(HBĐT) - Những năm gần đây, cứ đến mùa mưa bão, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại chịu thiệt hại nặng nề về nhà ở, sản xuất, công trình công cộng, thậm chí cả tính mạng người dân. Trên địa bàn thường xảy ra một số loại hình thiên tai là dông lốc, sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét... do địa hình vùng cao, độ dốc lớn, xã lại có những con suối lưu lượng nước khá lớn như: suối Chum, suối Nhạp... Bình thường đây là nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Song mỗi khi có mưa to, những con suối này trở thành mối nguy hại rất lớn, đe dọa đến sự an toàn. Thiên tai khiến cuộc sống của nhiều hộ ở xã đặc biệt khó khăn này càng thêm khốn khó.


Mưa lũ, nước chảy xiết khiến sân tiêu năng bai Luông ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) bị lật tung.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Chum bị ảnh hưởng khá lớn do thời tiết cực đoan. Dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh trong tháng 4, 5 khiến trên 220 hộ bị hư hỏng nhà ở, hơn 100 ha lúa, ngô và gần 50 ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả bị dập nát, gãy đổ, nhiều diện tích gần như mất trắng. Một số cột đèn chiếu sáng sân vận động, nhà văn hóa xóm bị đổ, tốc mái. Mưa to kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão cũng làm sạt lở một số điểm giao thông, vùi lấp kênh mương. Nặng nề nhất là do lũ to, nước chảy xiết đã làm đứt gãy, lật tung sân tiêu năng bai Luông ở xóm Nà Lốc. Đây là công trình thủy lợi cung cấp nước cho toàn bộ khu trung tâm xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Chum Xa Văn Tâm cho biết: Rất may không có mất mát về người, song thiên tai đã tác động lớn tới sản xuất, cuộc sống của người dân. Hiện, cả 6/6 xóm của xã đều có điểm nguy cơ thiên tai cao, 45 hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất, đá. Mỗi khi có thông tin về mưa bão, các hộ lại nơm nớp nỗi lo sạt lở. Xã rất mong được các cấp, ngành chức năng về khảo sát, quy hoạch xây dựng khu tái định cư giúp bà con ổn định cuộc sống.

Qua tìm hiểu được biết, hiện Đồng Chum có bai mương Nà Luồng, bai mương Thằm Nắm bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; cống tiêu lũ xóm Nà Lốc tiết diện nhỏ, không đủ chức năng tiêu lũ cần được xây mới toàn bộ. Xã cũng cần được đầu tư đường ống dẫn nước suối Ót đến Na Toàn, xóm Nhạp, bởi đây là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho 15 ha đất lúa ở xóm Nhạp. Ngoài ra, xã mong muốn được đầu tư kênh thoát lũ đảm bảo dung lượng ở địa phận giữa xóm Nà Lốc với Cọ Phụng. Nơi đây mỗi khi mưa to là đất, đá tràn xuống ruộng và nhà dân, nếu đầu tư xây dựng công trình vừa có vai trò chắn lũ, vừa phục vụ sản xuất.

Trước thực tế thiên tai luôn thường trực, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại và khắc phục khẩn trương, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, đồng thời xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020. Theo đó, xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai; việc nhận biết và cách ứng phó với các loại hình thiên tai thường gặp; tăng cường thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai xuống thôn, xóm, nhóm dân cư, đặc biệt là các hộ đang sinh sống, sản xuất tại khu vực có nguy cơ cao để chủ động phòng tránh. Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các xóm tích cực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ nhằm phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu. Đồng thời chủ động kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, công trình thủy lợi để đề xuất sửa chữa hư hỏng.

Phó Chủ tịch UBND xã Xa Văn Tâm cho biết thêm: Trong mùa mưa bão, xã tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h. Khi có mưa to kéo dài, bộ phận thường trực đảm bảo trực 100% quân số, phân công người canh gác, không cho người dân qua lại ở các ngầm và đoạn đường có nguy cơ lở đất, đá lăn. Xã vận động Nhân dân phát quang, khơi thông dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế việc tiêu thoát nước; cắm biển cảnh báo những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao. Đồng Chum đang nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân thực hiện "quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng".


Bình Giang


Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục