Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. 

Việc quy định này được ban hành, xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, chính là thể hiện rõ sự quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, là thêm một "cánh tay nối dài của Trung ương” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Quy định số 67-QĐ/TW, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là chỉ đạo công tác tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp xảy ra ở địa phương.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định Đảng, pháp luật Nhà nước. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xử lý các vụ việc; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương. Ban này cũng sẽ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị…

Quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết, hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, đồng thời báo cáo thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển….


Ngày 2/6/2022, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng đoàn dẫn đầu làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ảnh minh hoạ: Đức Hiếu/TTXVN

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định 67-QĐ/TW, dư luận xã hội đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như chia sẻ của ông Hồ Chí Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cà Mau, quy định này được ban hành sẽ xóa bỏ triệt để tư tưởng bao che, nể nang trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu ở cơ sở… Thực tế đã chỉ ra, hệ quả của việc "trên nóng, dưới lạnh” là rất nguy hại, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 2 bày tỏ: Ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu, từ quy định đi vào cuộc sống là một quá trình không dễ dàng gì và cần thời gian. Với quyết tâm của Đảng ta hiện nay trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta tin tưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công cuộc chống "giặc nội xâm” đang tiếp tục được mở ra trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán... Những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi sai phạm. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Mới đây, ngày 4/6/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét và quyết thi hành kỷ luật kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021; Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với các tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 gây hậu quả nghiêm trọng. Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận. Tại nước ta, tham nhũng, tiêu cực hiện vẫn diễn biến rất phức tạp, được xem là một trong các nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Dù đạt được nhiều kết quả rất quan trọng song phòng, chống "giặc nội xâm” ở nhiều ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực…

Quy định 67-QĐ/TW được ban hành cũng cho thấy, cuộc chiến chống "giặc nội xâm” đang bước vào giai đoạn mới sau những thành quả, dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đây chính là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí

Chiều 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”, với sự điều phối của nhà báo Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị-Xã hội, Báo Nhân Dân.

Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 2: Vì sao dễ đánh mất mình?

Xã hội phát triển, sự cám dỗ của đồng tiền cũng hiện diện trong muôn mặt đời sống. Tư tưởng thực dụng, tôn sùng đồng tiền ở vị trí độc tôn của một bộ phận người trẻ càng bùng phát mạnh mẽ trong thời buổi kinh tế số. Suy nghĩ có tiền là có tất cả, nhiều tiền đồng nghĩa với thành công, việc đánh đồng tiền bạc với mục tiêu, lý tưởng sống đã dẫn dụ một bộ phận người trẻ vào chỗ lầm đường lạc lối.

Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 1: Kiếm tiền theo kiểu... bất chấp

Nhịp sống hiện đại với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật, khoa học-công nghệ làm cho đời sống của giới trẻ ngày càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn.

Nhận diện, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình: Bài 3 - Đồng bộ giải pháp để chặn “sóng ngầm”

Thực tiễn ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc, thế trận an ninh nhân dân được củng cố nên từng bước xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Nhận diện, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình: Bài 2 - Di chứng nặng nề từ “virus” ác tính

Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã hình thành và tồn tại hơn 30 năm (từ năm 1989). Những hoạt động của tổ chức này làm xáo trộn nghiêm trọng đời sống của một bộ phận đồng bào Mông và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Những "di chứng”, hệ lụy để lại vẫn đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp bài toán hóc búa.

Xin đừng để “biết thế”

Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Điểm nhấn đầu tiên đó là nhận thức của các cấp uỷ, nhân dân và cán bộ, đảng viên về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có những chuyển biến rõ rệt. Từ nhận thức về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hậu quả và tác hại hết sức to lớn không chỉ gây thiệt hại về tiền, của Nhà nước, xã hội và của Nhân dân mà sâu xa hơn còn đe dọa sự tồn vong của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của dân tộc ta trong gần 80 năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục