đã xuống cấp, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
(HBĐT) - Cây cầu treo xóm Khán, xã Vạn Mai (Mai Châu) bắc qua suối Sia, nằm trên tuyến đường chính ra quốc lộ 15 của 82 hộ dân trong xóm. Được xây dựng từ năm 2013, cầu có trọng tải không quá 0,5 tấn, chiều dài gần 80m, mặt cầu rộng 1,5m, cao hơn 3m so với dòng suối. Hiện tại, cây cầu có dấu hiệu xuống cấp, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con. Phần thanh sắt thành cầu hoen gỉ, mặt cầu bị võng, các tấm sắt mặt cầu bị long ốc, không được chắc chắn, mỗi khi di chuyển qua cầu đung đưa, rung lắc gây mất an toàn.
(HBĐT) - Ngày 27/9, tại xã Hợp Phong (Cao Phong), Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Cao Phong tổ chức lớp tập huấn về chính sách dân tộc năm 2023. Dự khai mạc có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Huyện ủy Cao Phong. Tham gia lớp tập huấn có 75 học viên là cán bộ, công chức khối dân vận, bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm, khu dân cư và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Cao Phong.
(HBĐT) - Ngày 27/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, TP Hòa Bình và các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ tặng quà Trung thu cho các em nhỏ khó khăn.