Nông dân xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) nỗ lực bơm nước chống hạn.

Nông dân xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) nỗ lực bơm nước chống hạn.

(HBĐT) - Đợt nắng, nóng kỷ lục kéo dài ròng rã suốt cả tuần qua đã khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân hứng chịu nhiều ảnh hưởng. Theo cơ quan Khí tượng Thuỷ văn, khu vực tỉnh ta là một trong những tỉnh, thành có nền nhiệt độ cao nhất, liên tục ở ngưỡng 39,5 – 40 độ C. So với đợt nắng, nóng hồi tháng 5, đợt nắng, nóng này khó chịu hơn bởi kèm theo đó là kiểu thời tiết hanh hao cực điểm.

 

Ngộp thở vì nắng, nóng

 

Khó kể hết những đảo lộn trong sinh hoạt của người dân khi phải sống với bầu không khí oi bức, ngột ngạt kéo từ ngày nay qua ngày khác như hiện nay. Tại thành phố Hoà Bình, nắng, nóng sớm bắt đầu từ 5 giờ sáng, trở nên gắt gao kể từ 11h – 17h. Kể cả khi trời đã về đêm, nhiệt độ có phần giảm đi chứ vẫn không có dấu hiệu dịu mát. Với các gia đình trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt này, mọi thiết bị làm mát đều được đem ra vận hành hết công suất, điều hoà nhiệt độ gần như bật 24/24 giờ, quạt máy cũng chạy suốt ngày, đêm. Ông Tô Như Quảng ở tổ 10, phường Tân Thịnh than thở: Đã rất lâu rồi mới chứng kiến một đợt nắng, nóng khủng khiếp như đợt này. Cứ dừng quạt là lại mướt mát mồ hôi. Ngày nào tôi cũng ba, bốn bận xả nước lên trần nhà, tường bao khắp sân, nền cho bớt nóng nhưng cái nóng cũng giảm đi không đáng kể gì.

 

Trong tiết trời nắng, nóng hầm hập, nhiều người chọn cách nằm “cố thủ” trong nhà, có việc gì cần kíp mới ra ngoài. Hàng quán thực phẩm, đồ ăn ở các chợ cũng hoạt động cầm chừng vì thưa thớt khách. Duy có các quán nhậu, nước giải khát mùa hè dịp này hút khách  nhu cầu tăng đột biến của người dân, nhất là tại các điểm công viên sông Đà, lối lên đập Thuỷ điện Hoà Bình. Mặc dù đã ứng phó bằng nhiều cách “giải nhiệt” mùa nắng nóng nhưng trạng thái mệt mỏi, uể oải vẫn không giải toả được hết đối với người dân chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng đỉnh điểm này. Chị Quách Thị Thảo, nhân viên giao hàng cho một công ty tư nhân cho biết: Mặc dù đã đổi thời điểm đi giao hàng sớm hơn, chiều về cũng muộn hơn nhưng đặc thù công việc phải đi sà sã ngoài đường, sức khoẻ mấy cũng khó mà chịu nổi.

 

       

                 Người dân thành phố Hoà Bình kín mít khi ra đường.

 

Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố quá tải bởi tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến. Bệnh viện đa khoa tỉnh trong khoảng 1 tuần qua cũng đã tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu, điều trị ở cấp độ khó hơn. Theo Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương, khu điều trị đang quá tải, nhất là các khoa Nội, Nhi, Hồi sức cấp cứu. Tình trạng trước khi đến viện của người dân chủ yếu là sốc nhiệt, sốt, tiêu chảy - biểu hiện triệu chứng bệnh thường thấy mùa nắng, nóng.

 

Sản xuất vụ mùa đợi chờ trong khắc khoải!

 

Nắng nóng đỉnh điểm đang ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến tiến độ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh, nặng nề nhất tại các huyện Yên Thủy, Tân Lạc, Mai Châu và Kim Bôi. Đó là khẳng định của đồng chí Trần Kim Phàn, Chi cục Trưởng chi cục Thuỷ lợi & PCLB qua đợt kiểm tra tình hình hạn hán mới đây ở các huyện. Đồng chí Bùi Huyên, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Yên Thuỷ lo âu: Tất cả các hồ, đập đến nay đều đã không còn khả năng cung cấp nước tưới. Đồng nghĩa với nguy cơ không thể chủ động nước để làm đất, cày ải, đưa mạ xuống đồng nếu vẫn tiếp tục nắng, nóng trong vài ngày tới.

 

Tương tự như huyện Yên Thuỷ, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương khác  đang tình cảnh “đứng, ngồi không yên”. Nguồn nước hồ, đập cạn, kiệt, mạ gieo đến thời kỳ đưa xuống cấy lại không thể cấy được vì không đủ nước. Đối với trà lúa đã cấy cũng đang sinh trưởng chậm do gặp nắng, hạn đầu vụ. Nhiều nơi chậm tiến độ làm đất trồng lúa, cây màu do chưa có nước làm ẩm. Với tình trạng nắng, nóng khắc nghiệt, hạn hán nặng nề như hiện nay, nhiều người tỏ ra lo ngại về một vụ sản xuất đang diễn ra không ít thách thức, khó khăn và bất lợi.

 

Thời vụ gieo trồng đối với cấy lúa sẽ chỉ còn chừng 3 tuần nữa, kết thúc chậm nhất vào ngày 30/7. Trong khi đó, tiến độ làm đất của toàn tỉnh tính đến ngày 3/7  chưa đạt 50% tổng diện tích gieo trồng. Theo nhận định của quan chuyên môn: Sản xuất vụ mùa, hè thu đang khắc khoải chờ những trận mưa “vàng” có thể diễn ra sau ngày 5/7 khi kết thúc đợt nắng, nóng. Đối với nông dân trong lúc này vẫn phải tích cực thực hiện các giải pháp chống hạn như tận dụng các mạch, vó, ao còn nước để bơm tưới cho diện tích đã trồng. Về làm đất lúa, cây màu trước tiên làm đất khô chờ nước. Đối với mạ đã gieo nếu những ngày tới chưa đủ các điều kiện cấy, để mạ già thì xử lý mạ già bằng cách cắt lá. Đối với gieo mạ lại, khuyến cáo sử dụng các giống ngắn ngày để đảm bảo tính thời vụ, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn chuyển đổi diện tích đất lúa không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cây màu có khả năng chống chịu hạn.

 

 

Bùi Minh

 

 

 

 

Các tin khác


Thời tiết ngày 4/5: Nhiều khu vực có mưa và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân Quốc gia, ngày và đêm 4//5, nhiều khu vực có mưa và dông, cục bộ có mưa to.

Thời tiết ngày 3/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 3/5, Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm.

Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc đã chấm dứt, trời chuyển mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo, mưa dông sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 4/5, sau đó sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng.

Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc; Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục