Lãnh đạo Sở NN &PTNT tham gia thả cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình.

Lãnh đạo Sở NN &PTNT tham gia thả cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình.

(HBĐT) - Phát triển ngành thủy sản đã và đang đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2013, giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt trên 220 tỉ đồng/năm, gấp 5 lần so với năm 2005, chiếm 2,65% cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Sản lượng thủy sản đạt trên 5.000 tấn, diện tích nuôi thủy sản khoảng 2.300 ha và gần 1.300 lồng cá, chủ yếu trên hồ Hòa Bình.

 

Nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình đa dạng, phong phú với các loài có giá trị kinh tế và khoa học mà các hệ thống sông ở vùng đồng bằng không có như cá: dầm xanh, anh vũ, chiên, lăng... Cùng với coi trọng tuyên truyền bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản, các địa phương và cơ sở sản xuất đã tăng cường các biện pháp phòng - chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định. Các sản phẩm thủy sản tự khai thác và nuôi trên hồ thủy điện Hòa Bình đem lại cuộc sống ổn định, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn nông hộ, góp phần XĐ -GN, cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc vùng hồ. Hiện, toàn tỉnh có 1.450 thuyền các loại hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và có 4.700 lao động làm nghề thủy sản. Ngoài ra, sản lượng tôm, tép trong hồ cũng khá lớn. Các xã ven hồ như: Vầy Nưa, Tiền Phong, Hiền Lương (Đà Bắc); Thung Nai (Cao Phong); Thái Thịnh (TPHB) nghề cá là một trong những nghề chính, đem lại thu nhập đáng kể.

 

Hồ thủy điện Hòa Bình thuộc hệ thống hồ chứa trọng yếu của vùng nước nội địa miền Bắc có chiều dài 80 km, có khu hệ thủy sinh vật rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra, thủy vực Hòa Bình có 123 loài cá thuộc 79 giống, 19 họ, 10 bộ, trong đó, phần lớn thuộc họ cá chép, bộ cá vược, bộ cá nheo, đặc biệt là có 13 loài cá quý hiếm như cá: chiên, bỗng, lăng, dầm xanh, anh vũ, trâu sứt, sinh... nhưng cho đến nay, dưới áp lực khai thác thì hồ cũng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Mặt hồ rộng gần 9.000 ha trên địa phận của gần 20 xã, khí hậu nhiệt đới, lượng nước ổn định, luôn luân chuyển và không có sóng lớn. Hồ có nhiều luồng lạch thuận lợi cho cá sinh sản. Hồ là nguồn cung cấp sản lượng thủy sản lớn cả về lượng và chất. Với tầm quan trọng mà hồ mang lại, được sự quan tâm của Bộ NN &PTNT, UBND tỉnh, từ năm 2002 đến nay đã dành một phần kinh phí thả bổ sung ra hồ thủy điện Hòa Bình trên 100 tấn cá giống các loại, trong đó có các loài đặc hữu như: chày mắt đỏ, lăng chấm, bỗng, chiên... và đã có dấu hiệu nguồn lợi thủy sản từng bước được phục hồi. Bên cạnh đó, năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định thành lập BCĐ chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương và định hướng khai thác theo hướng bền vững. Tổng cục Thủy sản và Sở NN &PTNT đã kêu gọi cán bộ, doanh nghiệp, người dân trong vùng lòng hồ tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khai thác theo hướng bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của hồ, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, khai thác đúng thời vụ, đúng kích thước mắt lưới, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện... để khai thác. Không khai thác ở khu vực cá tập trung đến đẻ trứng vào mùa sinh sản. Vận động cộng đồng dân cư hãy chung sức, chung lòng thả cá giống bổ sung nguồn lợi cho các thủy vực.

 

Qua tìm hiểu thực tế được biết, đời sống nhân dân vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, một trong những nguồn thu nhập chính là khai thác cá, tôm trên hồ. Để quản lý, bảo vệ nguồn thủy sản trên hồ, Chi cục Thủy sản đã tăng cường tổ chức tuyên truyền, triển khai các chương trình, Luật Thủy sản đến người dân làm cho mọi người thật sự tự giác chấp hành luật. Khuyến khích mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Theo tính toán, một hộ nuôi 3 - 4 lồng cá theo đúng quy trình kỹ thuật, 1 năm cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Nuôi gắn với khai thác hợp lý sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, bền vững. Công tác bảo vệ thủy sản chủ yếu là ở chính quyền địa phương. Hiện, các xã đã xây dựng tổ, đội an ninh bảo vệ, tuần tra khu vực hồ trên địa phận xã quản lý như xã Vầy Nưa, Thung Nai. Kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng dùng mìn, xung điện đánh bắt cá. Giao nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, khai thác thủy sản cho cán bộ khuyến nông viên cơ sở.

 

Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả cần phải xã hội hóa tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó kêu gọi cộng đồng cùng tham gia để hoạt động thả giống ngày càng đi vào nề nếp và chiều sâu; tăng diện tích nuôi các loài bản địa và các loài có giá trị kinh tế khác nhằm giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn hiệu quả việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt...

 

 

 

                                                                  Đinh Thắng

 

 

Các tin khác


Tăng cường phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão

(HBĐT)-UBND tỉnh ban hành Công văn số 1578/UBND-KTN, ngày 12/9/2023 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh. 

Đêm 14/9, nhiều khu vực có mưa to và dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/9, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Công đoàn tỉnh Hòa Bình xếp thứ 10 toàn quốc về kết quả Chương trình 1 triệu sáng kiến

(HBĐT) - Kết thúc Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" (gọi tắt là Chương trình 1 triệu sáng kiến), Công đoàn tỉnh Hòa Bình có số lượng sáng kiến xếp thứ 10/82 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Huyện Cao Phong: Hàng chục hộ dân bức xúc vì nước sinh hoạt có dấu hiệu bất thường

(HBĐT) - Bức xúc trước việc nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân ở khu 2, 3, 4, 5, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) có dấu hiệu bất thường như có mùi tanh, vẩn đục... người dân đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng của địa phương và đơn vị cung cấp là Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong, thuộc Công ty CP nước sạch Hòa Bình (gọi tắt là Công ty nước sạch) nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thời tiết ngày 14/9: Mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/9, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 15 - 30mm, có nơi trên 60mm: Thủ đô Hà Nội, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 – 70 mm, có nơi trên 150 mm. Từ đêm 14/9, mưa lớn ở các khu vực này có xu hướng giảm dần.

Hà Nội: Tổng kiểm tra 100% các chung cư mini, xử lý nghiêm các vi phạm PCCC

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ra Công điện về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục