(HBĐT) - Nhằm đưa các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) vào cuộc sống, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tích cực phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Những thông tin về chính sách BHYT liên tục được phổ biến tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của người dân về BHYT, mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới BHYT toàn dân.


Cán bộ ngành BHXH tỉnh tư vấn trực tiếp người dân tham gia BHXH, BHYT.

Nỗ lực vượt khó

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, từ ngày 1/7/2021, toàn tỉnh có 58 xã chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách đối với vùng II, III (có 46 xã vùng I, 12 xã vùng II). Có 146.912 người không thuộc diện được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng theo quy định của Luật BHYT, với khoảng 142.901 người là đồng bào dân tộc thiểu số và 4.011 người sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, chiếm 17,85% người dân có thẻ BHYT. Tính đến 31/3/2022, toàn tỉnh có 768.742 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 88,3%. Việc vận động người dân tham gia BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trước kia, tất cả người DTTS đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Từ tháng 7/2021 có sự thay đổi về cơ chế, chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, một số xã trên địa bàn tỉnh không thuộc diện người dân tộc thiểu số được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT, dẫn đến số người tham gia BHYT giảm gần 147 nghìn người. Đây là một thách thức lớn đối với ngành bảo hiểm, vì tâm lý người dân đã quen với việc được cấp thẻ BHYT miễn phí và kinh tế còn nhiều khó khăn. Để phát triển đối tượng tham gia BHYT, cùng với việc đa dạng hình thức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT, tập trung triển khai phát triển đối tượng BHYT hộ gia đình và BHYT học sinh. Qua đó, người dân hiểu được chính sách, phương thức đóng để có thể tham gia được, nên số người tham gia đóng BHYT đã tăng 34.857 người so với tháng 7/2021.

Từ giữa năm 2021, những người trong gia đình anh Bùi Văn Tùng, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Song ngay từ thời điểm Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của chính sách BHYT, anh Tùng quyết định đăng ký tham gia tiếp BHYT hộ gia đình cho cả nhà. "Được cán bộ đại lý thu BHXH, BHYT xã tuyên truyền, tôi thấy việc tham gia BHYT rất quan trọng, nhất là khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của cả gia đình. Tôi đã tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình để nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật, chúng tôi không phải lo lắng về chi phí khám, chữa bệnh nữa” - anh Tùng chia sẻ.

Lan tỏa chính sách an sinh

Nhằm đẩy mạnh các giải pháp phát triển BHYT, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc rà soát chi tiết số người tham gia BHYT không còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT để điều chỉnh giảm thẻ theo quy định; hoặc kịp thời lập danh sách để cấp thẻ BHYT theo các nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như: Cận nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia đình nông - lâm nghiệp có mức sống trung bình… Đồng thời, phối hợp các ngành liên quan rà soát đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh để phát triển BHXH, BHYT cho người lao động. Để thực hiện được mục tiêu tỷ lệ BHYT toàn dân giai đoạn 2021-2025 đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp kinh phí hộ trợ thêm mức đóng BHYT từ nguồn ngân sách cho đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình và học sinh, sinh viên.

Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT. Trong đó nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống KT-XH cũng như các quyền lợi khi tham gia BHYT. Đặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, đến cơ quan BHXH hoặc đại lý thu gần nhất làm thủ tục đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình để không bị gián đoạn quyền lợi 5 năm liên tục. Chỉ đạo BHXH các huyện phối hợp UBND huyện, xã tăng cường triển khai tốt công tuyên truyền cho người dân nắm bắt được chế độ, quyền lợi của chính sách BHYT, nhất là các xã vừa thoát ra khỏi vùng khó khăn Quyết định số 861/QĐ-TTg. Đồng thời, phối hợp các bưu điện, đại lý thu các xã, tổ chức đoàn thể để vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình. Các hình thức tuyên truyền cũng được BHXH tỉnh thực hiện đa dạng, thông qua các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin, báo chí cơ sở như: Phối hợp đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh, hệ thống loa truyền thanh cơ sở... Bên cạnh đó, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức tư vấn trực tiếp theo các nhóm nhỏ cũng được BHXH tỉnh phát huy tối đa.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện tốt công tác an sinh trên địa bàn, hàng năm BHXH tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền một số địa phương tổ chức trao tặng thẻ BHYT cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc các xã chịu tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg. Qua đó, thể hiện sự chung tay, đồng hành của BHXH tỉnh, cũng như tinh thần "tương thân tương ái” của cán bộ, viên chức cơ quan BHXH với những người có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần lan tỏa tính nhân văn, chia sẻ của chính sách BHYT đến với người dân.


Phạm Vinh (BHXH tỉnh)

Các tin khác


Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn tồn tại, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ gây giảm nguồn quỹ dành cho việc khám, chữa bệnh (KCB) đối với những trường hợp thật sự gặp rủi ro do bệnh tật. Hành vi này xuất phát từ 3 phía: Người tham gia BHYT, cơ sở y tế và chính cán bộ, nhân viên giám định. Hệ thống giám định BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều hình thức trục lợi BHYT như: mượn thẻ đi KCB, khám bệnh tới hơn 100 lần trong 1 năm; mượn thông tin của bác sỹ để chỉ định kéo dài ngày nằm viện.

Tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm

Thời gian qua, song song với việc tăng cường truyền thông, phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngành BHXH tỉnh còn thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, đôn đốc thu nợ đối với những đơn vị chậm đóng bảo hiểm.

Đảm bảo người tham gia bảo hiểm thụ hưởng đầy đủ chế độ

Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền, mở rộng số lượng người tham gia bảo hiểm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

“Điểm tựa” cho người nghèo

Nhờ chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của Nhà nước và địa phương, nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế, giúp giảm bớt khó khăn cho gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền có hiệu quả, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng để tích cực tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)…

Truyền thông - “chìa khóa” đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống

Xác định công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng, được xem như "chìa khóa” đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống, những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về chính sách bảo hiểm. Từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), thu hút đối tượng tham gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục