(HBĐT) - Hòa Bình giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi, khai thác thủy sản nước ngọt, đặc biệt hồ thủy điện sông Đà địa phận tỉnh rộng gần 8.900 ha, phong phú các loài cá, trong đó nhiều loài quý hiếm. Cùng với khai thác tự nhiên, những năm qua, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh, đối tượng nuôi đa dạng. Các sản phẩm tôm, cá nuôi và khai thác tự nhiên chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố tin dùng, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.


Người dân làng chài thuộc tổ 4, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đánh bắt được cá trắm đen trên sông Đà, vùng hạ lưu thủy điện Hòa Bình.

Tuy nhiên, khâu tiêu thụ cá, tôm sông Đà vẫn gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản khác. Người tiêu dùng không có dấu hiệu nhận biết nguồn gốc xuất xứ. Xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận chính là tạo ra công cụ tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Do đó, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ KH -CN "Xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận sông Đà - Hòa Bình cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình”. Đề tài khoa học này do Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) chủ trì thực hiện từ tháng 8/2016.
 
Là cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) về đề tài, Sở KH &CN đã kiểm tra tiến độ, nghiệm thu kết quả theo quy định của pháp luật. Sở NN &PTNT phối hợp trong xây dựng các quy định kỹ thuật sản xuất cá thương phẩm, khai thác cá, tôm tự nhiên… Đề tài cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra, hoàn thành các nội dung công việc theo chất lượng được phê duyệt. Ngày 8/6/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình” cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình. Trong đó có 16 loài cá khai thác, 18 loài cá nuôi và 1 loại tôm đăng ký Nhãn hiệu, kèm theo tiêu chuẩn cảm quan, lý hóa, ATTP cụ thể cho từng loại. Sở NN &PTNT là chủ sở hữu Nhãn hiệu, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản thực hiện chức năng quản lý Nhãn hiệu.
 
Theo thạc sĩ Bùi Kim Đồng, Chủ nhiệm đề tài, Nhãn hiệu chứng nhận đã có nhưng quản lý và khai thác các giá trị KT -XH của sản phẩm mang lại là một quá trình, đòi hỏi thời gian, nhân lực, vật lực và cần có chiến lược phát triển dài hạn. Nhãn hiệu không chỉ là vỏ bọc bên ngoài, quan trọng là duy trì sự ổn định chất lượng, quản lý trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái và phải gắn liền với việc tổ chức vận hành chuỗi cung ứng, kiểm soát giống, quy trình kỹ thuật, bảo tồn nguồn lợi… Đồng chí kiến nghị: Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng nội bộ tại chính các cơ sở sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Xây dựng, vận hành mô hình kiểm soát nhãn hiệu theo 3 cấp: QLNN của Sở NN &PTNT, kiểm soát nội bộ của từng HTX, doanh nghiệp, kiểm soát của từng hộ gia đình. Minh bạch hóa sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc có kiểm soát, cập nhật. Minh bạch hóa bộ tiêu chuẩn về nguồn gốc, chất lượng cảm quan, lý hóa của sản phẩm để thuyết phục người tiêu dùng nhận diện, tin dùng. Tăng cường quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, giao tiếp và đối thoại với khách hàng...
 
Ngay sau khi cá hồ thủy điện Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình”, lần đầu tiên một tuần lễ triển lãm và trưng bày các loại cá đặc sản của sông Đà được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 2 - 7/7/2018) thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô. Theo Bộ Công thương - đơn vị chủ trì tổ chức, các loại cá như: tầm, lăng, trắm đen... được nuôi thả trong môi trường nước sạch trên sông Đà sẽ được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống 15 siêu thị Big C tại các tỉnh miền Bắc. Cá sông Đà chất lượng đảm bảo, có đặc trưng không thể trộn lẫn với các loại cá khác. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà phân phối lớn như Big C, Aeon, Lotte Việt Nam, Saigon Co.op… để kết nối đưa nguồn hàng thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối trên cả nước. Đây là cơ hội cho sản phẩm đặc trưng được chứng nhận đảm bảo chất lượng của tỉnh vươn tới tiếp cận với người tiêu dùng cả nước.
 
                                                                                     Cẩm Lệ  

* 6 loại cá khai thác tự nhiên được chứng nhận nhãn hiệu cá "Sông Đà - Hòa Bình”: Bò, bống, chày, chép, lăng, ngần, ngạnh, nheo, quả, rô phi, tép dầu, ngão, trạch, trắm cỏ, trắm đen. 18 loại cá nuôi lồng được chứng nhận: Bống, chày, chép, chiên, diêu hồng, lăng, măng, ngạnh, nheo, nheo Mỹ, quả, dầm xanh, rô phi, tầm, trắm cỏ, trắm đen, trê lai, vược.

Khu vực sử dụng Nhãn hiệu gồm: xã Thái Thịnh, Trung Minh, Yên Mông, các phường: Tân Thịnh, Tân Hòa, Phương Lâm, Đồng Tiến (TP Hòa Bình); xã Hiền Lương, Đồng Nghê, Suối Nánh, Vầy Nưa, Mường Tuổng, Mường Chiềng, Cao Sơn, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Toàn Sơn, Tiền Phong (Đà Bắc); xã Thung Nai, Bình Thanh (Cao Phong); xã Phúc Sạn, Tân Mai, Ba Khan (Mai Châu); xã Ngòi Hoa, Trung Hòa (Tân Lạc); thị trấn Kỳ Sơn, xã Hợp Thịnh, Hợp Thành (Kỳ Sơn).

 


Các tin khác


Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc; Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục