Ngày 6/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND.


Khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cụ thể, Nghị quyết quy định phí tham quan một lượt với mỗi khách với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 50.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 100.000 đồng; di tích Cổ Loa 30.000 đồng; di tích chùa Hương 120.000 đồng (trong đó có 2.000 đồng bảo hiểm khách du lịch); di tích đền Quán Thánh 10.000 đồng; làng cổ Đường Lâm 20.000 đồng; chùa Thầy 10.000 đồng; chùa Tây Phương 10.000 đồng.

Trước đó, Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc ban hành các quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền Quyết định của HĐND thành phố quy định phí tham quan mỗi lượt của một khách như sau: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 30.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 30.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 30.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 30.000 đồng; di tích Cổ Loa 10.000 đồng; di tích chùa Hương cao nhất 78.000 đồng... 

Như vậy, với việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết này, hầu hết phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã tăng giá. Ngoài ra, về quản lý sử dụng phí, Nghị quyết quy định, đối với các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý di tích và danh thắng, và di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long (Khu Hoàng thành và di tích Cổ Loa), đơn vị thu phí được giữ lại 90%, nộp ngân sách nhà nước 10%.

Đối với di tích chùa Hương, đơn vị thu phí nộp ngân sách nhà nước 85% (bao gồm kinh phí tôn tạo, tu bổ khu di tích và kinh phí tổ chức lễ hội cho Ban tổ chức lễ hội, xã Hương Sơn); để lại cho đơn vị thu phí 15%. Đối với đền Quán Thánh, chùa Thầy, chùa Tây Phương, nộp ngân sách nhà nước 100%. Đối với Làng cổ Đường Lâm, 100% phí tham quan được để lại cho đơn vị thu phí.

Nghị quyết cũng quy định, không thu phí Ngày Di sản văn hóa 23/11 đối với tất cả di tích; không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 âm lịch, các ngày mồng Một âm lịch hàng tháng trong năm tại di tích đền Ngọc Sơn; không thu phí ngày 30 và mồng 1, 2 Tết Nguyên đán, ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) tại chùa Hương; không thu phí các ngày 30 tháng Chạp âm lịch, ngày mùng 1, 2 Tết Nguyên đán tại đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm.

Chiều cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2023. Theo đó, thành phố sẽ thành lập 12 tổ dân phố mới từ các khu vực dân cư mới hình thành (gồm 5 tổ dân phố tại quận Cầu Giấy; 1 tổ dân phố tại quận Long Biên và 6 tổ dân phố tại quận Tây Hồ).

Thành phố cũng thành lập 8 tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách 4 tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn (2 tổ dân phố tại quận Hoàng Mai và 6 tổ dân phố tại quận Nam Từ Liêm). Ngoài ra, tại các quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ và huyện Chương Mỹ cũng sẽ thành lập 6 thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở sáp nhập từ 11 thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình nhỏ. Như vậy, dự kiến sau khi thực hiện việc kiện toàn, toàn thành phố sẽ có 5.441 thôn, tổ dân phố (2.362 thôn, 3.079 tổ dân phố).

Bên cạnh đó, HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua các Nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghị quyết quy định chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với hội người cao tuổi, hội chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Nhiều hoạt động tại Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc

Trong 2 ngày (2-3/12), tại xã Vân Sơn, UBND huyện Tân Lạc phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) gắn với hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) năm 2023 tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc.

Huyện Đà Bắc: Bảo tồn sản phẩm du lịch từ nét đẹp truyền thống

Với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, các dân tộc trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện vẫn lưu giữ được những giá trị bản sắc văn hóa riêng như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc… Đó là điều kiện thuận lợi để người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, thu hút du khách để phát triển KT-XH địa phương.

Trang trại hữu cơ Sen Vàng - điểm đến hấp dẫn du khách

Trang trại hữu cơ Sen Vàng ở xóm Đồng Chụa, tổ 9, phường Thống Nhất (TP Hoà Bình). Con đường vào trang trại đã được thảm bê tông, việc di chuyển bằng ô tô, xe máy đều dễ dàng. Sở hữu khuôn viên rộng, tổng diện tích khoảng 60 ha, được quy hoạch theo mô hình du lịch sinh thái với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đến đây, du khách tạm gác lại công việc và lo toan cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên bình yên, thư thái.

Những điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn ở huyện Mai Châu

Nhờ cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, là vùng đất nổi tiếng về văn hoá dân gian, lễ hội đặc sắc, ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hoá các dân tộc ở Tây Bắc, huyện Mai Châu đã và đang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) lý tưởng cho du khách ưa thích trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Khảo sát tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Đà Bắc

Từ ngày 24 - 26/11, Sở VH-TT&DL tổ chức chương trình khảo sát một số tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Đà Bắc. Tham gia chương trình có một số chuyên gia nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội và một số tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch

Ký kết hợp tác du lịch giữa Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình và Công ty Unique Travel, Mông Cổ

Tại khách sạn Wyndhan Garden (Hà Nội), Công ty CP du lịch Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và Công ty Unique Travel tại nước Mông Cổ vừa tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình. Cùng dự có bà Javzandulam, Thư ký đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam, ông Enkhbat Dorj, nguyên đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục