Hình ảnh "Dòng sông Đáy quê em. Sông trăng hay sông lụa…" thơ mộng ngày nào trong thơ của Lai Vu giờ đã biến mất. Hiện nay, sông Đáy được xem như dòng sông "chết" khi nguồn nước sông đen ngòm, rác thải, váng bùn nổi lềnh bềnh, hôi tanh. Những báo động về mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của sông Đáy đã gióng lên từ lâu, thế nhưng tình hình khắc phục vẫn chưa được cải thiện.

Chặn dòng, “bức tử” sông Đáy. Ảnh: Lê Tuấn
Nỗi ám ảnh của người dân
Vào thời điểm này, không chỉ người dân lo ngại mà ngay cả đơn vị thủy lợi được giao đảm nhận việc tạo nguồn cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lưu vực sông Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng hết sức lo lắng vì nguồn nước sông quá cạn kiệt. Con sông dường như "thoi thóp", nước đen kịt, toàn rác, dòng nước thì lặng lờ gần như không chảy. Nhiều đoạn váng bùn, rau bèo nổi lềnh bềnh và thời điểm này được xác định là đỉnh điểm ô nhiễm môi trường trong năm. Mùi hôi thối bốc lên từ phía dòng sông nồng nặc, bay vào tận sâu các làng ven sông.
Ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Đáy cho biết, hiện chưa có đánh giá tác động lý hóa, nhưng với mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, không thể nói là không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, từ khi dòng nước ô nhiễm, nhiều làng ven sông đã phát sinh một số bệnh tật, người có tuổi bị bệnh đau đầu, mờ mắt, trẻ em mắc viêm xoang, một số thì bị các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da. Bà Dương Thị Hoa, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) lo lắng, "tình trạng này kéo dài thêm, người dân sinh sống trong lưu vực sông Đáy sẽ khó tránh được những căn bệnh hiểm nghèo". Điều đáng nói là, theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng, chất lượng nước trên sông Đáy không đạt tiêu chuẩn B1 (chuẩn nước tưới cây trồng nông nghiệp). Tại một số xã như Lam Điền, Đại Yên, Hoàng Diệu, Thụy Hương, Ngọc Sơn... (huyện Chương Mỹ) năng suất lúa mấy vụ giảm mạnh do sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ sông Đáy để tưới dưỡng. Có những cánh đồng, lớp bùn đen đọng lại trên mặt ruộng vài tháng sau vẫn chưa hết. Nguyên nhân của tình trạng này chính do con người gây ô nhiễm nặng dòng sông. Hiện nay dọc hai bên bờ thượng nguồn sông Đáy, những làng nghề vẫn ngày đêm xả nước thải chưa qua xử lý, biến con sông thành nơi chứa nước thải. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện mỗi ngày sông Nhuệ và sông Đáy phải tiếp nhận tới gần 4 triệu mét khối nước thải khiến mức độ ô nhiễm đang gia tăng theo thời gian.
"Cây gậy" chế tài

Sông Đáy bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân hai bên lưu vực. Ảnh: Lê Tuấn
Trước sự suy thoái môi trường lưu vực sông Đáy, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa trong việc tăng nặng chế tài xử phạt và kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Trong thực tế, dựa trên kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nhiều trường hợp. Tuy vậy số tiền phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Mới đây, Chính phủ chỉ đạo, chấm dứt hoạt động và xử lý nghiêm đối với tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền vào cuộc thiếu quyết liệt nên tình hình chưa được cải thiện. Hiện nay, có một thực tế là, nhiều văn bản chỉ đạo của cấp trên rất quyết liệt nhưng cấp dưới lại buông xuôi, hoặc chậm xử lý, tạo tiền lệ xấu trong chấp hành pháp luật.
Ông Bùi Cách Tuyển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để giảm tối đa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông, trong đó có sông Đáy, ngoài các công cụ về luật pháp, chính sách, kinh tế, thanh tra xử lý vi phạm, phải đặc biệt chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức và tuyên truyền vận động nhân dân tự giác chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường. Về cơ chế điều phối, các ngành và địa phương cần có mối quan hệ mật thiết, chia sẻ thông tin, không gian khi xây dựng quy hoạch, để bảo đảm sự phát triển đồng bộ, có tầm chiến lược trong bảo vệ môi trường sông. Có như vậy môi trường lưu vực sông Đáy mới được bảo đảm
Theo Hanoimoi
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, từ ngày 26 đến 11h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Thủy điện Miền Đồi, Thủy điện Định Cư, Thủy điện Suối Mu trên 130 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đà Bắc, đến sáng 28/9, mưa lớn đã gây ra thiệt hại về nhà ở và sạt lở đất tại nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.
(HBĐT) - Ngày 28/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 26 - 28/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 100 mm, đặc biệt địa bàn các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy nhiều nơi lượng mưa lên đến 170 mm. Mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.