(HBĐT) - Tận dụng tiềm năng về nguồn tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, nhiều hộ dân ở xã Miền Đồi (Lạc Sơn) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hướng đi được đánh giá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 120 hộ nuôi với gần 800 đàn ong. Chất lượng mật ong đảm bảo, sản lượng tăng dần, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu "Mật ong Miền Đồi”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.


Chia sẻ với chúng tôi, anh Bùi Văn Đậu ở xóm Thăn Dưới phấn khởi cho biết: "Mùa đông năm nay đến muộn hơn so với mọi năm, cuối tháng 12 dương lịch vẫn có nắng ấm. Do đó, một số hộ nuôi ong vẫn có thể thu mật để cung cấp cho thị trường. Đây là năm đầu tiên gia đình tôi bắt tay vào phát triển mô hình nuôi ong lấy mật nên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tình của các hộ nuôi ong trong xóm nên bước đầu làm thấy hiệu quả, thu về 60 lít mật, lợi nhuận đạt trên 10 triệu đồng. Chỉ là nghề phụ làm thêm cho thu nhập như vậy cũng tạm ổn".


Nghề nuôi ong lấy mật đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân xã Miền Đồi (Lạc Sơn).

Tìm hiểu cho thấy, Miền Đồi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nghề nuôi ong lấy mật như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn tài nguyên rừng phong phú, đa dạng. Ngoài mùa đông, 3 mùa còn lại trong năm ong đều có thể cho mật giúp các hộ gia đình có thu nhập. Trong đó, cao điểm nhất là từ tháng 3 - tháng 7 dương lịch, thời điểm hoa nở rộ. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành phong trào thu hút nhiều hộ dân trên địa bàn xã tham gia. Hiện nay, một số hộ đã phát triển mô hình nuôi ong với số lượng từ 30 - 40 đàn. Giá thành sản phẩm dao động từ 140.000 - 200.000 đồng/lít tùy từng thời điểm, lợi nhuận thu về khoảng 40 - 60 triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong phong trào nuôi ong ở Miền Đồi là hộ các ông: Bùi Văn Lương (xóm Báng), Bùi Văn Riểng (xóm Thăn Trên), Bùi Văn Mạnh (xóm Vôi Thượng)...

Tuy nhiên, sau thời gian phát triển "nóng”, vấn đề chính quyền xã trăn trở hiện nay là thị trường tiêu thụ. Hiện toàn bộ sản phẩm của người dân tiêu thụ tại thị trường tự do, bày bán tại các chợ vùng lân cận, chưa thực hiện được việc liên kết với các doanh nghiệp, công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi ong còn áp dụng kỹ thuật thủ công, chưa áp dụng KH-KT vào quá trình nuôi để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông Bùi Văn Khuỳn ở xóm Thăn Dưới cho biết: "Nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Đối với mùa lạnh cần đặc biệt lưu ý việc che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa thấm ướt vào thùng ong. Hiện nay, môi trường không khí khá ô nhiễm nên các đàn ong hay bị bệnh thối ấu trùng. Do đó, phải chú trọng việc phòng ngừa và điều trị bệnh cho đàn ong. Ngoài ra, cần chú ý chuyển đàn ong đến các vùng có nhiều hoa để ong hút mật. Công việc này thường làm trong đêm vì đàn ong đã về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và ít bị ảnh hưởng do thay đổi vùng khí hậu đột ngột. Bà con hiệnđã tích cực áp dụng kỹ thuật vào nuôi ong. Trước đây, việc thu mật được thực hiện bằng cách vắt mật từ bánh tổ ong, bây giờ sử dụng thùng để quay".

Trao đổi về định hướng phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Miền Đồi cho biết: "Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ thành lập HTX nuôi ong lấy mật để tạo điều kiện cho các hộ dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, hướng dẫn, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Bên cạnh đó, mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ vốn, giống, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện quảng bá và giới thiệu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu mật ong Miền Đồi trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương".


Đức Anh


Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục