(HBĐT) - Quá bức xúc trước tình trạng tiếng ồn, khói bụi, rung chấn hư hỏng nhà cửa do các mỏ khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) gây ra, ngày 21/4/2022, hàng chục người dân đại diện cho 47 hộ tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn) dùng gậy gộc, cây tre, đá... cản trở hoạt động của 6 công ty khai thác đá tại xã Cao Dương.


Huyện Lương Sơn hiện còn 26 mỏ khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Ảnh: Hoạt động sản xuất tại mỏ đá xã Liên Sơn.

Nơm nớp nỗi lo sống cạnh mỏ đá

Nhiều năm qua, hàng trăm người dân thôn Đồng Om luôn sống trong tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng từ các mỏ khai thác đá. Không chỉ ô nhiễm không khí, người dân còn phải chịu ô nhiễm tiếng ồn từ máy móc và tiếng nổ mìn. Chuyện nhà cửa nứt nẻ, đất đai sụt lún… không còn là chuyện hiếm. Ai nấy đều cảm thấy bất an, lo sợ vì không biết khi nào hiểm họa sẽ đổ xuống đầu mình. Bà Bạch Thị Dậu nói như khóc: Đã nhiều năm nay, nhà tôi không bao giờ dám mở cửa, vì xung quanh là mỏ khai thác đá, lúc nào cũng trong tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn nặng. Nhiều khi dọn mâm cơm ra chưa kịp ăn bụi đã phủ trắng. Ở đây lâu thì người khoẻ cũng thành người bệnh. Cũng như bà Dậu, anh Nguyễn Sơn Đông bức xúc: Từng có lần trong lúc nổ mìn, một tảng đá rơi xuống giữa sân nhà tôi, may mắn không trúng vào ai. Nhưng chuyện nhà cửa nứt nẻ, sụt lún hầu như nhà nào trong xóm cũng bị. Sống cạnh các mỏ đá, cuộc sống của chúng tôi luôn trong tình trạng bị đe dọa, nguy hiểm.

Theo ghi nhận, thôn Đồng Om bị bao bọc xung quanh cả chục mỏ khai thác đá, phía giáp đường Hồ Chí Minh là công ty đá Cao Dương, phía trong là hàng loạt mỏ đá như mỏ đá số 7, mỏ đá số 5, mỏ đá số 9, mỏ đá công ty Phú Đỉnh... Cứ vào 11h các mỏ đá đồng loạt nổ mìn, cả một vùng rộng lớn chìm trong khói bụi, tiếng nổ mìn ầm ầm rung chuyển cả khu vực, đất, đá bay mù mịt. Cảnh tượng này diễn ra đã nhiều năm. Theo anh Đông thì cực chẳng đã người dân mới dùng gậy gộc, cây cối, đất đá... để cản trở hoạt động của các công ty khai thác đá xung quanh địa bàn.

Áp lực đè nặng lên môi trường  và cuộc sống người dân

Không chỉ người dân xã Cao Dương mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Lương Sơn cũng phải gánh chịu những áp lực về vấn đề môi trường, do tình trạng khai thác khoáng sản đá làm VLXD diễn ra hàng ngày. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 49 mỏ khoáng sản được cấp giấy phép khai thác. Trong đó có 1 mỏ vàng, 1 mỏ đá sét làm nguyên liệu xi măng, 3 mỏ đá bazan, 44 mỏ đá vôi làm VLXD thông thường. Tổng diện tích được cấp giấy phép trên 600 ha; tổng trữ lượng cấp phép 304.191.978 m3; tổng công suất khai thác theo thiết kế 9.873.272 m3/năm; tổng công suất thiết kế các mỏ đang khai thác: 7.203.502 m3/năm. Về hiện trạng, có 34/49 mỏ đang hoạt động khai thác. Trong đó, xã Hòa Sơn có 2 mỏ đá bazan, xã Tân Vinh 1 mỏ đá vôi, xã Cao Sơn 1 mỏ đá vôi, xã Cư Yên 2 mỏ đá vôi, xã Liên Sơn 14 mỏ đá vôi, xã Cao Dương 12 mỏ đá vôi, xã Thanh Cao 2 mỏ đá vôi. Ngoài ra, 7 mỏ dừng hoạt động, 6 mỏ chưa triển khai. 

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), các doanh nghiệp khai thác đá làm VLXD trên địa bàn huyện đều đã lập hồ sơ về lĩnh vực BVMT như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt, lập hồ sơ đề nghị xác nhận việc hoàn thành các công trình BVMT; hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại tại Sở TN&MT; thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định... Tuy nhiên, thời gian qua, việc nổ mìn ở một số mỏ đá với độ rung chấn lớn có dấu hiệu sử dụng vật liệu nổ vượt quá số lượng cho phép. Cùng với khoảng cách từ mỏ đá đến các hộ dân sinh sống chưa đảm bảo tác động, quá trình nổ mìn khai thác đá đã gây rung chấn lớn, văng đá, gây bụi, ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của các hộ dân. Điển hình như: Công ty CP Thành Lập, Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh tại xã Liên Sơn; Công ty TNHH Minh Thành tại xã Thanh Cao; Công ty CP Cát Hải tại xã Cư Yên; Công ty TNHH Cao Dương, Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hoà Bình tại xã Cao Dương... 

Đáng nói, trong năm 2021, UBND huyện Lương Sơn đã tổ chức kiểm tra, rà soát các mỏ khai thác đá làm VLXD trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, rà soát chỉ có 4/34 mỏ đã kiểm tra đảm bảo an toàn về khoảng cách tối thiểu từ cơ sở khai thác, sản xuất VLXD (đá, cát, sỏi) đến khu dân cư; 30/34 mỏ chưa đảm bảo an toàn về khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư (500 m); 8 mỏ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT, 26 mỏ chưa thực hiện đầy đủ; quá trình vận chuyển sản phẩm tiêu thụ qua các khu dân cư, các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải làm rơi đá trong quá trình vận chuyển và mất an toàn giao thông, các tuyến đường giao thông nhanh xuống cấp, hư hỏng; một số doanh nghiệp hoạt động quá giờ quy định, thậm chí hoạt động vào ban đêm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân... Theo đồng chí Nguyễn Thị Hợp, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện, thực tế, số lượng mỏ khoáng sản tại huyện được cấp phép là rất lớn. Do vậy đã tác động không nhỏ đến môi trường sống, ANTT của địa phương, đặc biệt là địa bàn 2 xã Liên Sơn, Cao Dương với 34 mỏ khoáng sản được cấp phép. 

Xuất phát từ thực tế đó, vừa qua, huyện Lương Sơn đã kiến nghị UBND tỉnh không xem xét cấp phép các mỏ khai thác đá làm VLXD thông thường trên địa bàn huyện. Đồng thời xem xét chấm dứt hoạt động, thu hồi đối với các mỏ không triển khai, triển khai hoạt động không hiệu quả, chây ì thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; rà soát, điều chỉnh giấy phép của các mỏ có khoảng cách không đảm bảo theo quy định với khu dân cư xung quanh mỏ đá. 

 Mạnh Hùng


Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục