Nhờ chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của Nhà nước và địa phương, nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế, giúp giảm bớt khó khăn cho gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật.



Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Đà Bắc tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho người dân tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, mỗi năm quỹ BHYT của tỉnh chi trả gần 1.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh (KCB) BHYT, nhiều trường hợp người bệnh được chi trả hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch, suy thận... Nếu không có "điểm tựa” vững chắc là tấm thẻ BHYT, với chi phí điều trị lớn, kéo dài, chắc chắn nhiều người sẽ phải buông xuôi, từ bỏ việc điều trị. Do đó, từ nhiều năm nay, BHYT được phần lớn người tham gia BHYT xem là "điểm tựa”, là "thẻ hộ mệnh” không thể thiếu.

Ông Trần Văn Quang (sinh năm 1966) mắc bệnh suy thận mạn tính. Hiện ông chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Quang cho biết: "Tôi bị suy thận gần 10 năm nay, giờ đã suy độ 4. Đều đặn mỗi tuần tôi phải tới bệnh viện lọc máu từ 2 - 3 lần. Sức khỏe yếu, thường xuyên phải ra vào bệnh viện nên bản thân tôi không có khả năng lao động, trong khi chi phí điều trị, lọc máu hàng tháng hàng chục triệu đồng. Nếu tính toàn bộ viện phí đến giờ chắc phải lên tới hàng tỷ đồng, nhờ có thẻ BHYT hộ nghèo, được BHYT chi trả 100% chi phí nên tôi mới có thể bám trụ tới bây giờ”.

Thuộc diện hộ nghèo nên các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Mùi, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) đều được hỗ trợ cấp BHYT. "Tôi tuổi cao, sức khỏe yếu, phải đi khám bệnh thường xuyên với chi phí cao. Nếu không được Nhà nước cấp thẻ BHYT thì tôi không biết trông cậy vào đâu. Giờ gia đình tôi không còn ngại khi đến cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe vì đã có BHYT hỗ trợ”- bà Mùi chia sẻ.

Từ thực tế trên có thể thấy, việc tham gia BHYT đảm bảo cho cuộc sống của mỗi gia đình không nghèo túng khi bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, tỉnh thực hiện hỗ trợ thêm 30% (ngoài hỗ trợ từ Trung ương) chi phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo trên địa bàn. Bên cạnh chính sách hỗ trợ tham gia BHYT, người thuộc hộ nghèo khi đi KCB được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí, người thuộc hộ cận nghèo được chi trả 95% chi phí. Ngoài ra, nhóm đối tượng này khi đi KCB còn được hỗ trợ thêm một phần chi phí từ Quỹ KCB cho người nghèo của tỉnh…

Để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo và cận nghèo khi đi KCB, hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH rà soát danh sách, cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền giúp người nghèo, cận nghèo nắm rõ quy định chính sách, pháp luật BHYT. Trong 9 tháng năm 2023, quỹ BHYT đã chi trả khoảng 825,6 tỷ đồng KCB BHYT cho 956.605 lượt KCB, trong đó có 28.014 lượt người nghèo với số tiền 23,4 tỷ đồng, 18.275 lượt người cận nghèo với số tiền 13,9 tỷ đồng. Người nghèo, cận nghèo còn được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao, giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến và giảm chi phí cho gia đình người bệnh.

Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Thời gian tới, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách hỗ trợ, đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo có BHYT, được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi đi KCB.

 

Đức Thắng

(Bảo hiểm xã hội tỉnh)

Các tin khác


Huyện Đà Bắc: Bản làng hòa nhập lưới an sinh

Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con vùng cao, người dân tộc thiểu số (DTTS), Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Đà Bắc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy người dân hòa nhập vào lưới an sinh. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng những cán bộ chuyên môn huyện vùng cao Đà Bắc hàng ngày quyết tâm vượt khó, nỗ lực học tiếng dân tộc, phong tục tập quán để phục vụ đồng bào các DTTS tham gia bảo hiểm.

Hội nghị triển khai công tác BHXH, BHYT năm 2024

Ngày 17/1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có lãnh đạo BHXH tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh...

Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ngày 10/1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn tồn tại, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ gây giảm nguồn quỹ dành cho việc khám, chữa bệnh (KCB) đối với những trường hợp thật sự gặp rủi ro do bệnh tật. Hành vi này xuất phát từ 3 phía: Người tham gia BHYT, cơ sở y tế và chính cán bộ, nhân viên giám định. Hệ thống giám định BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều hình thức trục lợi BHYT như: mượn thẻ đi KCB, khám bệnh tới hơn 100 lần trong 1 năm; mượn thông tin của bác sỹ để chỉ định kéo dài ngày nằm viện.

Tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm

Thời gian qua, song song với việc tăng cường truyền thông, phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngành BHXH tỉnh còn thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, đôn đốc thu nợ đối với những đơn vị chậm đóng bảo hiểm.

Đảm bảo người tham gia bảo hiểm thụ hưởng đầy đủ chế độ

Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền, mở rộng số lượng người tham gia bảo hiểm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục