(HBĐT) - Là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, gây thiệt hại về các công trình cũng như sản xuất, tài sản của nhân dân nên ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp và các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm "4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, các xã, thị trấn tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Lực lượng chức năng huyện Mai Châu diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đêm 24/5 vừa qua, tại khu vực bãi thả bò của gia đình ông Phàng A Cảnh, xóm Cang, xã Pà Cò có mưa lớn kèm theo dông, sét. Ngày hôm sau, gia đình ra bãi thì phát hiện 5 con bò đã bị sét đánh chết, ước tính thiệt hại khoảng 50 - 60 triệu đồng. Ông Cảnh cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã báo cáo với chính quyền địa phương xuống kiểm tra. Đồng thời, gia cố lại chuồng trại vững chắc để không bị tốc mái khi có gió bão, đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi số bò còn lại.
Ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để tránh xảy ra những trường hợp tương tự, Hội Nông dân xã chủ động hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, đồng thời tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp PCTT nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất thuận gây ra.
Là huyện vùng cao có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe, suối, núi cao, với tinh thần "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”, huyện Mai Châu đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai công tác PCTT& TKCN, phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.
Bên cạnh đó, huyện đã rà soát 942 hộ nằm trong vùng thiên tai có nguy cơ cao trong mùa mưa bão; xác định 3 xã trọng điểm PCTT; 9 công trình hồ chứa trong phạm vi ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai, lũ lụt để xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, công trình, có phương án di dời người dân và biện pháp thực hiện khi có tình huống xảy ra. Năng lực dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin được nâng cao, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng. 16 đội xung kích tại các xã, thị trấn duy trì tốt các hoạt động, sẵn sàng ứng phó, thực hiện chế độ trực ban 24/24h trong mùa mưa bão với quân số trung bình 20 người/đội. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức khơi thông mương tiêu thoát nước, giải phóng các vật cản trên sông, suối để đảm bảo tiêu nước, thoát lũ nhanh. Đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng chống lũ, đặc biệt là ở các xã có nhiều suối, ao, hồ.
Đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: Để giảm thiểu mức độ thiệt hại của các loại hình thiên tai, mưa bão, các xã, thị trấn trong huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, phân công trách nhiệm của mỗi thành viên. Việc thực hiện khắc phục 7 công trình thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 cũng được huyện chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Với tổng mức đầu tư 11.200 triệu đồng, có 3 công trình đã hoàn thành nghiệm thu kỹ thuật, 3 công trình đã hoàn thành bàn giao sử dụng và 1 công trình đang thi công đạt gần 100% khối lượng. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ. Rà soát, bổ sung thêm các phương án PCTT phù hợp với tình hình thực tế địa phương; kiên quyết sơ tán, di dời nhà ở dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Thu Hằng
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, từ ngày 26 đến 11h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Thủy điện Miền Đồi, Thủy điện Định Cư, Thủy điện Suối Mu trên 130 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đà Bắc, đến sáng 28/9, mưa lớn đã gây ra thiệt hại về nhà ở và sạt lở đất tại nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.
(HBĐT) - Ngày 28/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 26 - 28/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 100 mm, đặc biệt địa bàn các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy nhiều nơi lượng mưa lên đến 170 mm. Mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, do ảnh hưởng của mưa lớn, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa và mưa to. Trong đó, các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình có mưa to với lượng mưa từ 133 - 169mm.