(HBĐT) - Mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh trải qua đợt nắng hạn kéo dài khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó, nhiều công trình nước sạch đã đầu tư không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên hoạt động kém hiệu quả.


Công trình cấp nước sinh hoạt ở xóm Dưng, xã Hiền Lương (Đà Bắc) "khát" nước do hỏng đường ống dẫn nước.  

Lao đao trong "mùa khát”

Có lẽ chưa năm nào vấn đề nước sinh hoạt lại "nóng” như mùa khô năm nay. Thiếu mưa khiến nhiều con suối, mó nước, giếng nước ở nhiều địa phương trong tỉnh cạn trơ đáy. Do đó, nhiều khu vực rơi vào cảnh khan hiếm nước, thậm chí phải chia nhau nước để phục vụ sinh hoạt. Không khó để bắt gặp hình ảnh ti ô nước chằng chịt dưới những khe suối, mó nước. Xã Ngổ Luông (Tân Lạc) trước đây đã được đầu tư một số công trình nước sạch. Tuy nhiên, hầu hết hiện nay không còn sử dụng được do hư hỏng mà không được sửa chữa kịp thời. Tại xóm Luông Cá, dọc theo tuyến đường nội xóm, bể chứa nước của công trình nước sạch đã bỏ hoang. Trưởng xóm Luông Cá Bùi Văn Huynh cho biết: Thời điểm mùa khô, xóm rất khó khăn về nước sạch. Bà con phải kéo nước ở xa khu dân cư về sử dụng. Nước không chỉ khan hiếm mà còn không đảm bảo vệ sinh. Bà con rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, sửa chữa lại các công trình đã được đầu tư từ trước. 

Vầy Nưa, Tiền Phong, Hiền Lương - các xã vùng lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc cũng thuộc diện rất khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là thời điểm từ sau Tết Nguyên đán 2023. Xã Vầy Nưa có 8 xóm, một nửa trong số đó rơi vào cảnh khan hiếm nước sạch. "Từ lúc tôi sinh ra đến giờ, chưa năm nào mà suối Khé lại cạn hết nước như này. Suối cạn nên nhà nào cũng phải kéo ti ô hơn 1 km, tận trên đầu nguồn nhưng nước nhỏ lắm”, đó là chia sẻ của bà Đặng Thị Mùi, xóm Dướng, xã Vầy Nưa. Theo lãnh đạo UBND xã, đầu năm 2023, xã được hỗ trợ duy tu, sửa chữa 4 công trình cấp nước. Hiện còn 4 xóm khác gặp nhiều khó khăn về nước sạch cũng cần được quan tâm đầu tư, sửa chữa. 

Hay ở xã Hiền Lương, nhiều hộ cũng chung cảnh thiếu nước sinh hoạt. Đáng chú ý là một số công trình nước sạch được đầu tư trước đây hiện đã xuống cấp nên không phát huy hiệu quả. Như ở xóm Dưng, công trình nước tự chảy bị hỏng đường ống dẫn nước nên bể chứa trơ đáy, rơi vào cảnh hoang hóa. Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc được biết, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, UBND huyện đã đầu tư 59 công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khoảng 90% hộ ở 17 xã, thị trấn. Các công trình này được giao cho các xã quản lý. Tuy nhiên, đến nay 45 công trình đã hết thời gian khấu hao. Năm 2023, tình trạng hạn hán kéo dài khiến các khe nước, nguồn nước, sông suối cạn kiệt dẫn đến nhiều công trình nước sinh hoạt tự chảy không đủ nước đề đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là 6 xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Nánh Nghê, Trung Thành, Đồng Ruộng và Tân Minh. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết thêm: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT rà soát hiện trạng các công trình, xây dựng phương án duy tu, sửa chữa, đầu tư mới. Trong năm 2023, đầu tư 3 công trình nước sinh hoạt tại các xã: Nánh Nghê, Đồng Ruộng, Cao Sơn. Năm 2024, dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn sự nghiệp ngân sách huyện để duy tu, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt đã được đầu tư nhưng hư hỏng, xuống cấp do chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Cần duy tu, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt

Không chỉ trên địa bàn huyện Đà Bắc mà hiện nay, nhiều công trình nước sạch trong tỉnh rơi vào cảnh hoang hóa do không được duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 353 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn. Trong đó, Trung tâm NS&VSMTNT đã tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác 13 công trình; các công trình còn lại do UBND xã quản lý. Tuy nhiên, chỉ có 39 công trình hoạt động bền vững và 70 công trình hoạt động trung bình. Còn 75 công trình hoạt động kém hiệu quả và  169 công trình không hoạt động.

Nguyên nhân của thực trạng đó, theo Sở NN&PTNT là do các công trình cấp nước tập trung nông thôn hiện nay nằm ở vùng đồi núi mật độ dân cư thưa thớt, địa bàn trải rộng nên việc quản lý, vận hành khó khăn và suất đầu tư lớn. Hầu hết các công trình do địa phương quản lý, các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình không được lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ, khó khăn cho công tác sửa chữa cũng như quản lý công trình. Một nguyên nhân nữa là các công trình thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất nhưng sửa chữa không kịp thời dẫn đến hư hỏng, xuống cấp. 

Đặc biệt, công tác quản lý sau đầu tư đối với các công trình do UBND xã giao cho các tổ cộng đồng quản lý chưa được chú trọng đúng mức. Công trình hư hỏng không được sửa chữa kịp thời; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều tổ quản lý, vận hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân dẫn đến công tác quản lý vận hành công trình lỏng lẻo. 

Từ thực tế đó cho thấy, cần quan tâm hơn nữa đến việc duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sạch đã được đầu tư nhưng hiện hư hỏng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này không chỉ khắc phục được vấn đề thiếu nước sinh hoạt ở các địa phương, nhất là trong mùa khô năm nay, mà còn tránh lãng phí, tránh để các công trình rơi vào "đắp chiếu” dù chỉ hỏng hóc một số hạng mục có thể khắc phục được. Đồng thời, cần siết lại khâu quản lý, vận hành sau đầu tư, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc” khi công trình cấp nước bị hư hỏng. 

Viết Đào

Các tin khác


Thời tiết ngày 26/4: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/4, phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục