Nhằm phát triển nhanh, bền vững các cụm liên kết ngành kinh tế biển tạo dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia đến năm 2030, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được xây dựng với quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Nhiều dự án điện gió ngoài khơi đã được đưa vào khai thác. Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN
* Phát triển kinh tế biển bền vững
Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 đã xác định quan điểm: Phát triển nhanh, bền vững các cụm liên kết ngành kinh tế biển tạo dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia gắn kết với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực có liên quan.
Đề án nêu rõ quan điểm "Phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển trên cơ sở phát huy lợi thế của từng khu vực vùng biển và ven biển, liên kết liên ngành, liên tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, nguồn tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa lịch sử, kết hợp chặt chẽ với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh tại các vùng biển, đảo”.
Cùng với đó, Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể gồm: Tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030. Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á. Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.
Theo Đề án, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp triển khai lồng ghép nội dung thực hiện đề án vào quy hoạch không gian biển quốc gia và các chương trình, chính sách phát triển liên quan đến biển theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch không gian biển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Quy hoạch không gian biển là một trong ba quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia xin ý kiến các cơ quan như: Ban Kinh tế Trung ương; các Ủy ban của Quốc hội, 16 Bộ và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch.
* Gắn với kinh tế xanh
Theo Báo cáo "Kinh tế biển xanh Việt Nam - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố vào tháng 5/2022, để phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện nền kinh tế biển xanh tại Việt Nam, các chính sách phát triển kinh tế biển phải đảm bảo cho việc khai thác các tài nguyên biển của thế hệ hôm nay không được làm phương hại đến việc khai thác các tài nguyên biển của các thế hệ mai sau.
Do đó, trong quy hoạch không gian biển quốc gia, cần tính toán một cơ cấu kinh tế biển hợp lý sao cho mang lại những giá trị cao nhất, trong khi vẫn duy trì và gia tăng thêm được diện tích và giá trị của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển; đưa nền kinh tế xanh vào phát triển kinh tế -xã hội rộng lớn hơn cung cấp một nền tảng để tăng cường đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo cho rằng không gian phát triển cho mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn khá rộng mở và chưa dẫn đến những xung đột lớn giữa các ngành, sự phát triển kinh tế cũng chưa đến mức xung đột lợi ích lớn cần quản trị. Ngưỡng chịu đựng của môi trường với các ngành kinh tế biển và sự cùng phát triển bên cạnh nhau, có cả mâu thuẫn và bổ sung cho nhau giữa các ngành kinh tế biển hiện vẫn còn dư địa khá rộng lớn. Do đó, để thực hiện kinh tế biển xanh, cần xây dựng các cơ chế, quy trình và quy định mạnh mẽ để đảm bảo duy trì chất lượng môi trường bên cạnh tăng trưởng kinh tế biển.
Về trung và dài hạn, để quản lý tốt hơn hệ sinh thái biển và phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn các ngành kinh tế biển, các cơ quan quản lý nhà nước về biển cần xây dựng một chương trình dài hạn với sự nỗ lực liên tục trên một số nội dung gồm: xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quản lý tốt tài nguyên biển, đồng thời khuyến khích các hoạt động kinh tế biển dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường, theo các cam kết quốc tế của Việt Nam; mở mang thêm những lĩnh vực kinh doanh có khả năng đem lại giá trị cao như dược liệu biển, năng lượng biển, đặt biệt là điện gió ngoài khơi…
Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết, điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới trong suốt 15 năm qua. Những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội mà điện gió mang lại đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích kinh tế trực tiếp, góp phần tạo việc làm và phát triển ngành công nghiệp, năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có cơ hội phát triển kỹ thuật điện gió rất lớn, có thể đạt trên 500 GW trong đó trên đất liền là 42 GW và điện gió ngoài khơi là 475 GW ở các vùng biển cách bờ tới 200 km. Tính đến hết năm 2021, trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận vận hành thương mại, giúp giảm thiểu hàng triệu tấn carbon phát thải.
Đề xuất định hướng quy hoạch không gian biển ven bờ phát triển năng lượng gió biển, Tiến sỹ Dư Văn Toán cho rằng, Việt Nam cần sớm có lộ trình chủ động tích cực giảm nguồn nhiệt điện từ than, dầu và khí, tiến tới không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện gió trên bờ và ngoài biển. Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Cùng với việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.., các nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam nên khởi động một Chương trình phát triển kinh tế biển xanh, trong đó xác định rõ một số dự án trọng điểm để tập trung thực hiện, định kỳ đánh giá, theo dõi hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện.
TheoBaotintuc
Ngày 12/9, thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 3 cho biết, tối 11/9, tại huyện Côn Đảo, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 đã cứu nạn và bàn giao thuyền viên tàu cá BV 92349 TS bị tai biến khi đang hành nghề trên vùng biển cách Côn Đảo 122 hải lý về phía Đông Nam.
Ngày 12/9 tại Quân cảng Vùng 3 Hải quân, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Hội thi tàu chính quy mẫu mực và Hội thao huấn luyện tàu mặt nước lần thứ nhất năm 2023.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: "Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(1). Quan điểm trên khẳng định việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết; là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, tối ngày 7/9, bệnh xá đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân Bùi Văn Tạng, 46 tuổi, quê huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là ngư dân trên tàu cá QNg 96669 TS.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” lần thứ 10 năm 2023 do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) tổ chức tối 7/9 đã vận động được hơn 34,2 tỷ đồng từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ cho Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tuần tra, giám sát trên biển, đồng hành cùng ngư dân bám biển.