(HBĐT) - Liên tiếp những trận mưa to kéo dài trong khoảng thời gian cuối tháng 5 vừa qua trên địa bàn xã Sơn Thủy (Mai Châu) khiến nhiều khu vực đặt trong tình trạng báo động, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Theo rà soát, mưa lớn đã làm sụt lún, sạt lở 18 m3 đất, đá xuống các tuyến đường giao thông; 1.500 m2 hoa màu bị vùi lấp, gió to gây gãy đổ 1,5 ha ngô; 112 hộ sinh sống tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
Đường giao thông tại xóm Sạn Sộp, xã Sơn Thủy (Mai Châu) bị đất, đá vùi lấp sau những trận mưa lớn kéo dài cuối tháng 5/2022.
Khảo sát thực tế tại xóm Sạn Sộp, khu vực bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn kéo dài. Anh Bùi Văn Thanh, người dân trong xóm cho biết: "Trong những ngày cuối tháng 5, mưa liên tục về đêm khiến nước từ trên đồi cao chảy xối xả cuốn theo đất, đá và cây cối. Hàng ngày di chuyển qua khu vực này, người dân thực sự lo sợ bởi bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra sạt lở vì nền đất yếu, đồi núi có độ dốc cao. Đặc biệt vào buổi tối và đêm tuyệt đối không nên di chuyển qua khu vực này”.
Xã Sơn Thủy có trên 4.000 nhân khẩu, 1.024 hộ, trong đó có đến 618 hộ nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sinh sống tập trung tại các xóm: Suối Nhúng, Mó Rút, Gò Lào, Phúc. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở đất được xác định do địa bàn đồi dốc, đa phần là đồi núi cao. Do thiếu mặt bằng xây dựng nhà ở, dân cư sinh sống chủ yếu ven các sườn đồi hoặc dọc theo bờ suối Gò Lào và So Lo. Toàn xã hiện có 3 cầu, ngầm tràn được đầu tư xây dựng là những tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông với vùng trung tâm huyện. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa lớn, nước suối đổ về tràn qua mặt ngầm cản trở phương tiện lưu thông, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các tuyến tỉnh lộ 450, 432 thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trong mùa mưa bão.
Đợt mưa lũ lịch sử năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức di dời trên 30 hộ dân đến nơi ở mới an toàn. Hiện nay, xã tiếp tục rà soát, đề nghị chính quyền các cấp và các ngành liên quan hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng 4 khu tái định cư tại chỗ cho các xóm: Phúc, Gò Lào, Suối Lốn, Mó Rút.
Xác định những khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa thiên tai, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã kiện toàn, triển khai kế hoạch cụ thể đến từng thành viên để bám sát tình hình thực tế tại cơ sở. Huy động xây dựng lực lượng xung kích 65 người, bao gồm dân quân tự vệ, công an, trưởng xóm và Nhân dân trên địa bàn. Thành lập các tổ kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu xây dựng các giải pháp hiệu quả, kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã quán triệt các lực lượng thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ". Huy động nhân lực, vật lực nhanh chóng di dời người và tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Duy trì chế độ trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu, xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ. Phân công cán bộ chốt chặn tại các điểm cầu, ngầm tràn, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở để nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông.
Đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, liên tiếp xuất hiện mưa dông, đặc biệt mưa rất to về đêm. Thời gian tới, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo kế hoạch, triển khai đến cơ sở và người dân. Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức rà soát các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn lưu thông trong mùa mưa bão. Từ đó quyết tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhân dân, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh
(HBĐT) - Trong mùa mưa bão, những sự cố về điện rất dễ xảy ra, gây gián đoạn cung cấp điện và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện. Thời gian qua, Điện lực thành phố Hòa Bình đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, kịp thời khắc phục khi xảy ra sự cố mất điện.
(HBĐT) - Chiều 28/9, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, do mưa lớn, mực nước trên sông Bôi tại trạm Hưng Thi (Lạc Thủy) đã đạt đỉnh là 1.380 cm lúc 14 giờ ngày 28/9/2023. Lúc 15 giờ ngày 28/9 là 1.376 cm, cao hơn báo động III là 73 cm.
(HBĐT) - Hồi 15h20' ngày 28/9, các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh Bùi Văn T, sinh ngày 10/11/1982, trú tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Trước đó, hồi 15h ngày 27/9, anh T đi ra suối Bưng và bị nước lũ cuốn mất tích. Nhận được thông tin, Công an huyện và Ban Chỉ huy quân sự huyện Cao Phong đã tổ chức lực lượng cùng cán bộ UBND xã Thu Phong, xã Bắc Phong và thị trấn Cao Phong đi dọc suối Bưng tìm kiếm.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.