Thông tin phóng xạ đến Việt Nam trong những ngày qua đã ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của người dân. Một số người còn không dám hứng nước mưa để sinh hoạt, hạn chế đi ra ngoài vì sợ phóng xạ ảnh hưởng tới sức khỏe…

 


An toàn

Mấy ngày hôm nay, ông Phạm Văn Thành (Thường Tín, Hà Nội) ở lì trong nhà. Thông tin về ảnh hưởng phóng xạ từ Nhật Bản trong những ngày qua đã khiến ông quyết định hạn chế tối đa việc ra ngoài đường để tránh ảnh hưởng.

Không chỉ bảo vệ cho riêng mình, ông Thành còn yêu cầu nhiều người trong nhà phải bịt khẩu trang thật kín khi ra đường, hạn chế tối đa việc sử dụng nước mưa. Lý do là bởi mấy hôm trước trời mưa, ông Thành trót quên… không cất máng hứng, nên một lượng nhỏ nước đã vào bể chứa.

Ở khu vực xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Loan (77 tuổi) ngày nào cũng cập nhật thông tin về hạt nhân. Nhà có trẻ nhỏ, việc này đối với bà càng trở nên hết sức quan trọng.

“Mấy ngày nay, dù đài báo có nói cứ yên tâm, nhưng tôi vẫn cho các cháu chơi trong nhà, khi ra ngoài đường phải bịt kín. Nghe người ta nói ăn muối iốt tốt cho việc chống phóng xạ, tôi phải mua để sử dụng kẻo nguy,” bà Loan nói.

Gần đây, các cơ quan truyền thông liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình phóng xạ tại Việt Nam. Theo cơ quan quản lý khoa học cũng như giới chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, phóng xạ từ Nhật Bản ảnh hưởng tới Việt Nam vẫn thấp hơn hàng trăm ngàn lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nhiều lần Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định vẫn an toàn.

Thế nhưng, ở góc độ của mình, ông Thành và một số người bạn già vẫn bán tín bán nghi. Và để “chắc ăn,” ông vẫn chọn phương pháp ở nhà cho… an toàn.

Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử) cho hay, với các vùng gần sự cố ở Nhật Bản thì cần phải quan tâm.

Theo ông Giáp, phóng xạ trong không khí thì nước mưa cũng sẽ có hàm lượng phóng xạ. Tuy nhiên, hiện nồng độ phóng xạ là rất thấp nên nước mưa chưa bị ảnh hưởng nhiều và người dân có thể an tâm sử dụng.

“Khi nước mưa xuống, cây trồng hấp thụ thì lượng phóng xạ trong thực phẩm lại càng ít hơn nên càng không có gì phải lo” ông Giáp nhận định.

Các chuyên gia đều cho rằng, việc đề phòng như trường hợp của ông Thành là không cần thiết.

Sẽ có mạng quan trắc phóng xạ

Theo thông báo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến thời điểm ngày hôm nay (31/3), ghi nhận của các trạm quan trắc phóng xạ cho thấy, mức phóng xạ chưa có gì thay đổi, vẫn nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với cho phép.

Hiện, các cơ quan khoa học hạt nhân vẫn đang theo dõi “nhất cử nhất động” của nồng độ phóng xạ tại Việt Nam. Từ những thông số đo đạc được sẽ thông tin cụ thể tới các phương tiện truyền thông đại chúng, phản ánh đến người dân.

Theo Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp, Việt Nam hiện có 5 trạm quan trắc phóng xạ đặt tại Lạng Sơn, Hà Nội, Ninh Thuận, Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh. Số trạm này là chưa đủ để đo phóng xạ tại các vùng không khí trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Giáp cũng vui mừng thông báo, hiện Viện của ông đã được Chính phủ giao xây dựng mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ toàn quốc. Theo đó, từ nay đến 2014, Việt Nam sẽ có 20 điểm quan trắc phóng xạ đạt tiêu chuẩn, cung cấp thông tin về phóng xạ trong không khí kịp thời hơn đến các cơ quan quản lý và người dân./.
 

Tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 31/3/2011, tại Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Thú y và Cơ quan Thú y vùng II đã tiến hành đo khả năng nhiễm phóng xạ Cs-137 và I-131 của 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật Bản.

Hiện đã có kết quả đo, nhưng để có kết luận cuối cùng về các lô hàng thủy sản nói trên cần có giá trị tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và kết quả đo mẫu cá đối chứng của Việt Nam. Thông tin tiếp theo về kết quả đo sẽ sớm được thông báo.

                                             Theo HaNoiMoi

Các tin khác


Bảo vệ môi trường trong phát triển chăn nuôi

Những năm qua, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế đem lại thì vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra vẫn còn nhiều nhức nhối.

Ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai

Cả nước đang gồng mình ứng phó với thiên tai, thời tiết cực đoan. Nắng nóng gay gắt kéo dài ngay trong mùa Xuân dẫn tới khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là miền Nam.

Thời tiết ngày 27/4: Nắng nóng gay gắt, có nơi trên 41 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 27/4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nhiều khu vực dự báo vượt ngưỡng 41 độ C.

Chủ động giải pháp cấp điện ổn định dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Để đảm bảo vận hành lưới điện ổn định, an toàn trong kỳ nghỉ lễ mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, khắc phục tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện.

Chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự ban hành Công văn số 89/CV-BCH ngày 26/4/2024 về chủ động ứng phó với mưa dông, lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh trong thời gian tới.

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Bờ trái sông Đà

Sáng 26/4, tại Công ty TNHH Long Bình Electronics thuộc khu công nghiệp (KCN) Bờ trái Sông Đà (TP Hòa Bình), Ban quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức diễn tập phương án PCCC&CNCH. Tham gia diễn tập có đại diện 30 doanh nghiệp tại KCN bờ trái sông Đà và KCN Bình Phú (TP Hoà Bình)...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục