(HBĐT) - Trong tỉnh, phần lớn hồ chứa nước được xây dựng, đưa vào sử dụng lâu năm, do vậy, nhiều hồ hư hỏng, xuống cấp, cần được nâng cấp, sửa chữa. Hàng năm, trước khi vào mùa mưa lũ, Sở NN&PTNT tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và hệ thống công trình thủy lợi, nhằm đánh giá thực trạng công trình để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.



Hồ Đồng Chụa, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình), tràn hẹp không kịp thoát lũ, thân đập bị thấm, cần được nâng cấp, sửa chữa.

Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập, có 49 hồ lớn, 151 hồ, đập loại vừa, 274 hồ, đập loại nhỏ.

Báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2020. Tuy vậy, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ. Một số công trình hư hỏng cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn. Theo rà soát, hiện có 197 hồ hư hỏng, xuống cấp, 36 hồ đang sửa chữa, 311 hồ hoạt động bình thường. Số lượng hồ, đập hư hỏng, xuống cấp chiếm 36,2% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, nhưng do khó khăn nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Hàng năm, các đơn vị quản lý, khai thác phải gia cố, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.

Công trình hồ Trùa Bụa, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) hiện sân tiêu năng đường tràn bị hư hỏng toàn bộ, nước cuốn trôi; 2 bên tà luy đất tiếp tục bị xói mòn, sạt lở, ảnh hưởng đến đường lên hồ và hoa màu của người dân. Hồ Ngọc Lương 2, xã Ngọc Lương (Yên Thủy), mái thượng lưu lát đá hộc bị hư hỏng, sạt lở; gần cống số 2 thấm thân đập dài 100m; tràn xả lũ bị xói lở hàm ếch và rò rỉ qua thân đập. Hồ Mẹ, hồ Đảng ở xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) các hạng mục công trình hư hỏng nặng, mặt đập nhỏ, sạt nhiều đoạn; mái đập thượng lưu sạt lở lấn sâu vào thân đập, làm thân đập nhỏ, không có khả năng phòng lũ. Lòng hồ bùn cát lắng đọng nhiều; tuyến tràn bằng đất, lòng tràn nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát nước vào mùa mưa...

Từ đầu tháng 4 đến nay, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Xa Văn Vững cho biết: Dông lốc, mưa đá, mưa to không chỉ gây thiệt hại lớn về nhà cửa, lúa, hoa màu, cây ăn quả của người dân, mà một số công trình giáo dục, giao thông, thủy lợi cũng bị hư hỏng. Đợt mưa lớn từ ngày 12 - 13/4 đã làm bai suối Khòn ở xóm Lăm bị gẫy, vỡ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn xã có hồ Cang, hiện lòng hồ bồi lấp đất, đá; bờ hồ nhiều điểm sụt, sạt; đập dâng nước bị vỡ, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Tại xóm Kem có đập đất đã hư hỏng. Xã rất mong được tỉnh bố trí kinh phí xây mới và sửa chữa các công trình thủy lợi này, để phục vụ sản xuất và cuộc sống của bà con.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra công tác PCTT và hệ thống công trình thủy lợi trước mùa lũ bão 2020 của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh đang có 138 hồ, đập, bai và công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 123 hồ, đập chứa nước thủy lợi. Các hồ, đập bị hư hỏng ở các hạng mục như: thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… Những công trình này cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 856.050 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong tỉnh có 73 công trình thực hiện khắc phục hư hỏng do thiên tai gây ra năm 2018 - 2019, gồm 46 công trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách T.Ư, 15 công trình từ nguồn Quỹ PCTT, 12 công trình từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đến nay, có 12 công trình đang thi công, đạt tiến độ từ 10 - 95% khối lượng; 59 công trình đã hoàn thành. Các công trình đang thi công cần được tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, để đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ năm 2020 .

Để chủ động PCTT trong mọi tình huống và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi tại các cấp, theo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cần chỉ đạo khẩn trương lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đối với công trình đang thi công; lập phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các công trình hồ chứa đang hoạt động. Xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án và phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão 2020.

Đối với các hồ, đập đang thi công, cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục chính đảm bảo cao trình chống lũ; không tích nước hồ và cắt xẻ đập sau ngày 15/5/2020. Trường hợp thi công trong mùa mưa, các đơn vị phải có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo tiến độ, an toàn và quản lý tốt chất lượng đắp đập, tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa và đắp đất ướt vượt quá độ ẩm cho phép.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và xây dựng các công trình, đặc biệt là các công trình hồ, đập đang thi công như: hồ Suối Chua, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn); hồ Tập Tượng, xã Hợp Phong và hồ Bãi Bông (Cao Phong). Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục đầu tư và triển khai thi công đảm bảo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đối với các công trình đã được bố trí vốn tại Quyết định số 545/QĐ-UBND, ngày 19/3/2020 của UBND tỉnh.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đề nghị, đối với những công trình thi công đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước, đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi công trình, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn. Đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình hồ chứa nước để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2020...


Bình Giang


Các tin khác


Chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự ban hành Công văn số 89/CV-BCH ngày 26/4/2024 về chủ động ứng phó với mưa dông, lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh trong thời gian tới.

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Bờ trái sông Đà

Sáng 26/4, tại Công ty TNHH Long Bình Electronics thuộc khu công nghiệp (KCN) Bờ trái Sông Đà (TP Hòa Bình), Ban quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức diễn tập phương án PCCC&CNCH. Tham gia diễn tập có đại diện 30 doanh nghiệp tại KCN bờ trái sông Đà và KCN Bình Phú (TP Hoà Bình)...

Thời tiết ngày 26/4: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/4, phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục