(HBĐT) - Đó là thực tế các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương và UBND tỉnh nhìn nhận, đánh giá về hiệu quả hoạt động của các dự án khai thác khoáng sản (KTKS) đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thời gian qua.


Nhiều mỏ khai thác đá tại xã Cao Dương (Lương Sơn) có khoảng cách chưa đảm bảo an toàn đối với 
các hộ dân sống quanh khu vực. 

Hiệu quả kinh tế không nhỏ

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 91 dự án được cấp giấy phép KTKS còn hiệu lực và 1 dự án khai thác đá vôi làm VLXD thông thường, đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng, chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án. Huyện Lương Sơn có số dự án KTKS nhiều nhất với 47 dự án, chiếm 51,64%; TP Hòa Bình 7 dự án, các huyện: Kim Bôi, Yên Thủy mỗi huyện 6 dự án; Cao Phong, Lạc Sơn, Lạc Thủy mỗi huyện 5 dự án; Đà Bắc, Tân Lạc mỗi huyện 4 dự án; Mai Châu 2 dự án. Tổng trữ lượng khoáng sản đã cấp phép là 386.192.192 m3, tổng công suất khai thác 11.718.015 m3/năm, trong đó, trữ lượng đá làm VLXD thông thường 328.182.326 m3/năm, công suất khai thác 9.227.981 m3/năm (riêng trữ lượng đá vôi làm VLXD thông thường tại huyện Lương Sơn là 248.766.833 m3, công suất 7.596.102 m3/năm). Theo dự báo nhu cầu khoáng sản đá làm VLXD trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) lập (đang chờ tích hợp quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch) dự báo nhu cầu đá làm VLXD thông thường của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là 18.389.000 m3/năm (khu vực huyện Lương Sơn có nhu cầu khoảng 14.528.000 m3/năm).

Nhìn chung, các dự án khai thác đá làm VLXD thông thường đã mang lại những hiệu quả nhất định về phát triển KT-XH. Sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sản xuất với khoảng 2.500 công nhân (1.349 người là lao động ổn định, 1.151 người là lao động thời vụ), có khoảng 2.000 người là lao động địa phương, chiếm 80%; thu nhập bình quân người lao động khoảng 120 triệu đồng/năm. Quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ, giúp đỡ địa phương nâng cấp, làm mới khoảng 200 km đường giao thông nông thôn, thực hiện công tác xã hội như ủng hộ làm nhà tình nghĩa, quỹ khuyến học, gia đình thương binh, liệt sỹ gặp khó khăn và các phong trào văn hóa tại địa phương. Đặc biệt, từ năm 2014 - 2022, các công ty thực hiện dự án khai thác VLXD đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp ngân sách Nhà nước trên 1.045,713 tỷ đồng. Trong đó, trên 252,585 tỷ đồng thuế tài nguyên, trên 86,092 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường, trên 131,183 tỷ đồng tiền thuê đất, trên 348,544 tỷ đồng tiền cấp quyền KTKS, trên 227,307 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, đóng góp đáng kể cho phát triển KT-XH địa phương.

Tác động, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân

Đó là thực tế đã, đang diễn ra tại các địa phương, nơi có các dự án KTKS đá làm VLXD. Điển hình như ở huyện Lạc Thủy, quá trình hoạt động sản xuất, khai thác đá làm VLXD của Công ty CP sản xuất vật liệu và xây dựng Hòa Bình tại khu vực núi Thung Voi, thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ nổ mìn khai thác đá gây khói bụi, tiếng ồn, độ rung lớn. Hay tại huyện Lương Sơn, do quá bức xúc trước việc các công ty khai thác đá, gồm: Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Phú Đỉnh, Công ty CP Cao Dương Phát Đạt, Công ty CP đầu tư Hoàng Đạt, Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Lương Sơn, Công ty TNHH dầu nhớt Valine, Công ty TNHH MTV Thạch Kim trong quá trình khai thác đá nổ mìn gây tiếng ồn, khói bụi, rung chấn hư hỏng nhà cửa, ảnh hưởng đến các hộ dân, ngày 21/ 4/2022, 25 người dân đại diện cho 47 hộ dân tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương dùng gậy gộc, cây tre, đá... cản trở hoạt động của các công ty này. Ngoài ra, trong nhiều cuộc họp, tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo cũng như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, người dân xã Cư Yên (Lương Sơn) nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc nổ mìn của Công ty CP Cát Hải gây rung chấn ảnh hưởng đến khu vực dân cư...

Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác của các doanh nghiệp, tại một số địa bàn có mật độ vận tải lớn gây ảnh hưởng đến môi trường; một số mỏ đá, dự án sử dụng xe vận chuyển quá tải, quá khổ. Quá trình vận chuyển sản phẩm tiêu thụ qua khu dân cư, các phương tiện làm rơi đá, mất an toàn giao thông, các tuyến đường nhanh bị xuống cấp, hư hỏng; một số đơn vị chưa tuân thủ thiết kế khai thác, chưa thực hiện cắt tầng, mở đường lên mỏ; một số mỏ được cấp phép có khoảng cách chưa đảm bảo an toàn đối với hộ dân sống quanh khu vực; tình trạng nổ mìn vượt quá khối lượng quy định gây rạn nứt nhà cửa, rung chấn, đá văng, khói bụi; hoạt động khai thác tại một số mỏ chưa tuân thủ về an toàn lao động dẫn đến tai nạn lao động còn xảy ra; việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường còn nhiều tồn tại, vi phạm. Cùng với đó, một số đơn vị chỉ chú trọng phát triển sản xuất, chây ì nộp thuế dẫn đến nợ đọng trong thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Theo thống kê, số tiền các đơn vị KTKS trên địa bàn tỉnh còn nợ đọng trên 116,603 tỷ đồng, chiếm 10% tổng số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước. Trong đó, trên 24,556 tỷ đồng thuế tài nguyên; trên 8,44 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường; trên 5,7 tỷ đồng tiền thuê đất; trên 45,846 tỷ đồng tiền cấp quyền KTKS; trên 32,059 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng... 


Mạnh Hùng

Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục