(HBĐT) - Sau trận mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa qua, Tân Minh là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề của huyện Đà Bắc. Trong đó, sạt lở đất khiến 2 hộ dân mất chỗ ở và nhiều hộ khác nơm nớp lo mất nhà nếu tiếp tục xảy ra những trận mưa lớn tương tự.

Một khối lượng lớn đất, đá, cây cối sạt lở vào căn nhà xây của gia đình ông Hà Văn Lan, xóm Cò Phày, xã Tân Minh (Đà Bắc) buộc hộ này phải di dời đến nơi ở mới.

Đến Tân Minh những ngày này là hình ảnh những con đường bị đứt đoạn bởi đất, đá trượt sạt từ các taluy và nỗi lo hiện rõ trên khuôn mặt những người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Theo thống kê của UBND xã, trận mưa lớn đã gây thiệt hại gần 7 ha lúa, khoảng 1,5 ha cây bồ đề và cây keo bị gãy đổ, nhiều ao cá, tuyến mương bị vỡ. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất xảy ra rất nghiêm trọng với 23 điểm sạt lở trên các tuyến giao thông; 2 nhà kiên cố bị hư hỏng nặng, buộc phải di dời người và tài sản; 35 hộ bị sạt đất từ trên taluy vào nhà.

Chúng tôi đến xóm Cò Phày, xóm có 2 hộ dân phải di dời ngay trong ngày đầu tiên xảy ra trận mưa lớn vì sạt lở đất. Dọc tuyến đường bê tông vào Cò Phày có nhiều điểm sạt lở taluy dương với đất, đá, cây cối nằm ngổn ngang giữa đường, chỉ có thể lách qua được bằng xe máy. Ông Hà Văn Ổn, công an viên xóm Cò Phày cho biết: Hai năm trước, trong xóm đã có nhiều hộ bị sạt lở đất vào nhà. Với loại đất cát pha, chịu khô hạn kéo dài nên khi mưa xuống, chỉ sau 1 ngày đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Hai hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất là hộ ông Hà Văn Lan và hộ anh Hà Văn Dương.

Cây cối đổ ụp vào tường phía sau nhà, còn trong nhà thì bùn đất vẫn còn nhão nhoẹt, lấp toàn bộ nền nhà, có đoạn ngập gần đầu gối người lớn - đó là hình ảnh tan hoang ở ngôi nhà xây của gia đình ông Lan. Những cánh cửa bằng nhôm kính mới lắp năm vừa rồi, nay được xếp ngổn ngang ngoài sân. Trong nhà, từ phòng khách đến phòng ngủ là lớp bùn sâu đặc quánh. Ông Ổn cho biết: Hoàn cảnh của gia đình ông Lan hết sức khó khăn, để có được căn nhà xây như hiện nay, vợ chồng ông Lan đã phải tích cóp nhiều năm, mỗi năm sơn sửa được một ít. Năm ngoái cũng đã bị sạt lở đất vào nhà nhưng do không có chỗ nào để chuyển, kinh tế lại eo hẹp nên gia đình họ khắc phục vẫn ở lại. Thế nhưng, lần này thì tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, không thể ở trong ngôi nhà này được nữa.

Phía sau nhà ông Lan, 1 ngôi nhà xây khác cũng có thể bị trôi xuống bất cứ lúc nào. Đó là ngôi nhà của hộ anh Hà Văn Dương, con trai ruột ông Lan. Hiện, công trình phụ và bờ kè sau nhà anh Dương đã bị trôi sạt, lộ trơ móng. Từ hôm sạt lở, vợ chồng anh Dương và 2 đứa con phải sang ở nhờ nhà hàng xóm. Hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ này cũng hết sức khó khăn. Sau nhiều năm đi làm ăn xa, anh Dương mới đổ được mái nhà kiên cố hơn 1 năm, nợ xây nhà đến nay vẫn chưa trả hết. "Bây giờ chuyển cũng không biết đi đâu, ngôi nhà này thì không ở được nữa, mưa xuống là bị sạt lở. Gia đình tôi rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền” - anh Dương ngậm ngùi.

Ngoài 2 hộ buộc phải di dời thì ở Cò Phày còn nhiều hộ dân khác cũng đang phải trụ lại bất đắc dĩ. Ví như hộ bà Xa Thị Mùi, năm ngoái, sạt taluy sau nhà vùi lấp 8 con lợn, đất tràn vào nhà bếp. Vừa rồi, tình trạng sạt lở lại tiếp tục xảy ra, đã 2 ngày nay, bà Mùi vẫn chưa dọn hết lớp đất sỏi chảy vào nhà bếp. "Hôm nào trời mưa to, gia đình tôi không dám ở trong nhà. Cũng muốn chuyển đến chỗ an toàn lắm chứ nhưng vùng cao, địa hình toàn đồi núi thế này thì biết chuyển đi đâu?” - bà Mùi lo lắng.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Do địa hình là đồi núi nên để bố trí tái định cư tập trung rất khó khăn. Chúng tôi vận động bà con đổi nhau những vị trí đất an toàn có thể làm nhà ở để chuyển đến. Trước mắt, UBND xã tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến của thời tiết để kịp thời có biện pháp đối phó, đảm bảo an toàn về tính mạng của nhân dân. Đồng thời, rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền đối với những hộ dân bị thiệt hại nặng để họ có chỗ ở an toàn, sớm ổn định cuộc sống.

Viết Đào


Các tin khác


Thời tiết ngày 4/5: Nhiều khu vực có mưa và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân Quốc gia, ngày và đêm 4//5, nhiều khu vực có mưa và dông, cục bộ có mưa to.

Thời tiết ngày 3/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 3/5, Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm.

Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc đã chấm dứt, trời chuyển mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo, mưa dông sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 4/5, sau đó sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng.

Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc; Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục