Khối ngành công nghệ thông tin ngày càng thu hút người học trong những năm gần đây. Có những ngành 'hot' sau khi tốt nghiệp đi làm mức lương lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng nếu thực sự giỏi.


Chiều 28.2, chuyên gia đến từ các trường ĐH đã chia sẻ nhiều thông tin hấp dẫn trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin" của Báo Thanh Niên.

Nhóm ngành "xương sống" của cuộc cách mạng công nghiệp

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hơn 10 ngành nhóm máy tính và công nghệ thông tin (CNTT) chiếm 13% tổng số thí sinh trúng tuyển năm 2022. Trong khi đó, hơn 20 ngành nhóm công nghệ kỹ thuật chỉ chiếm 9%. Số liệu này cho thấy mức độ thu hút khác nhau giữa các ngành trong cùng khối công nghệ, và rõ ràng máy tính, CNTT vẫn là nhóm ngành thu hút nhiều người học.


Báo Thanh Niên ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc đổi mới trải nghiệm đọc báo. ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhìn nhận: "Trong 3 năm gần đây, số lượng sinh viên học các ngành CNTT tăng rất nhanh, không chỉ về quy mô, mà còn về chất lượng. Năm học 2021-2022, điểm trúng tuyển nhóm ngành này của nhiều trường tương đương, thậm chí cao hơn y đa khoa".

Theo tiến sĩ Hải, có 3 lý do. Thứ nhất, nhu cầu việc làm trong các ngành nhóm này tăng rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, CNTT trở thành phương tiện quan trọng trong công việc giúp doanh nghiệp hoạt động trôi chảy. Thứ hai, CNTT là một ngành trọng điểm của quốc gia, nằm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực nên được cho phép cơ chế đào tạo đặc thù. Các trường ĐH luôn có chính sách ưu tiên cho sinh viên nhóm ngành này, chẳng hạn học bổng. Có sinh viên nhận được học bổng đủ tiền chi trả cho 4 năm học.

"Bên cạnh đó, CNTT là 'xương sống' kết nối tất cả lĩnh vực và là lĩnh vực trọng yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; kết nối các công nghệ với nhau như tự động hóa, dữ liệu lớn, máy học...", tiến sĩ Hải cho hay.

Thạc sĩ Phạm Quảng Tri, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đồng thời cho hay: "Xu thế công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng kỹ thuật số, từ đó xây dựng nhà máy thông minh có dây chuyền sản xuất, robot thông minh, sản phẩm, chuỗi cung ứng thông minh mang lại tiện ích cho người tiêu dùng. Trong đó, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây là những công nghệ chính, đều thuộc lĩnh vực CNTT và máy tính là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".


Sinh viên theo học khối ngành CNTT ngày càng tăng. MỸ QUYÊN

Tiến sĩ Nguyễn Trùng Lập, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số nên cần đội ngũ nhân lực lớn giỏi CNTT để phục vụ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

"Lương trong lĩnh vực CNTT nằm trong top, đặc biệt trí tuệ nhân tạo đang trỗi dậy với nhiều ứng dụng cụ thể phục vụ con người, nên nhân lực giỏi được công ty công nghệ săn đón với mức lương từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu", tiến sĩ Lập thông tin.

Nên chọn ngành nào và cần tố chất gì?

Sau khi trí tuệ nhân tạo được chuyển thành mã ngành chính thức thì danh mục ngành của Bộ GD-ĐT ở lĩnh vực máy tính và CNTT hiện có tổng số 10 ngành. Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết, sinh viên tại Trường ĐH Duy Tân theo học rất nhiều ở các ngành kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, an ninh mạng và mạng máy tính-truyền thông. Doanh nghiệp cũng có nhu cầu nhiều trong 4 ngành này.

Các chuyên gia tại buổi tư vấn cho biết, trong tương lai, công nghệ 5G, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật sẽ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, công nghệ thực tế tăng cường, công nghệ thực tế ảo và công nghệ chuỗi khối cũng đang là xu hướng…

"Mỗi ngành đều đóng vai trò nhiệm vụ và trong chuỗi phục vụ xu thế và chính sách nhà nước, phù hợp với những nhóm người khác nhau. Chẳng hạn, ngành khoa học máy tính đòi hỏi kiến thức toán, khoa học dữ liệu đòi hỏi toán thống kê, hệ thống thông tin thì ít toán hơn, ngành CNTT thì kết nối các hệ thống máy tính lại với nhau truyền dữ liệu cho hệ thống đó… Nếu thí sinh chọn lĩnh vực này thì nên tìm hiểu từng ngành khác nhau xem ngành nào phù hợp với năng lực sở thích của mình nhất, vì mỗi ngành đòi hỏi kiến thức, kỹ năng khác nhau", thạc sĩ Phạm Quảng Tri lưu ý.

Tiến sĩ Nguyễn Trùng Lập thì nhấn mạnh các ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu có đặc trưng là cần nhiều kiến thức toán, tư duy logic, giỏi và đam mê mới có thể học tập và làm việc tốt.

"Ngoài ra, muốn theo đuổi nhóm ngành công nghệ, các em cần trang bị khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự thích nghi do công nghệ thay đổi liên tục; phải thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học công nghệ mới; tiếng Anh cũng vô cùng quan trọng; và cần có khả năng thích nghi, chuyển đổi, quan sát thế giới, sáng tạo…", tiến sĩ Lập lưu ý.

Theo Báo Thanh niên

Các tin khác


Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 22/3 đã công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024.

Các trường đặc thù Top đầu vẫn dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển học bạ

Năm 2024, một số trường đặc thù Top đầu vẫn dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển học bạ.

Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ 10 đến 30/7

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác tuyển sinh 2024 cơ bản ổn định như những năm trước. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh và rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học năm 2024

Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 diễn ra ngày 12/3, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đơn vị dự kiến tuyển sinh gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học và hơn 3.000 chỉ tiêu bậc sau đại học năm nay.

Tuyển sinh Đại học 2024: Tìm hiểu kỹ thông tin, chọn nguyện vọng phù hợp

Thời điểm này, nhiều trường đại học, cao đẳng đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 cùng các mốc thời gian nhận hồ sơ đối với các phương thức xét tuyển.

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục