(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại (tăng 17 hồ chứa so với rà soát năm 2018), trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.



Công trình thủy lợi hồ Rộc Bách, xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập có 49 hồ lớn (dung tích từ 3 - 10 triệu m3 hoặc chiều cao từ 15 m trở lên), 151 hồ đập loại vừa (dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập từ 10 - 15 m), 274 hồ đập loại nhỏ (dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 hoặc chiều cao đập từ 5 - 10 m). Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 157 hồ chứa là các hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn tỉnh. Số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các HTX, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác.

Đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Qua báo cáo của các huyện, thành phố và Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2019. Tuy vậy, hiện tại, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ; một số công trình bị hư hỏng cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn.

Đánh giá chung về thực trạng an toàn đập cho thấy, trong 544 hồ chứa trước mùa mưa bão năm 2019 thì có 308 hồ, đập được vận hành bình thường ở mực nước thiết kế; 236 hồ, đập có một số tồn tại như thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn, rò rỉ cống lấy nước... Trong tổng số hồ, đập có hư hỏng thì 167 công trình cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới.

Hiện, toàn tỉnh có 35 công trình hồ chứa đang thi công và chuẩn bị thi công do Công ty Khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thành phố quản lý, trong đó, 22 công trình đã hoàn thành 100% khối lượng và làm thủ tục nghiệm thu, bàn giao; 5 công trình đang chuẩn bị đầu tư; 8 công trình thi công dở dang. Sở NN&PTNT đã có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo an toàn thi công đối với các công trình như hồ Đại, hồ Thiều, xã Thu Phong (Cao Phong); hồ Nà Thèm, hồ Khang Mời (TP Hòa Bình); hồ Lọng Sắng, xã Bao La (Mai Châu); hồ Ban, xã Mãn Đức và hồ Kem, xã Địch Giáo (Tân Lạc).

Đối với các công trình khác gồm bai dâng, trạm bơm, trạm thủy luân cơ bản hoạt động bình thường; có 58 công trình cần sửa chữa, nâng cấp do đã bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Với tư tưởng chỉ đạo là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm "4 tại chỗ'', vì vậy, trước mùa mưa lũ, các đơn vị đã chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch và kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng. Các huyện, thành phố cũng sớm triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2019, trong đó chú trọng chỉ đạo và thực hiện kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của địa phương để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai.

Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, các Ban quản lý dự án, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo khẩn trương xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đối với công trình đang thi công; xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các công trình hồ chứa đang hoạt động. Xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão năm 2019.

Theo đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, hiện nay đã vào mùa mưa lũ, các đơn vị cần có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo tiến độ, an toàn và quản lý tốt chất lượng đắp đập, tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa và đắp đất ướt vượt quá độ ẩm cho phép. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình hồ, đập đang thi công. Đối với những công trình thi công đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước, đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi công trình, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn...

 

Bình Giang

Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục