(HBĐT) - Mùa này, khu rừng rộng lớn cả nghìn ha được điểm tô bởi sắc vàng của hoa vàng anh. Con suối Khú chảy hiền hòa, luồn lách dưới tán rừng như mạch máu nuôi dưỡng cánh rừng xanh tốt. Mặc dù, hành trình khám phá chỉ trong một ngày nhưng phải thừa nhận, khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, xã Thượng Tiến (Kim Bôi) như một "nàng tiên" chưa thức giấc.


Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến (Kim Bôi) có suối Khú kỳ vĩ giữa rừng đại ngàn với những tảng đá mấp mô và được dòng nước lũ mài nhẵn. 

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thượng Tiến có diện tích trên 6.000 ha, nằm ở 3 xã gồm: Kim Tiến, Thượng Tiến (Kim Bôi) và Quý Hòa (Lạc Sơn). Trong đó, xã Thượng Tiến nằm trong vùng lõi có diện tích lớn nhất với hơn 5.000 ha. Nhờ được bao bọc bởi "lá phổi xanh” này nên mảnh đất Thượng Tiến có không khí trong lành, với dòng suối Khú trong mát. Trong các xóm của Thượng Tiến, xóm Khú nằm ở xa và cao nhất và cũng là xóm có diện tích rừng rộng lớn nhất. 


Tìm về thượng nguồn suối Khú

Từ trụ sở UBND xã Thượng Tiến lên xóm Khú hơn 5 km. Tuyến đường này còn khá trắc trở, dù vậy, lãnh đạo UBND xã Thượng Tiến cho hay, con đường sẽ sớm được cứng hóa với mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng. Mùa này, dọc theo tuyến đường lên Khú, phía bìa rừng tràn ngập sắc vàng rực rỡ của cây vàng anh và sắc trắng tinh khôi của loại hoa rừng mà người dân địa phương gọi tên là tằng tuệ. Sau khoảng 30 phút di chuyển, xóm Khú hiện ra với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Khu ruộng bậc thang rộng cả chục ha với những bậc thang đều tăm tắp trở thành điểm nhấn thú vị ở bản Mường có 38 nóc nhà này. 

Từ xóm Khú, theo sự dẫn đường của người dân xã Thượng Tiến, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá. Ấn tượng đầu tiên là con đường rừng dày đặc những dấu chân, chạy sâu hun hút. Hai bên đường là những cây cổ thụ cao lớn, thân cây phải 2 - 3 người ôm mới xuể. Luồn sâu vào cánh rừng, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một con suối nhỏ chảy cắt ngang đường, đây là những nhánh nhỏ của con suối Khú. Nhìn những tảng đá lớn được mài nhẵn, có thể hiểu, vào mùa mưa, con suối dữ dằn đến nhường nào. 

Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã vào sâu trong rừng khoảng 2 km và bắt gặp một bãi đá rộng với những tảng đá lớn được mài nhẵn. Đó chính là lòng suối Khú. Mùa này, nước suối nhỏ nên để "hạ sơn”, dòng nước phải luồn lách qua những khối đá lớn. Điều thú vị ở con suối này là nhiều đoạn có bãi cát khá bằng phẳng, rất thích hợp để cắm trại hoặc dựng lều ngủ lại qua đêm. Lại có những đoạn suối bị những khối đá lớn chặn ngang dòng, tạo thành vũng nước rộng cả chục mét vuông và sâu ngập đầu người lớn nên người dân nơi đây vẫn ví von là những bể bơi tự nhiên trong rừng.
 
 Tiếp tục đi sâu vào rừng, chúng tôi dừng nghỉ ở một địa điểm ngay trên dòng suối Khú là bãi đá bằng phẳng. Dù đã thấm mệt sau 2 giờ đồng hồ luồn rừng, nhưng chị Bùi Kim Thanh, xã Hạ Bì (Kim Bôi) vẫn rất ấn tượng về trải nghiệm này. Chị Thanh chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được đến khu rừng này, cảnh sắc rất đẹp, càng vào sâu càng đẹp hơn. Giữa rừng có dòng suối chảy mát lành và còn nhiều tôm, cá. Nếu được đầu tư thành khu du lịch thì sẽ là điểm đến hấp dẫn”. 

Bắt cá suối, hái rau rừng giữa đại ngàn

Tại địa điểm chúng tôi dừng nghỉ, nhiều điều thú vị về khu BTTN rộng lớn được cảm nhận rõ nét. Đó là con suối chảy dài, hai bên là những cây cổ thụ, nứa rừng xanh tốt, đặc biệt những cây vàng anh đang độ khoe sắc hoa vàng rực rỡ. Phía trước là là một vũng nước rộng và sâu, nước trong xanh nhìn thấu đáy. Theo người dân địa phương cho biết, từ khi được biết đến, nhiều người đã vào đây khám phá. Tại đây, họ có thể bắt cá, đi hái rau rừng. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, hôm đó, chúng tôi được thưởng thức món cá suối nướng, gà nướng và những loại rau có sẵn trong rừng. Với những vạt nứa xanh tốt, ngoài cung cấp măng thì những cây nứa bánh tẻ còn trữ nước trong thân. Người dân địa phương vẫn dùng nước này để đun nước uống hoặc nấu cơm lam, với hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

Sau khi tham quan, vãn cảnh, chúng tôi quây quần ngồi thưởng thức bữa cơm ấm cúng giữa rừng cùng với những người dân địa phương chân chất, mến khách. Bữa cơm ở rừng không cần mang đũa, thìa, uống rượu ở rừng cũng không cần mang theo cốc, chén. Tất cả những thứ đó đều được tìm thấy ở rừng. Trong câu chuyện giữa đại ngàn, người dân Thượng Tiến đều thể hiện sự tự hào về khu rừng trù phú mà bao đời nay họ cùng nhau gìn giữ. "Nhiều người đến khám phá đều rất ấn tượng về vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của KBTTN Thượng Tiến. Nếu được đầu tư phát triển du lịch thì sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con” - chị Bùi Thị Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Tiến kỳ vọng.

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Tiến, được biết: Các cấp, ngành đã có chủ trương phát triển du lịch ở KBTTN Thượng Tiến. Hiện nay, Thượng Tiến cũng đang nỗ lực khôi phục, phát triển các đặc sản bản địa. Đồng thời, gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của người Mường, cũng như tiếp tục phối hợp với Ban quản lý KBTTN Thượng Tiến để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng. 

Do thời gian hạn hẹp, chúng tôi dừng hành trình khám phá khu rừng rộng lớn khi phía thượng nguồn suối Khú còn bao điều kỳ thú chờ đón. Đặc biệt là thác Tam Cấp cao vài chục mét với ba bậc thác quanh năm nước tung trắng xóa. Mặc dù hành trình khám phá chỉ trong một ngày, nhưng phải thừa nhận, KBTTN này quả là một "nàng tiên" chưa thức giấc giữa rừng đại ngàn hùng vĩ.

Viết Đào

Các tin khác


Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc; Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục