(HBĐT) - Đầu tháng 3/2020, phóng viên Báo Hòa Bình liên tục nhận được các cuộc gọi "kêu cứu” của người dân và cán bộ xóm Lựng, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) về tình trạng ô nhiễm từ trang trại nuôi lợn, làm đảo lộn cuộc sống. Ngày 10/3, chúng tôi đã về xóm Lựng. Đây là xóm giáp ranh với xóm Dứng Ổi, xã Kim Bôi, nơi có trại nuôi lợn quy mô 6.000 con/lứa.


Bà Bùi Minh Hằng và anh Bùi Văn Lọi ở xóm Lựng, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) kiểm tra nước giếng có mùi hôi, tanh.

Được biết, khu trại lợn này có tổng diện tích 39.777,7 m2, nằm phía trên khu đồng Khét, dưới chân núi Đang - Khơng, có con suối Lựng chảy qua. Trước đây, khu đất trên được phê duyệt để triển khai dự án trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản. Chủ đầu tư không thực hiện được và đã chuyển cho người khác thuê làm trang trại lợn với thời hạn 50 năm.

Đưa chúng tôi đi dọc con suối Lựng, ngược lên khu đồng Khét, Trưởng xóm Lựng, xã Cuối Hạ Bùi Văn Đích bức xúc: Trang trại lợn nằm ở ngay chân núi đá, được coi như đầu nguồn nước của suối Lựng. Địa điểm đặt trại lợn là địa phận xóm Dứng Ổi, xã Kim Bôi nhưng xóm Lựng, xã Cuối Hạ phải hứng chịu ô nhiễm nặng nề. Xóm có 140 hộ, chia thành 5 cụm dân cư. Tất cả xóm đều bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, mùi khét tùy mức độ, nhất là vào buổi chiều và khi tiêu hủy lợn. Riêng cụm Mòi, đặc biệt là 5 hộ nằm dọc theo suối bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ sau Tết Nguyên đán, nước giếng của người dân có mùi hôi không thể sử dụng, phải đi xin từng can. Từ khi có trại lợn, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Mong cơ quan chức năng vào cuộc, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Nước và không khí là nguồn sống, nếu không cải thiện có khi người dân phải bỏ làng.

Đi vào hoạt động từ năm 2014, ngay trong năm đó, trại lợn tại xóm Dứng Ổi, xã Kim Bôi (xã Kim Truy cũ) đã gây ô nhiễm, người dân phải viết đơn kiến nghị cấp thẩm quyền. Sau đó, chủ trại lợn đã khắc phục xây đường ống dẫn nước thải đi qua khu dân cư và có cải thiện hơn. Song, đến nay, người dân lại tiếp tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm.

Theo quan sát của phóng viên, hệ thống dẫn nước thải từ trại lợn được xây bằng gạch bê tông, cách đoạn có bể lắng nhưng không có nắp đậy, mùi hôi thối. Thân bể lắng có nối ống ra, mà theo phản ánh của người dân, có lúc nước thải tràn ra suối, ruộng.

Gia đình bà Bùi Minh Hằng nằm ở khu lạch Mòi, ngay sát suối Lựng từ sau Tết đã không dám dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt. Bà dẫn chúng tôi ra quan sát dòng suối chảy qua ngay trước vườn. Cách nhà bà chừng 100 m có khe nước ngầm chảy từ trên cánh đồng xuống suối Lựng màu đen, mùi hôi thối. Đây được cho là nước từ hệ thống nước thải của trang trại lợn. Bà Hằng cho hay: Trước đây, suối Lựng trong xanh, cá tôm nhiều, giờ thành suối chết, đổi màu, không ai dám rửa chân, tay. Giếng khoan sâu 20 m mà nước bơm lên vẫn mùi hôi, tanh. Gia đình tôi có 2 mẹ con, cứ 3 ngày phải đi xin nước một lần, mỗi lần 20 can loại 20 lít và 2 thùng, phải nhờ nhà hàng xóm đi chở hộ, dùng rất tiết kiệm. Cuộc sống bị đảo lộn. Cơ quan chức năng hãy vào cuộc "cứu” người dân chúng tôi.

Gia đình anh Bùi Văn Lọi, hàng xóm nhà bà Hằng ở xóm Lựng cũng chung tình trạng trên. Nhà gần suối, anh không dám đào giếng gần nhà vì sợ ô nhiễm, ra tận góc vườn cách nhà chừng 50 m đào mà vẫn có mùi hôi tanh. Gia đình có 6 người, ngày nào anh cũng phải đi xin 20 can nước để dùng.

Cũng trong ngày 10/3, chúng tôi đã đem những ý kiến của người dân và ghi nhận thực tế trao đổi với lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Kim Bôi, đồng chí Bùi Duy Hưng, Phó trưởng Phòng cho biết: Người dân tại các xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Cuối Hạ và thị trấn Bo, nơi có trại chăn nuôi lợn tập trung đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại cuộc tiếp xúc cử tri. Huyện đã xây dựng Kế hoạch số 17/KH-UBND, ngày 10/2/2020 về việc kiểm tra các trại lợn từ ngày 12 - 20/2/2020, trong đó có trại tại xã Kim Bôi nhưng chưa tiến hành được. Trước ý kiến phản ánh của người dân, việc kiểm tra sẽ sớm được tiến hành.

Cẩm Lệ

Ngay sau ngày phóng viên về xóm Lựng, xã Cuối Hạ phản ánh tình hình ô nhiễm môi trường từ trại lợn, ngày 11/3/2020, đoàn kiểm của huyện do đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đã về xóm kiểm tra thực tế trại lợn do bà Trần Ngọc Quỳnh Chi làm chủ. Theo biên bản làm việc, đoàn ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ trại lợn là đúng thực tế. Trưởng đoàn Lê Đức Hùng đã kết luận như sau: Chủ trại lợn hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại, ảnh hưởng do nguồn nước bị ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi của trại lợn. Khắc phục ngay các tồn tại, nước thải gây ô nhiễm suối khu vực xóm Lựng. Căn cứ kết quả phân tích nước thải để có căn cứ xử lý hành chính theo đúng quy định. Đề nghị giảm số lượng lợn nuôi để khắc phục các công trình xử lý môi trường. Hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường. Trước ngày 30/8/2020, chủ trại phải hoàn thành xong các công trình xử lý môi trường đạt yêu cầu theo quy định. Sau thời gian trên, nếu không được xác nhận hoàn thành theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt sẽ có biện pháp đình chỉ hoạt động chăn nuôi.

 


Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục