Tuần qua, các phiên thảo luận trong ba ngày liên tục của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV diễn ra tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội trong không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng và trách nhiệm cao. Qua đó, đã đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề nóng bỏng, tầm mức thời sự quốc gia được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

 

Đại biểu QH TP Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội trường trong phiên thảo luận ngày 3-11.

 

Cần thêm quyết sách đột phá, căn cơ

Nhìn chung, ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội (QH), cũng như nội dung giải trình của các bộ trưởng về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, nhìn lại những kết quả và hạn chế của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới… góp phần phân tích, làm sáng tỏ bức tranh với nhiều mảng màu “sáng, tối”, thực trạng phát triển đất nước bao quát trên nhiều lĩnh vực.

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về 5 kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, phát biểu ý kiến chính thức tại hội trường và trao đổi với các phóng viên bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu vẫn chưa thật sự yên tâm với những kết quả vừa qua. Đối với mục tiêu QH đã đề ra là đến năm 2015 cơ bản đạt được những mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, thực tiễn cuộc sống cho thấy vẫn còn một loạt vấn đề hạn chế cần được khắc phục. Từ chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đề ra, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp, cho đến tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, tình hình nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để.

Những vấn đề khác về hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công, tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, trong nội bộ ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp… đã được các đại biểu QH “xới xáo”, thẳng thắn chỉ rõ. Cụ thể, nhiều ý kiến đại biểu lo lắng trước tình trạng kém hiệu quả trong đầu tư công. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ trách nhiệm đầu tư các dự án “trăm tỷ, nghìn tỷ đồng” đang bị “đắp chiếu” gây thất thoát, lãng phí? Nguyên nhân chủ quan do đâu, giải pháp giải quyết tình hình chậm đổi mới cơ chế, trong tổ chức thực hiện và quản lý thế nào? QH đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở cần làm rõ mô hình tăng trưởng, rà soát các chỉ tiêu, nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế bảo đảm tính cụ thể, tính khả thi.

Vấn đề tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn được nhiều đại biểu QH tập trung thảo luận. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Ở nhiều địa phương từ vùng đồng bằng đến các bản làng, phum sóc biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, người dân đang đối mặt tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, phá rừng làm thủy điện ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Đó chính là hệ quả của quá trình phát triển nóng vội vừa qua làm xáo động môi trường văn hóa, cuộc sống của người dân. Đại biểu QH và cử tri cả nước yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương cần đưa ra những quyết sách căn cơ trước mắt và lâu dài để giải quyết các vấn đề nói trên, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương.

Vì một Chính phủ liêm chính, kiến tạo

Các đại biểu QH đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cử tri nhiều nơi đề nghị QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật và nghị quyết của QH. Đặc biệt, để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, phải quan tâm hơn nữa đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, giúp đất nước rút ngắn thời gian CNH, HĐH, nhiều đại biểu QH nhấn mạnh yếu tố “liêm chính, kiến tạo và phát triển” trong xây dựng, ban hành thể chế chính sách đồng bộ. Trong đó, Chính phủ cần phải chủ động khởi xướng chính sách, mở đường cho chính sách. Theo đó, cần phải rà soát lại các quan hệ kinh tế- xã hội, lĩnh vực pháp luật để xác lập sự tác động của Nhà nước theo chiều tích cực, loại bỏ tiêu cực. Mặt khác, mở rộng dân chủ trên mọi mặt đời sống xã hội, từ đó khích lệ và tạo nguồn cảm hứng sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài tham gia hiến kế cho tiến trình phát triển.

Bên lề các phiên thảo luận tuần qua, cùng với suy nghĩ của đông đảo cán bộ, đảng viên, cử tri cả nước, trao đổi với các phóng viên đưa tin kỳ họp, rất nhiều đại biểu QH bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao sự chỉ đạo của Đảng trong việc xử lý kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Đề cập công tác cán bộ hiện nay, nhiều đại biểu QH cho rằng, ngoài việc kiểm tra, thanh tra gắn với xử lý, kỷ luật nghiêm, đề nghị phải rà soát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ. Bên cạnh tuân thủ và thực thi đúng luật pháp, chính sách của Nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người “có tâm, có tầm”, mang trong mình tinh thần phục vụ nhân dân. Cán bộ là những “kiến trúc sư”, nhân tố quan trọng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, tạo lập môi trường thuận lợi để đất nước cất cánh.

Cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật. Xây dựng cơ chế kiểm soát, lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực. Hơn nữa, cần có cơ chế đối thoại để nghe lòng dân, thấu đạt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời trong ban hành chính sách...

Đại biểu LÊ THANH VÂN (Tỉnh Cà Mau)

 

 

                                                    TheoNhandan

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB), lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Những tiếng nói tâm huyết của cán bộ, nhân dân Hòa Bình hướng về ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam; làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào dân tộc. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh hướng về ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục