(HBĐT) - Quýt cổ Nam Sơn được trồng từ những năm 1950 trở về trước. Trải qua bao thăng trầm, có thời điểm tưởng như quýt cổ đã bị lãng quên bởi những yếu tố khách quan. Nhưng từ khoảng những năm 2008, người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc) đã phục tráng giống quýt cổ và coi là cây trồng chủ lực XĐ -GN. Đến nay, toàn xã có trên 60 ha quýt cổ với hơn 90% hộ gia đình tham gia phát triển mô hình.

 

Hành trình phục tráng quýt cổ

 

 

 Người dân xóm Bái, xã Nam Sơn (Tân Lạc) chăm sóc cây quýt cổ trước khi thu hoạch.

 

Đến Nam Sơn vào những ngày cuối tháng 11, thời điểm bắt đầu vào mua thu hoạch quýt cổ. Dọc đường tới trụ sở UBND xã, những chùm quýt cổ đang bắt đầu chín. Dẫn chúng tôi thăm các vườn quýt cổ, Chủ tịch HĐND xã Bùi Thanh Truyền, đồng thời là một trong những người tiên phong phục tráng quýt cổ cho biết: “Quýt cổ Nam Sơn có hai loại là quýt chua ngọt và quýt dẹt bánh xe. Đây là giống cây có từ lâu đời và có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Tuy nhiên, trước đây do chưa có định hướng phát triển, còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nên diện tích trồng đã giảm, người dân không còn mặn mà với cây quýt cổ”.

 

Đó là bởi trước đây, quýt cổ được trồng nhỏ lẻ, rất khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Người dân cũng chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật cách tác, chưa có đầu tư chăm sóc phù hợp nên chất lượng quýt chưa cao, không ổn định. Quýt cổ Nam Sơn khi đó chưa khẳng định được chỗ đứng và khó cạnh tranh với những quả đặc sản khác đã có thương hiệu. Chính quyền và nhân dân địa phương rất muốn phục tráng, phát triển cây quýt cổ nhưng vẫn loay hoay trong những cái thiếu: thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu đầu ra.

 

Cho đến khoảng những năm 2005, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về thăm và làm việc tại Nam Sơn đã rất quan tâm đến tiềm năng, lợi thế của cây quýt cổ. Tại buổi làm việc, chính quyền và nhân dân địa phương đã kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ địa phương phục tráng giống quýt cổ nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan khảo sát, hỗ trợ về kỹ thuật, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển mô hình.

 

Lúc đó, đồng chí Bùi Thanh Truyền là Chủ tịch UBND xã - người tiên phong trồng phục tráng cây quýt cổ. Noi gương Chủ tịch UBND xã, các hộ dân đã trồng lại cây quýt cổ, đầu tư kỹ thuật, phân bón, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng.

 

Chất lượng được nâng lên, diện tích trồng mở rộng, giá quýt cũng tăng dần từ 5.000 - 7.000 đồng /kg, nay trên 20.000 đồng /kg. Diện tích quýt cổ theo đó đã được mở rộng    lên 60 ha, gấp 30 lần so với năm 2005. Toàn xã có 90% hộ dân trồng quýt cổ.

 

Quýt cổ Nam Sơn khẳng định chỗ đứng trên thị trường

 

Hiện nay, quýt cổ Nam Sơn có chỗ đứng riêng, được thị trường ưa chuộng bởi mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, nhiều nước, đặc biệt là vị thơm rất đặc trưng. Do thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp; người dân đã có kinh nghiệm chăm sóc nên cây quýt cổ trồng ở Nam Sơn phát triển tốt, ít sâu bệnh; người dân không sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên được ưa chuộng. Ngoài ra, so với các loại cam, quýt khác đang bán trên thị trường, quýt cổ Nam Sơn có giá thành rẻ hơn với giá giao động từ 20.000 - 30.000 đồng /kg quýt chua ngọt, 15.000 - 20.000 đồng /kg quýt dẹt bánh xe; phù hợp với nhu cầu thị trường. Do đó, quýt cổ đang là cây trồng mang lại hy vọng đổi đời cho người dân Nam Sơn.

 

Đến thăm gia đình ông Hà Văn Hưng (xóm Bái, xã Nam Sơn) -  một trong những hộ tiêu biểu trồng quýt cổ. ông cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi trồng khoảng 2 ha, trong đó trồng xen quýt chua ngọt và quýt dẹt bánh xe. Năm 2015, gia đình thu hoạch được trên 10 tấn quả, tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và Thanh Hóa. Với mức giá ổn định trung bình 22.000 đồng /kg, thu về 220 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 180 triệu đồng. Quýt cổ dễ trồng, có sức đề kháng tốt, chu kỳ thu hoạch của cây kéo dài, cho hiệu quả kinh tế cao”.

 

Tại Nam Sơn ngày nay “nhà nhà trồng quýt, người người trồng quýt”, người dân tận dụng từng tấc đất, cải tạo diện tích đất vườn tạp để trồng quýt cổ nhằm nâng cao thu nhập. Năm 2015, xã cung cấp cho thị trường trên 100 tấn quýt, thu về khoảng 2, 5 tỷ đồng. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân Nam Sơn có thể tự hào quýt cổ là đặc sản mà không nơi nào có được.

 

                                                                      Đức Anh

 

 

 

 

Các tin khác


Thời tiết ngày 4/5: Nhiều khu vực có mưa và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân Quốc gia, ngày và đêm 4//5, nhiều khu vực có mưa và dông, cục bộ có mưa to.

Thời tiết ngày 3/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 3/5, Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm.

Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc đã chấm dứt, trời chuyển mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo, mưa dông sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 4/5, sau đó sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng.

Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc; Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục