(HBĐT) - Tại hoạt động giao lưu các câu lạc bộ lập trình toàn quốc do Quỹ Dariu tổ chức tại Lâm Đồng, dự án "Cảnh báo lũ và sạt lở đất” của nhóm học sinh trường TH&THCS Nà Phòn (Mai Châu) vinh dự đạt giải nhì. Điều đáng quý các em đều là người dân tộc Thái, có em thuộc diện hộ nghèo, mồ côi cha từ bé.



Dự án "Cảnh báo lũ và sạt lở đất” của nhóm học sinh trường TH&THCS Nà Phòn (Mai Châu) đạt giải nhì giao lưu các câu lạc bộ lập trình toàn quốc do Quỹ Dariu tổ chức.

Tự tin trò chuyện, em Hà Thị Thu Hường, học sinh lớp 9, trường TH&THCS Nà Phòn cho biết: Khu vực xã Nà Phòn chúng em sinh sống là miền núi, nhiều sông suối, nhiều đoạn đường giao thông phải đi qua suối, ngầm tràn. Vào mùa mưa lũ, lũ suối và sạt lở đất xảy ra bất ngờ, thường xuyên gây tai nạn, thiệt hại về người và phương tiện. Từ thực tế đó, cùng với kiến thức học được, sự hỗ trợ của thầy cô, chúng em đã lên ý tưởng và triển khai thực hiện dự án "Cảnh báo lũ và sạt lở đất”, với mong muốn giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở khu vực miền núi.

Khi mưa lớn nước về, do dòng chảy hẹp nên lũ về rất nhanh, lũ suối thường có tốc độ khoảng 5 m/s, rất khó phát hiện khi nào lũ về qua ngầm tràn. Do đó, các em đã quyết định xây dựng mô hình cảnh báo lũ, đặt cảm biến dòng chảy tại thượng lưu cách ngầm tràn khoảng 2 km. Như vậy, từ đỉnh lũ chảy từ vị trí đo đến ngầm tràn mất khoảng 7 phút, đảm bảo đủ thời gian cho người và phương tiện không qua ngầm. Em Hà Mạnh Hùng cho biết: Mô hình của chúng em đặt tại vị trí đo, đặt cảm biến dòng chảy để xác định lưu lượng nước, truyền tín hiệu đến vi xử lý. Căn cứ vào tín hiệu cảnh báo, đèn sẽ bật xanh để người qua lại bình thường, bật vàng để người và phương tiện hạn chế qua lại và bật đỏ, đồng thời gác chắn sẽ được hạ xuống để người và phương tiện không qua lại được. Khi dòng chảy về mức bình thường thì gác chắn mở và đèn xanh bật sáng, người và phương tiện qua lại bình thường. Toàn bộ hệ thống sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và ắc quy để phù hợp với địa bàn miền núi. Trên mô hình này, chúng em sử dụng quạt gió thay dòng nước tác động đến cảm biến dòng chảy để biểu diễn tính năng của mô hình. Khi thay đổi tốc độ quạt gió, mô hình sẽ đưa ra các mức cảnh báo, tín hiệu đèn khác nhau và hướng xử lý khác nhau.

Trên cùng nguyên lý đó, các em đã nghiên cứu lắp đặt cảm biến sạt lở đất tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Khi có hiện tượng sạt lở, cảm biến sạt lở truyền tín hiệu về bộ xử lý để hệ thống đèn nhấp nháy hoặc bật đỏ, loa tại khu dân cư sẽ phát báo động tùy theo mức độ để người dân biết, sơ tán người và tài sản.

Trong quá trình triển khai dự án, các em gặp không ít khó khăn như: Cả 5/5 em tham gia dự án đều là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Các em không có máy tính ở nhà, việc tra cứu, tìm kiếm thông tin đều phải thực hiện tại trường. Hay khó khăn trong việc tìm kiếm, mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, các em nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, thầy cô giáo, Ban giám hiệu nhà trường. Kết quả giải nhì tại giao lưu các câu lạc bộ lập trình toàn quốc tại Lâm Đồng hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của thầy, trò nhà trường. Thành công này của các em góp phần khuyến khích phong trào sáng tạo KHKT trong học sinh dân tộc thiểu số nói riêng, học sinh tỉnh ta nói chung.

Dương Liễu

Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục