(HBĐT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, Hòa Bình là một trong những địa phương nằm trong tâm điểm của đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, với nền nhiệt có ngày lên tới gần 40oC. Đối với nhiều hộ dân các xóm: Trại Hòa, Đầm Đa, Đồng Bưởi, xã Cao Sơn (Lương Sơn), nắng nóng càng trở nên gay gắt, tồi tệ hơn khi cứ vào giờ cao điểm thì điện mất, quạt không quay.


Để ổn định điện áp, gia đình anh Hoàng Văn Tuyến, xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn) 
phải đầu tư ổn áp lioa.

Cuộc sống không điện dưới cái nóng 38oC

Những ngày đầu tháng 6, thời tiết 38oC, trong căn nhà nhỏ lợp proximăng, nhiệt độ có lẽ chả khác ngoài trời là bao. Hơn 11h, chiếc quạt máy của gia đình bà Nguyễn Thị Lan, xóm Trại Hòa quay lờ đờ, cuối cùng cũng ngừng hẳn. 6 người trong gia đình bà Lan đóng kín cửa, trải chiếu xuống nền xi măng, phe phẩy chiếc quạt mo, cố gắng chợp mắt để quên đi cái nóng hầm hập như thiêu đốt ngoài trời. Bà Lan cho biết: Bắt đầu vào mùa hè, cả nhà khốn khổ vì điện yếu quạt không quay được. Cả nhà có 3 chiếc quạt máy, nhưng họa hoằn lắm mới có thể dùng đủ cả 3 chiếc vì điện yếu, thành ra, chỉ tập trung quanh chiếc quạt nhỏ, mà vào giờ cao điểm thì cũng không đủ điện để bật. Buổi tối, gia đình thường xuyên phải dùng bóng đèn tích điện, hoặc chiếc đèn kỳ vốn dùng để thắp sáng trên bàn thờ. 

Cạnh nhà bà Lan, hộ bà Nguyễn Thị Sinh cũng trong tình cảnh tương tự. Ở cuối nguồn điện, nên mặc dù hệ thống dây điện đã thay mới, cột điện cách nhà không xa, nhưng nhà bà Sinh vẫn thường xuyên trong cảnh điện đóm phập phù. Bà Sinh cho biết: Có những ngày đang trưa, nóng hầm hập 38oC thì mất điện, có điện quạt cũng không chạy được. Ti vi hầu như không được xem vì cứ tầm 18-19h, giờ cao điểm, gần như toàn bộ hệ thống điện trong nhà không thể hoạt động. Trước khoảng 20-21h là điện ổn định, nhưng dạo này nóng, nhiều nhà dùng điều hòa nên có hôm 22h, điện mới ổn định. Để chống chọi với cái nóng, gia đình buộc phải mua một chiếc bình ắc quy đề phòng mất điện hàng ngày. 

Còn đối với gia đình anh Hoàng Văn Tuyến, cũng ở xóm Trại Hòa, đường điện chập chờn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, mà còn gây thiệt hại khá nặng về kinh tế. Có một gian hàng vừa bán đồ tạp hóa vừa bán đồ giải khát, gần như gia đình anh Tuyến phải dùng tủ bảo quản 24/24h. Tuy nhiên, do điện chập chờn, nhiều ngày, các loại nước giải khát, kem, sữa chua, đồ đông lạnh bị hỏng vì tủ mất điện. "Không những hỏng hàng, do chất lượng nguồn điện không đảm bảo, bị sặc ga đã làm hỏng mấy tủ bảo quản, cực chẳng đã, gia đình phải lắp thêm bộ lioa để ổn định nguồn điện" - anh Tuyến cho biết. 

Được biết, không chỉ hộ dân xóm Trại Hòa, mà nhiều hộ ở các xóm: Đầm Đa, Đồng Bưởi, Suối Mu... cũng trong tình trạng tương tự. Ông Bùi Văn Ba, Trưởng xóm Đầm Đa cho biết: Xóm có 135 hộ, với những hộ ở cuối nguồn điện, cách khoảng hơn 100 m điện rất yếu, có những buổi chiều mất điện đến 3 - 4 lần, trong thời tiết oi nóng như thế này rất khổ, nhất là với các cháu nhỏ. Nguyên nhân không phải do đường dây xuống cấp, mà do trạm biến áp (TBA) đã quá tải, không đủ để cung cấp điện năng cho các hộ dân. 

3 trạm biến áp đã xuống cấp 

Thực tế, nguyên nhân điện yếu là do hệ thống TBA ở khu vực này trong tình trạng quá tải, không đủ đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo của HTX Điện năng Hợp Hòa, trên địa bàn xã Cao Sơn có 3 TBA trong tình trạng quá tải, bán kính cấp điện xa, điện áp không đảm bảo để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Trong đó, 1 TBA UBND 180 kVA đã được đầu tư khá lâu, cung cấp điện cho các xóm Đầm Đa, Trại Hòa, với gần 250 hộ. Tuyến đường dây 0,4 kV cấp điện cho các hộ xóm Trại Hòa bán kính trên 2 km, nên điện áp không đảm bảo. Trong khi đó, khu vực này lại có các trường học, trạm trại, điện áp chỉ đạt 150 - 160V, học sinh không học được, ngày nhảy áp 4 - 5 lần. 

Ngoài ra, trên địa bàn xã có 2 TBA Suối Cỏ và Suối Cốc cùng trong tình trạng quá tải, ngày nhảy áp 4 - 5 lần, bán kính cấp điện lên đến 2 km. Các tủ thao tác tại các trạm này cũng đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho việc quản lý, vận hành. 

Đồng chí Đinh Công Hân, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng điện yếu như hiện nay, xã đề nghị UBND huyện Lương Sơn xem xét để Điện lực Lương Sơn tiếp quản hệ thống đường điện xã Cao Sơn, không qua HTX dịch vụ điện năng. Như vậy, Điện lực sẽ có giải pháp và phương án đầu tư TBA, hệ thống đường điện đảm bảo cho bà con, đặc biệt trong mùa nắng nóng đã đến, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân. 


Phương Linh

Các tin khác


Chủ động giải pháp cấp điện ổn định dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Để đảm bảo vận hành lưới điện ổn định, an toàn trong kỳ nghỉ lễ mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, khắc phục tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện.

Chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự ban hành Công văn số 89/CV-BCH ngày 26/4/2024 về chủ động ứng phó với mưa dông, lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh trong thời gian tới.

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Bờ trái sông Đà

Sáng 26/4, tại Công ty TNHH Long Bình Electronics thuộc khu công nghiệp (KCN) Bờ trái Sông Đà (TP Hòa Bình), Ban quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức diễn tập phương án PCCC&CNCH. Tham gia diễn tập có đại diện 30 doanh nghiệp tại KCN bờ trái sông Đà và KCN Bình Phú (TP Hoà Bình)...

Thời tiết ngày 26/4: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/4, phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục